Người đóng Tôn Ngô Không & bộ sưu tập hình ảnh Bác Hồ

24/08/2013 14:35 GMT+7

Không chỉ viết blog bày tỏ sự ngưỡng mộ tôn kính với Bác Hồ, gương mặt quen thuộc “Tôn Ngộ Không” Lục Tiểu Linh Đồng còn có bộ sưu tập về Bác và Việt Nam.

Bố ông trước đây từng có cơ hội biểu diễn cho Bác Hồ xem và chụp hình kỷ niệm cùng Bác. Ông có biết về sự kiện này không?

Hồi nhỏ, tôi thường được nghe bố tôi kể lại. Những năm 1950, trong thời gian Hồ Chủ tịch tới thăm Hàng Châu, Trung Quốc, Người có xem vở vũ kịch Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh do bố tôi đóng vai chính. Sau khi vở diễn kết thúc, Người đích thân lên sân khấu thăm hỏi diễn viên và hết lòng khen ngợi, cùng chụp chung hình lưu niệm quý giá. Nhưng do trải qua những năm tháng cách mạng văn hóa, tấm hình đó giờ không tìm thấy nữa. Cuối năm 2010 khi tôi tới thăm TP.HCM, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đích thân tới khách sạn thăm tôi, mang tới rất nhiều tư liệu có liên quan tới bố tôi. Tôi rất mừng vì tưởng sẽ tìm lại được bức hình chụp chung quý đó nhưng cuối cùng vẫn không có. Nhưng Giám đốc Bảo tàng nói vẫn có hy vọng thì có thể tìm ra. Đầu thập niên 60, Chủ tịch Mao Trạch Đông từng hai lần xem bố tôi biểu diễn, đều đặc biệt ghi tặng lời thơ. Đánh giá của lãnh đạo hai nước đối với diễn xuất của bố tôi là niềm vinh hạnh cao quý nhất. 

 
Sách và hình ảnh về Hồ Chủ tịch ấn bản tiếng Hoa do Lục Tiểu Linh Đồng sưu tầm - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần đây, tôi có mua rất nhiều sách vở tiếng Hoa liên quan đến Hồ Chủ tịch như: Tiểu sử Hồ Chí Minh, Tập thơ Nhật ký trong tù, Cuộc đời truyền kỳ về Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung Quốc, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh... Tôi đã liên tục trưng bày chỗ sách này tại Viện nghệ thuật Lục Tiểu Linh Đồng ở Thượng Hải. Nhưng tôi cũng hy vọng có thể tặng chúng cho Viện bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc triển lãm chúng tại quê hương Người. Hồi cuối năm 2010 trong chuyến thăm Việt Nam, tôi đã tới viếng lăng Hồ Chủ tịch, ngắm nhìn chân dung Người. Và trong bữa tiệc của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh mời, tôi cũng ngỏ ý hy vọng hai nước Việt-Trung có thể hợp tác làm những bộ phim điện ảnh và truyền hình về đề tài Tây Du Ký hoặc đề tài về Bác Hồ. Tôi cũng đặc biệt mong muốn có một ngày được vào vai Bác Hồ và xin gửi tặng tấm hình tôi trong tạo hình Hồ Chủ tịch.

Nhìn thấy ông sưu tầm khá nhiều hình Bác Hồ? Từ đâu ông có thú sưu tầm này?

Đúng vậy.Tôi sưu tầm những bức hình này vì muốn bày tỏ tấm lòng của người dân Trung Hoa luôn tôn kính cuộc đời của Người. Tinh thần hy sinh phấn đấu trọn đời của Hồ Chủ tịch vì đất nước đáng để mỗi chúng ta phải học tập. Vì vậy, ngoài việc sưu tầm những vật phẩm liên quan tới Tây du ký, giờ đây tôi có thú sưu tầm thêm hình ảnh, sách, tài liệu viết liên quan tới Hồ Chủ tịch và vẫn sẽ tiếp tục sưu tầm để sau này triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong gia đình ông còn lưu giữ những đồ vật gì của Việt Nam hoặc những kỷ niệm liên quan tới Việt Nam không?

Gia đình tôi vẫn còn lưu giữ nón lá Việt Nam, đồ sứ hình 4 thầy trò trong Tây du ký chưa tới 2 cm, tượng gỗ Tôn Ngộ Không cao gần 1 m do khán giả Việt Nam tặng. Ngoài ra còn có rất nhiều đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Một số trong đó do khán giả Việt Nam gửi tới. Một số do tôi tự mua. Và mọi tư liệu phim ảnh về phim Tây du ký ấn bản Việt, và báo chí Việt Nam các loại.

Ông đã xem phim Việt Nam hoặc xem qua sách Việt Nam chưa và có ấn tượng ra sao?

Đầu thập niên 70, nhiều phim truyện Việt Nam được nhập vào Trung Quốc và bộ phim khiến tôi ấn tượng nhất là phim Lửa rừng (xưởng phim Hà Nội, sản xuất năm 1966). Tôi cho rằng giao lưu của nhân dân hai nước Việt-Trung còn cần phải tăng cường hơn nữa, nhất là với giới trẻ. Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh và đồ thủ công mỹ nghệ. Cuối năm 2010, khi tới thăm vịnh Hạ Long, tôi cũng từng tham gia bỏ phiếu bầu chọn vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thế giới. Giờ đây khi điều đó đã trở thành sự thật, tôi hy vọng có thêm nhiều du khách Trung Quốc tới Việt Nam du lịch và ngược lại. Tôi tình nguyện giúp tuyên truyền quảng bá cho thể thao văn hóa du lịch Việt Nam.

 
Ảnh: Ngọc Bi

Cuối năm 2010, ông đã tới Việt Nam, nhận được sự ủng hộ yêu quý của khán giả Việt Nam chào đón. Vậy ông có dự định quay lại Việt Nam không và khoảng khi nào?

Hiện giờ cũng có nhiều thành phố tích cực mời tôi sang Việt Nam. Nhưng tôi phải căn cứ vào lịch biểu diễn của tôi mới quyết định được. Tôi hy vọng được gặp lại người dân Việt Nam nhiệt tình, lương thiện, hiếu khách; lại được đặt chân lên mảnh đất Việt Nam tươi đẹp.

Lần sau tới Việt Nam, ngoài việc giao lưu với khán giả, độc giả Việt Nam ra, ông còn muốn tham gia các hoạt động gì nữa không? Chẳng hạn như giảng bài tại học viện nghệ thuật hoặc trường đại học ở Việt Nam? Biểu diễn trong các vở kịch hoặc phim truyện, phim truyền hình Việt Nam?

Đều tốt cả, bao gồm cả việc hợp tác làm phim truyện-truyền hình Trung-Việt, không chỉ riêng phạm vi về Tây du ký. Tôi hy vọng có cơ hội được sang lại Việt Nam và cùng giao lưu học hỏi với các đồng nghiệp. Việc nói chuyện giảng bài tại Học viện nghệ thuật cũng rất quan trọng. Tôi đã từng tới nói chuyện hơn 100 trường đại học, hơn 300 trường trung học, tiểu học ở Trung Quốc, trường đại học Chalermprakiet ở Thái Lan, học viện đạo giáo ở Singapore, Đại học khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam, và gần đây được Đại học nhân dân Trung Quốc phong tặng danh hiệu giáo sư danh dự hàng đầu.

Xin chúc mừng ông, và ông có thể nói rõ hơn nội dung những buổi nói chuyện của ông với các sinh viên, học sinh trong và ngoài nước là gì?

Phần lớn tôi nói về cuộc đời trong Tây du ký và sức ảnh hưởng của văn hóa truyền thống Trung Hoa đối với Trung Quốc và thế giới.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này và mong sớm gặp lại ông ở Việt Nam.

Ngọc Bi
(thực hiện)

>> Tây du ký muốn liên thông
>> “Tây du ký ngũ bá”
>> Hậu Tây du nhưng không phải Tây du ký
>> Chuyện thuyết minh phim "Tây du ký
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết lời đề tặng cho Lục Tiểu Linh Đồng
>> Hoạt động của Lục Tiểu Linh Đồng tại Việt Nam
>> Lục Tiểu Linh Đồng lại đến Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.