Lo lắng về nền giáo dục

27/10/2011 22:29 GMT+7

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 27.10 về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm và lo lắng trước những bất cập của nền GD-ĐT hiện nay.

 

ĐB Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) lo ngại về tình trạng thiếu trường mầm non, thừa trường ĐH - Ảnh: Ngọc Thắng

Thừa ĐH, thiếu trường mầm non

Chúng ta lại đang coi trọng ngọn mà chưa quan tâm đến gốc, tức là mở ra quá nhiều trường ĐH trong khi các trường mầm non vừa thiếu, vừa không được quan tâm đúng mức

ĐB Nguyễn Văn Thịnh

Vấn đề được nhiều ĐB tập trung quan tâm là chất lượng giáo dục ĐH mâu thuẫn với số lượng trường.

ĐB Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) nhận định: “Chúng ta lại đang coi trọng ngọn mà chưa quan tâm đến gốc, tức là mở ra quá nhiều trường ĐH trong khi các trường mầm non vừa thiếu, vừa không được quan tâm đúng mức. Tôi đề nghị Nhà nước phải có trách nhiệm với bậc học này vì mầm non là gốc, là nền móng của cả một công trình. Nếu không được quan tâm hơn hẳn thì chí ít cũng phải bằng bậc tiểu học và trung học cơ sở”. Xung quanh vấn đề thiếu trường mầm non, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng: “Cần đòi hỏi trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương, phải thực sự quan tâm có quy hoạch và có chính sách đầu tư thích hợp, sớm xóa dứt điểm hiện tượng thiếu các trường mầm non ở đô thị và các địa phương có nhu cầu”.

Về giáo dục ĐH, ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đề nghị cơ cấu lại hệ thống trường ĐH, bảo đảm đào tạo có chất lượng. Hiện nay chúng ta có quá nhiều trường ĐH, nhất là ĐH dân lập, chất lượng đào tạo một số chuyên ngành không đáp ứng nhu cầu xã hội, sinh viên tốt nghiệp ra trường có những chuyên ngành thừa, có những chuyên ngành thiếu. Đồng quan điểm với ĐB Quang, ĐB Nguyễn Quang Phúc (Quảng Ngãi) nhận định, trường ĐH, CĐ nhiều trong khi việc dự báo nhu cầu nhân lực và phân luồng của các cơ quan chức năng rất yếu, dẫn đến chất lượng đào tạo giảm, lãng phí thời gian và tiền của của gia đình, xã hội. Vì vậy, cử tri kiến nghị trong thời gian tới Chính phủ cần tập trung rà soát, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, tăng cường khả năng dự báo, định hướng phân luồng để khắc phục tình trạng trên.

Chưa có chuyển biến

Trao đổi với PV Thanh Niên bên hành lang QH, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của QH nhận định: Sau một năm báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH và sự ra đời Nghị quyết của QH về việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, những đánh giá của báo cáo giám sát của QH về chất lượng giáo dục ĐH cũng đã được tiếp thu trong quá trình xây dựng dự án Luật GD ĐH. Nhưng việc thành lập trường ĐH, CĐ và việc nâng cấp các trường CĐ lên ĐH tràn lan dường như vẫn chưa có chuyển biến gì cả.

ĐB Thích Chơn Thiện (Nguyễn Hội) ở Thừa Thiên - Huế đề nghị QH sớm xây dựng Luật Giáo dục ĐH, đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng các trường ĐH, CĐ và công khai kết quả kiểm định làm cơ sở để phân loại chất lượng các trường, giải thể hoặc hạ cấp với những trường vi phạm quy định không thực hiện đúng cam kết thành lập trường.

“Nóng” chuyện lạm thu, dạy thêm

Dù không phải là cuộc thảo luận chuyên sâu về GD-ĐT nhưng vấn đề về lạm thu, dạy thêm tràn lan cũng được các ĐB thay mặt cử tri cả nước bày tỏ bức xúc.

ĐB Hoàng Minh Hồng (Nghệ An) nói: “Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có những quy định về dạy thêm, học thêm nhưng trên thực tế quy định này nhiều nơi chưa thực hiện được, tình trạng dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học khá nhiều. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu để khắc phục tình trạng này, đồng thời QH và các bộ liên quan tăng mức lương cải thiện đời sống cho giáo viên tiểu học, mầm non để tạo điều kiện cho các thầy cô yên tâm chăm lo học sinh”. ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị Nhà nước có cơ chế khuyến khích để các trường dân lập, tư thục chất lượng cao ra đời, phát triển và tạo mọi điều kiện để loại hình trường này hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục, điều kiện học tập tốt để thu hút học sinh từ những gia đình có điều kiện kinh tế, huy động được các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.