Brunei không buồn

02/10/2010 21:26 GMT+7

“Brunei hả? Xứ đó giàu nhưng buồn lắm!”, “Qua đó chả biết làm gì cho hết ngày!” - đó là bình luận về Brunei của những người từng đến đất nước này, khiến tôi càng tò mò muốn xem Brunei “buồn” cỡ nào.

Nếu đến Brunei từ TP.HCM trên máy bay của Royal Brunei Airlines, bạn sẽ được chăm sóc bởi các tiếp viên người Việt trong bộ trang phục của phụ nữ Hồi giáo. Vài năm gần đây, lượng khách Việt Nam từ TP.HCM đi Úc và New Zealand bằng máy bay của hãng này tăng lên khá cao, do đó bên cạnh các tiếp viên bản xứ, hãng đã thuê cả tiếp viên người Việt.

 

 Đỉnh Kinabalu nhìn từ xa - Ảnh: P.T.N

Tuy nhiên, lượng khách du lịch Việt Nam đến Brunei lại khá ít. Trong 3 năm vừa qua, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 500-600 du khách người Việt đến nước này. Nguyên nhân  thường được liệt kê là Brunei buồn: sau khi tham quan một số điểm thì du khách chả có gì để làm, vì trong quán bar không được bán bia rượu, bãi biển mênh mông nhưng chả ai tắm, khu mua sắm thì nhỏ xíu… Bởi thế, để cải thiện tình hình, trong các tour mới mở gần đây, du khách Việt được đưa đi chơi Kota Kinabalu, một thành phố du lịch nổi tiếng của Malaysia cách Brunei độ nửa giờ bay, tắm táp chơi bời ở đó vài ngày trước, rồi sau đó mới về Brunei.

“Nàng Tô Thị” trên đỉnh Kinabalu

Trước khi đến Kota Kinabalu, tôi đã có dịp xem trên một số trang web về nhiếp ảnh của Việt Nam những bức ảnh phong cảnh chụp đỉnh núi Kinabalu rất đẹp do một số tay máy “bụi” chụp cách đây vài năm, lúc các hãng du lịch lữ hành trong nước chưa mở tua Brunei- Kota Kinabalu. Đỉnh núi này cao 4.095m, được quảng cáo là “nóc nhà của Đông Nam Á” trong nhiều tài liệu hướng dẫn du lịch - kể cả ở Việt Nam, nhưng thực ra nó chỉ nằm trong top 5 đỉnh núi cao nhất chứ không phải là số 1. Nếu leo từ chân tới đỉnh núi phải mất cả một ngày trời, ngủ đêm trên đó, sáng hôm sau mới leo xuống.

Người dân địa phương xem Kinabalu là đỉnh núi linh thiêng, nơi trú ngụ của các linh hồn sau khi chết. Tôi cũng phát hiện ra một truyền thuyết khác khá thú vị  - hóa ra không chỉ ở Việt Nam có những nàng Tô Thị chờ chồng đến hóa đá trên đỉnh núi, mà trên đỉnh Kinabalu cũng có một “hòn vọng phu”. Theo truyền thuyết của người bản địa thì tên của ngọn núi - “Kina” có nghĩa là “China” (Trung Hoa) và “Balu” nghĩa là “góa phụ”. Ngày xưa có một hoàng tử Trung Hoa trèo lên đỉnh núi để tìm viên ngọc lớn do một con rồng hung dữ canh giữ. Hoàng tử giết con rồng và lấy được viên ngọc, sau đó, chàng cưới một cô gái thuộc tộc người Kadazan, nhưng nhanh chóng rời bỏ cô để trở về cố quốc. Người vợ ôm trái tim tan nát trèo lên đỉnh núi ngóng chồng và than khóc rồi hóa đá.

 
 Du khách Việt tập trồng san hô ở Kota Kinabalu - Ảnh: P.T.N

Kota Kinabalu không chỉ có núi. Thành phố thủ phủ của tỉnh Sabah này có địa hình đa dạng:  núi, sông, rừng, biển, đảo, do đó rất lý tưởng để phát triển du lịch với nhiều loại hình hấp dẫn như chèo thuyền, vượt thác, leo núi, thám hiểm rừng, tắm biển… Xanh, sạch, đẹp, dịch vụ tốt, Kota Kinabalu quả là một điểm nghỉ dưỡng hoàn hảo. Đặc biệt, biển ở đây tuyệt đẹp. Ở các khu resort 5 sao ngoài đảo, có thể thấy hàng đàn cá thong dong bơi lội ngay dưới chân phòng ngủ, hay lượn quanh bạn khi đang tắm biển. Kota Kinabalu cũng không thiếu những siêu thị mênh mông bày đủ loại hàng hiệu với bảng treo “sale off”. Chính quyền Sabah đang quyết tâm biến nơi này thành “đảo ngọc” du lịch.

Uống bia ở xứ Hồi giáo

Về lại Brunei, chúng tôi ngợp trong màu xanh yên bình của cây cối nơi đây. Xứ sở này yên bình đến nỗi, nếu bạn đi trên đường phố hiện đại của thủ đô Bandar Seri Begawan trong những buổi chiều tà, bạn vẫn sẽ thấy một nỗi buồn hiu hiu, kiểu như “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” xâm chiếm lòng mình.

Sau khi đã thấm mệt với những ngày vùng vẫy ở Kota Kinabalu và những buổi đi thăm thú các “củ hành” (đền thờ Hồi giáo), thăm làng nổi lớn nhất thế giới Kampong Ayer và thám hiểm vườn quốc gia Temburong  ở Brunei, du khách Việt thường ao ước được ngồi tụ tập uống bia bên bờ sông như lúc “ở nhà”. Nhưng đó là ước mơ xa xỉ trên đất nước lấy Hồi giáo làm quốc giáo này. Brunei cấm bán rượu, bia nơi công cộng, du khách có uống thì chỉ được uống trong phòng khách sạn.

Thế nhưng chuyến đi vừa qua, chúng tôi đã có dịp được uống bia trong quán bar của khách sạn hẳn hoi. Iswandi Maarof, ông giám đốc khách sạn 4 sao Orchid, nơi chúng tôi ở, đã mời đoàn lên quán bar của khách sạn ngồi chơi. Có lẽ đây là quán bar… lặng lẽ nhất mà tôi từng thấy. Không có nhạc xập xình, không có các tiếp viên xinh đẹp, không có đèn chớp tắt, chỉ có vài du khách ngồi xem bóng đá qua chiếc ti vi màn hình lớn treo tường. Thật ngạc nhiên khi ông giám đốc cho biết có thể gọi bia. Sugumaran, anh chàng người Malaysia, Trưởng phòng Inbound của Công ty Frame Travel (Brunei) kiêm hướng dẫn viên của đoàn tiết lộ với tôi, thật ra không phải quán bar này được “đặc cách” cho phép bán bia, mà vì khách sạn thuộc về một nhân vật “VIP” nên họ vẫn dám bán! Các khách Việt thì vui vẻ uống những ly bia “ngon như chưa bao giờ ngon thế”.

Đóa hoa bí ẩn

Cứ đến xứ Hồi giáo là đàn ông Việt Nam ta lại luôn miệng hỏi thăm về việc các quý ông Hồi giáo được lấy đến 4 vợ. Tuy nhiên Sugumaran cho biết, hiện nay giới trẻ Hồi giáo Brunei chỉ thích sống một vợ một chồng, và những ông chồng nhiều vợ thường không được coi trọng bằng các ông một vợ.

Trong một khách sạn 5 sao mà đoàn khảo sát, chúng tôi đã gặp một nhan sắc Hồi giáo làm cả đoàn ngỡ ngàng. Gương mặt thánh thiện và nụ cười trong sáng của Ainaa, cô gái 19 tuổi, nhân viên của khách sạn cực kỳ quyến rũ dù cô mặc bộ áo đen và trùm đầu bằng chiếc khăn màu đen bí ẩn. Được Ainaa đồng ý, cả đoàn tranh nhau chụp ảnh với cô làm kỷ niệm. Cô luôn nở nụ cười rất tươi tắn. Một chàng cầm máy ra hiệu cho bạn mình vòng tay ôm cô. “Không, không” - Ainaa vừa nói vừa ngượng ngập xua tay, dáng vẻ bối rối của cô trông thật đáng yêu.

“Nếu tôi là đàn ông và sống ở Brunei, tôi sẽ theo đạo Hồi, xin vào làm ở khách sạn này để làm quen với cô ấy và nếu cô ấy đồng ý, sẽ cưới cô ấy” - tôi nói với Sugumaran. “Thật à? Nếu chị biết sẽ phải đánh đổi những gì khi lập gia đình với người Hồi giáo, chị sẽ không hào hứng thế đâu”. “Anh không nghĩ rằng có lúc mình sẽ phải lòng và muốn cưới một cô gái Hồi giáo sao?”. “Không. Hồi giáo là một tôn giáo rất hay, nhưng tôi không thích bị bó buộc. Chẳng hạn, nếu lấy một người chồng Hồi giáo, chị sẽ phải cải tên của mình, chị sẽ không được ăn một số loại thức ăn, không được đến một số nơi, và phải 100% thuộc về tôn giáo đó hơn là người mà chị yêu...”.

Hạnh phúc của “không làm gì cả”

Đêm cuối ở thủ đô Bandar Seri Begawan , Sugumaran hỏi tôi có muốn chạy thử chiếc Toyota Camry của anh ta trên đường phố không (như mọi người dân Brunei, anh chàng này cũng có khá nhiều xe hơi). Tôi ngần ngại vì lúc đó đã 11 giờ đêm, đường phố rất vắng. Anh ta cười: “Yên tâm đi, rất an toàn”.

Ban đêm, bờ sông Brunei nhìn ra phía làng nổi đã biến thành một bãi đậu xe lớn với cơ man xe hơi. Đấy là xe của những cư dân làng nổi. Sau một ngày làm việc, họ để xe trên bờ, đi thuyền về nhà, sáng ra lại lên bờ đánh xe đi làm. Dù trong số 30 ngàn người dân của làng chẳng mấy người còn sinh sống nhờ đánh bắt thủy sản nữa, nhưng họ vẫn thích sống trên mặt nước, như cha ông họ từ 600 năm nay. Ở một đoạn sông Brunei khác, đền thờ Omar Ali Saifuddien hiện ra, uy nghi và duyên dáng soi bóng lung linh trên mặt nước. Hệ thống chiếu sáng hoàn hảo của ngôi đền này đã khiến nó có một vẻ mỹ lệ lúc đêm về. Có lẽ, chính vẻ đẹp về đêm của ngôi đền đã biến nó thành biểu tượng nổi tiếng nhất của xứ sở này. Vẫn có một số du khách đang lang thang tản bộ trên con đường dọc theo bờ sông phía trước đền thờ, như đang tận hưởng sự tĩnh lặng về đêm của thành phố này.

Xe hơi ở Brunei tay lái nghịch so với xe Việt Nam, nên tôi chỉ lái chầm chậm. Những con đường rộng rãi và im vắng, nhưng giờ đây quả thực tôi không hề cảm thấy sợ hãi. Sau lưng tôi, những chiếc xe khác cũng như đang thong thả trôi trên đường. Chính trong lúc đó, tôi mới hiểu được câu nói của Michael, Giám đốc Frame Travel: “Nhiều người bảo rằng Brunei buồn vì đến Brunei chẳng có gì để làm, nhưng thực ra cái hay là đến Brunei là bạn không phải làm gì cả”.

Tôi nhớ ra ở nơi đây mình đã không bị “lôi” đi tham quan một cách tất bật hết điểm này đến điểm khác, đã không hối hả chạy hết gian hàng này đến gian hàng kia để mua sắm, đã không có những buổi sáng tỉnh dậy mệt nhừ vì đêm trước lỡ uống quá nhiều bia… Tôi đã thực sự được nghỉ ngơi, thư giãn, thực sự cảm nhận vùng đất này đúng như tinh thần của nó.

Và đối với tôi, Brunei không buồn! 

Phạm Thu Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.