Giá caosu tụt dốc

14/10/2008 10:19 GMT+7

Tập đoàn Công nghiệp caosu Việt Nam (TĐ.CSVN) hiện đang đối diện nguy cơ nhiều hợp đồng xuất khẩu caosu dài hạn khắp thế giới (chiếm khoảng 60% sản lượng) sẽ bị vỡ.

Nguyên nhân bởi cơn khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến ngành công nghiệp liên quan đến chế biến caosu liêu xiêu. Giá caosu đang "tụt dốc không phanh". Caosu là nông sản chịu ảnh hưởng sớm nhất, mạnh nhất...

Không phanh

Ông Đinh Vạn Tiến (Trưởng ban Xuất nhập khẩu - TĐCSVN) cho biết, giá caosu thế giới hiện đang "tụt dốc" và chưa thấy có dấu hiệu dừng lại trong thời gian tới. Giá caosu bắt đầu giảm từ tháng 8 nhưng tốc độ tụt nhanh theo chiều thẳng đứng từ đầu tháng 10 tới thời điểm này, chỉ trong vòng hơn 10 ngày, giá đã "trôi" khoảng 15 triệu đồng/tấn. Nếu như mới tháng 7.2008, mủ caosu đang đứng ở đỉnh cao nhất về giá (khoảng 58 triệu đồng/tấn) thì đến nay (tính đến hôm qua 13.10.2008), chỉ còn khoảng 30 triệu đồng/tấn. Mất hơn 28 triệu đồng/tấn trong "chớp mắt" đã khiến nhiều DN xuất khẩu chới với.

Nguyên nhân, theo Hiệp hội Caosu Việt Nam, giá dầu thô thế giới giảm gần 50% (tính đến hôm qua còn 77USD/thùng) khiến xu hướng sử dụng caosu tổng hợp từ dầu (chiếm khoảng 50%) trở lại, đã làm giảm một phần nhu cầu caosu thiên nhiên. Quan trọng hơn, cuộc khủng hoảng tài chính đã làm chậm tốc độ phát triển kinh tế, lượng mua sắm ôtô và săm lốp ở các nước phát triển chững lại.

Tuy nằm ngoài "tâm" khủng hoảng tài chính ở Mỹ và Châu u, nhưng Trung Quốc, Nhật... lại nhập caosu chủ yếu để sản xuất lốp xe bán vào Mỹ, Châu u, vì vậy chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi đó, khoảng 60% thị trường caosu Việt Nam là Trung Quốc, hơn 15% là Nhật Bản... Thế nên cơn khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã tạo ra hiệu ứng "domino" đến tận từng vườn caosu tiểu điền ở Việt Nam.

Nông dân Lê Thị Oanh (có hơn 1ha caosu xã Long Xuyên huyện Phước Long - Bình Phước) cho biết, mới tháng 9, giá mủ caosu đông bán tại vườn đang 15.000đồng/kg thì nay tụt mất hơn 1/2, chỉ còn khoảng 6.000-7.000 đồng/kg. Tuy vẫn dễ bán nhưng với giá đó, nông dân đã không còn lời. Ông Đinh Vạn Tiến cũng khẳng định, giá mủ đã tinh chế 30 triệu đồng/tấn, cũng bằng với giá thành, DN chế biến xuất khẩu cũng không có lời.

Nguy cơ bị phá hợp đồng

Được biết sản lượng mủ caosu của TĐCSVN hơn 300.000 tấn thì lượng đã ký theo hợp đồng dài hạn chiếm khoảng 60%. "Khi nhà máy làm săm lốp xe của Trung Quốc, Nhật v.v... khó khăn tiêu thụ sản phẩm, có thể họ sẽ giảm, hoặc kéo dài, hay phá vỡ hợp đồng cung cấp nguyên liệu với các đối tác để giảm thiểu thiệt hại. Vì vậy hiện chúng tôi đang cố gắng tìm mọi cách để thuyết phục khách hàng đã ký hợp đồng dài hạn đảm bảo chữ...tín. Tuy nhiên cũng lo lắm, bởi nếu đứng trước nguy cơ phá sản, DN sẽ không dễ gì giữ chữ "tín"". Ông Đinh Vạn Tiến nói với PV.

Theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy cuộc rớt giá caosu theo chiều thẳng đứng sẽ dừng lại. Thậm chí có người còn lo ngại, giá có thể xuống "tận đáy" khoảng hơn 10 triệu đồng/tấn của năm 2000.

Đáng lo ngại, thời gian qua, vì được giá, ngoài diện tích caosu đã quy hoạch trong cơ cấu cây trồng của các tỉnh thì phong trào trồng caosu (đặc biệt là  caosu tiểu điền) theo kiểu bất chấp các điều kiện cần và đủ đã tăng vọt đến chóng mặt. Đơn cử tại huyện Tân Uyên, khoảng 2 năm trở lại đây người dân đã ồ ạt đem cây caosu xuống trồng trên... ruộng lúa, chấp nhận rủi may chứ không theo kỹ thuật. Bởi vậy diện tích quy hoạch trồng cây caosu tỉnh Bình Dương dự tính đến năm 2010 khoảng 105.000ha.

Tuy nhiên, đến nay diện tích đã cho thu hoạch và trồng mới trên 122.000ha. Khi các "đại gia" chế biến xuất khẩu trong và ngoài nước hãm lại việc mua caosu, sẽ khó lường được hết khó khăn sẽ xảy ra, đặc biệt đối với diện tích caosu tiểu điền.

Theo Đăng Lân - Ngô Sơn / Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.