Kỳ tích và chuyện bê bối của ông chủ Samsung

11/11/2007 23:06 GMT+7

Bài 1: Những cuộc cách mạng "Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn" - đó là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee sau khi kế thừa tập đoàn này từ người cha Lee Byung-chul vào năm 1987.

Cuộc cách mạng thiết kế

Năm 1938, Công ty Samsung được thành lập với 40 công nhân và chuyên buôn bán trái cây, cá khô. Năm 1960, Công ty điện tử Samsung ra đời với ngành kinh doanh mới chủ yếu về điện tử, hóa dầu và đóng tàu. Năm 1983, Samsung sản xuất được chip điện tử đầu tiên nhưng vẫn chưa phải là một thương hiệu có tên tuổi ở Hàn Quốc.

Khi kế thừa sự nghiệp do người cha quá cố để lại, Lee Kun-hee đã ở tuổi 45. Thời trai trẻ, Lee đã được tiếp thu rất đầy đủ kiến thức kinh tế tại Đại học Waseda (Nhật Bản), nhận bằng MBA của Đại học George Washington (Mỹ) và học hỏi được rất nhiều từ thực tế thương trường. Do vậy, sau khi lên điều hành Samsung, Lee đã quyết tâm áp dụng những kiến thức kinh tế cùng kinh nghiệm thực tiễn để đổi mới một cách toàn diện quy trình sản xuất, sản phẩm truyền thống của Samsung. Ý tưởng mà Lee nung nấu là Samsung phải trở thành một thương hiệu  toàn cầu, một biểu tượng và niềm tự hào của người Hàn Quốc.

Năm 1994, Samsung dời trung tâm thiết kế từ Suwon về Seoul, triển khai "Cuộc cách mạng về thiết kế" với kinh phí 126 triệu USD. Theo yêu cầu của Lee, các sản phẩm mới của Samsung phải mang đậm dấu ấn văn hóa Hàn Quốc, phải "cân bằng giữa lý trí và tình cảm". Chủ tịch Lee đã thuê công ty thiết kế tên tuổi của Mỹ IDEO để nghiên cứu thiết kế màn hình cho máy vi tính. Năm 1995, Samsung thành lập một phòng thí nghiệm về cải cách thiết kế để các chuyên gia có thể mặc sức nghiên cứu, học hỏi ý tưởng từ chuyên gia thiết kế hàng đầu của trường Cao đẳng Nghệ thuật Padadena (Mỹ). Số lượng các chuyên gia thiết kế của Samsung cũng tăng gấp đôi (470 người). Các nhân viên thiết kế của Samsung còn được cử đi tham quan những công trình kiến trúc vĩ đại trên khắp thế giới tại Ai Cập, Ấn Độ, Pháp, Đức, Mỹ để tìm ra ý tưởng mới. Kể từ năm 2000 đến nay, kinh phí thiết kế của Samsung liên tục tăng từ 20% đến 30% hằng năm.

Kế hoạch tạo tương lai

"Các kế hoạch của chúng ta phải tạo ra tương lai chứ không phải để đối phó với tương lai", Chủ tịch Lee Kun-hee đã tuyên bố với nhân viên dưới quyền như vậy khi nói về định hướng cho kế hoạch phát triển của Samsung.  Đầu thập kỷ 90, trong khi sự nghiệp kinh doanh của Samsung đang khởi sắc thì Chủ tịch Lee đã cảnh báo với các lãnh đạo chủ chốt của Samsung rằng châu Á sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế vào cuối thập kỷ này. Chính vì vậy, khi cơn khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á xảy ra (1997), Samsung đã có kế hoạch đối phó. Khi đó, Samsung đã phải giảm bớt 24.000 công nhân (khoảng 30%) và dời nhà máy sang một số nước có nguồn nhân công rẻ hơn như Trung Quốc, Malaysia, Mexico... Đây chính là kinh nghiệm mà Tập đoàn Sony (Nhật Bản) sau này đã áp dụng. Đồng thời, trong thời gian này, Samsung cũng đã đầu tư hàng tỉ USD cho việc nghiên cứu, sản xuất hàng loạt chip điện tử, màn hình tinh thể lỏng (LCD) và các sản phẩm kỹ thuật số khác.

Năm 1998, Samsung đã triển khai tiếp một cuộc cách mạng trong sản xuất kinh doanh, chuyển từ cơ chế tập trung sản xuất sang cơ chế tiếp cận thị trường. Theo yêu cầu của Chủ tịch Lee, Samsung đã bỏ ra 6 tỉ USD cho việc nghiên cứu, tiếp thị để tìm hiểu được một cách đầy đủ nhất tâm lý người tiêu dùng và quảng bá hình ảnh Samsung trên toàn thế giới. Năm 1999, Chủ tịch Lee đã đích thân thuê một chuyên gia tiếp thị nổi tiếng người Mỹ gốc Hàn Quốc là Eric Kim về phụ trách công tác tiếp thị sản phẩm cho Samsung. Khi đó, các nhân viên dưới quyền của Lee đã phản đối quyết liệt vì họ cho rằng không ai hiểu tâm lý người Hàn bằng chính họ. Lee tuyên bố: "Ai dám cản trở Kim hãy bước qua xác tôi". Đến năm 2006, thương hiệu Samsung đã nổi tiếng khắp toàn cầu với tổng giá trị thị trường của Samsung Electronics đạt 100 tỉ USD (gấp 2 lần Sony), lợi nhuận đạt 9,5 tỉ USD (2007)...

Chất lượng là số 1

Vào 1995, một sự kiện có một không hai đã xảy ra tại Nhà máy Gumi (thuộc Samsung). Theo lệnh của Chủ tịch Lee, khoảng 2.000 công nhân đã phải tập trung trong sân nhà máy. Trước mặt các công nhân Gumi là một đống hàng điện tử do chính họ sản xuất với trị giá khoảng 50 triệu USD. Mọi người đều đeo trên tay tấm băng đỏ có dòng chữ "Chất lượng là số 1" và được lệnh phải dùng búa đập hoặc đốt cháy toàn bộ đống hàng. Nhiều công nhân đã gạt nước mắt khi phải tự tay hủy bỏ sản phẩm lao động của chính họ. Kết cục này xảy ra sau khi những chiếc điện thoại di động do Nhà máy Gumi sản xuất được Chủ tịch Lee tặng cho một số quan khách của ông đã gặp sự cố.

Cũng trong thời gian này, với quyết tâm xây dựng được một tập đoàn có tên tuổi khắp toàn cầu, Chủ tịch Lee đã yêu cầu các nhân viên phải tìm ra được những khiếm khuyết trong các sản phẩm của Samsung, so sánh với sản phẩm của các thương hiệu tên tuổi khác để có giải pháp khắc phục, cải tiến. Năm 2003, sản phẩm LCD cho máy tính của Samsung đã sánh vai cùng Sony và Sony đã đề nghị Samsung hợp tác sản xuất loại sản phẩm này. Đến nay, Samsung đã trở thành nhà sản xuất màn hình LCD máy tính lớn nhất toàn cầu (chiếm 17% thị trường thế giới). (Còn tiếp)

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.