Doanh nghiệp và doanh nhân

12/10/2009 01:02 GMT+7

Trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, Nhà nước phải đi vay trong nước và nước ngoài để nuôi doanh nghiệp (DN), chứ không phải là DN nuôi Nhà nước. Cơ chế thị trường định hướng XHCN đã thổi một luồng sinh khí mới vào sự phát triển DN.

Sự tôn vinh DN và doanh nhân đã có những bước tiến quan trọng, nhất là từ sau khi Luật DN ra đời. Từ chỗ phải xin phép thành lập với hàng trăm giấy phép đủ loại, nay đã tiến lên một bước là đăng ký với các thủ tục giảm đi rất nhiều và đang tiến tới một sân chơi chung cho tất cả các loại DN, tránh việc phân biệt đối xử. Nhờ vậy mà số lượng DN đã tăng gấp bội, hiện lên đến hàng trăm nghìn. Tuy nhiên, hiện bình quân mới đạt trên 400 người dân mới có một DN, là quá ít so với "mật độ" của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vấn đề đặt ra là cần phải tạo điều kiện để có nhiều DN hơn nữa ra đời.

Sự phát triển của DN đã đem lại những kết quả tích cực trên nhiều mặt. Trước hết là thu hút vốn. Tổng số vốn của DN tại thời điểm đầu năm 2005 là trên 2 triệu tỉ đồng. Khu vực DN nhà nước có trên 1,2 triệu tỉ đồng, chiếm 59,5% tổng số. Khu vực DN ngoài quốc doanh có gần nửa triệu tỉ đồng, chiếm 18,5% tổng số, nhưng lại có tốc độ tăng cao nhất. Khu vực DN có vốn ĐTNN có gần nửa triệu tỉ đồng, chiếm 22% tổng số.

Một kết quả nổi bật là giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Trong 4 năm qua, khu vực DN đã thu hút thêm khoảng 2,3 triệu lao động; nếu kể cả số tuyển dụng để thay thế số lao động giảm do các nguyên nhân, thì tổng số lao động mà khu vực DN đã tuyển dụng trong 4 năm lên đến gần 3 triệu người, bình quân một năm trên 800 nghìn người, chiếm trên 60% tổng số lao động được giải quyết việc làm trong năm.

Đóng góp của DN đối với GDP của cả nước ngày càng tăng và hiện đã chiếm tỷ trọng khá trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Theo ước tính ban đầu, GDP do khu vực DN tạo ra năm 2005 đã chiếm gần 60% tổng GDP của cả nước, cao hơn tỷ trọng 45,3% của năm 1995, gấp nhiều lần tỷ trọng 14,2% về lao động của khu vực này; trong khi khu vực còn lại chiếm tỷ trọng 85,7% về lao động, nhưng chỉ chiếm trên 40% GDP.

Một tác động tích cực khác là đã tạo ra được đội ngũ doanh nhân mới, vừa trẻ, khỏe, có trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật và quản lý, tiếp cận với kinh tế thị trường, không những tự nâng cao mà còn góp phần nâng cao trình độ kinh doanh chung, đi tiên phong và là lực lượng nòng cốt đưa nền kinh tế nước ta sánh vai với nền kinh tế của các nước trong khu vực và trên thế giới.

DN và doanh nhân xứng đáng được tôn vinh. Sự tôn vinh này không chỉ về mặt danh dự, mà còn cần phải được tháo gỡ những vướng mắc trên con đường phát triển, nhất là những vướng mắc ngoài tầm tay của DN, như giá bất động sản cao, lãi suất vay ngân hàng cao, thiết bị kỹ thuật công nghệ còn thấp, chất lượng lao động thấp, môi trường hoạt động chưa bình đẳng, quy mô DN còn nhỏ, hiệu quả còn thấp, số lượng DN còn ít.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.