Đội cứu hỏa trên sông

21/10/2010 05:05 GMT+7

(TNTS) Lực lượng phòng cháy và chữa cháy trên sông với những hoạt động đặc thù chỉ có ở TP.HCM. Hiện nay với 143 cán bộ, chiến sĩ nhưng địa bàn quản lý mở rộng trong phạm vi 1.700 km tuyến sông, rạch cùng 25 km bờ biển thuộc huyện Cần Giờ.

Giáp lá cà cùng giặc lửa

Vừa thay ca trực đêm, chiến sĩ trực ban nhận tin báo cháy từ trung tâm thông tin, lập tức anh nhấn nút báo động. Đúng 2 phút, đội quân trực chiến đã có mặt ở vị trí sẵn sàng xuất phát. Hai ca-nô cao tốc và một tàu chữa cháy mở hết tốc độ rẽ nước phóng về hướng Cần Giờ như xé toang cả màn đêm. 22 cán bộ, chiến sĩ đã thao tác, chuẩn bị xong các phương tiện chiến đấu. Phó trưởng phòng, trung tá Trịnh Đình Lập tỏ ra hết sức sốt ruột, liên tục xem đồng hồ. Nơi xảy ra hỏa hoạn thuộc đoạn sông Lòng Tàu, xã Tam Thôn Hiệp, cách nơi đóng quân đến 25 km. Các phương tiện vận hành trên sông dù có chạy hết tốc lực cũng phải mất đến 45 phút. Đối với lính cứu hỏa, thời gian còn quý hơn vàng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của công tác chữa cháy.

Đám lửa bốc lên từ con tàu chở xăng dầu Long Phú làm rực sáng cả bầu trời đêm. Tiếng nổ, tiếng la hét âm vang cùng muôn vàn ngọn lửa rọi xuống dòng sông tưởng chừng nước sông chung quanh con tàu bốc cháy đang sôi lên sùng sục. Nguyên nhân cháy nhanh chóng được xác định. Con tàu đang chở 950.000 lít xăng A95 đi Vũng Tàu, do đêm tối đã va phải sà lan chở đá đi ngược chiều. Vết rách chí tử ở mạn trái con tàu tạo nên phát nhiệt làm bốc cháy xăng chứa trong khoang. Cũng may 12 thủy thủ trên tàu và 2 công nhân điều khiển xà lan đã nhảy xuống sông và được cứu hộ kịp thời, không có tổn thất nhân mạng.

Tàu chữa cháy và hai ca-nô có lắp máy bơm chữa cháy chuyên dụng và máy hút khói độc vây quanh con tàu gặp nạn từ 3 vị trí cùng xông tới. Ở khoảng cách 15-20 mét đã cảm nhận được không khí nóng rát. Đáng sợ hơn cả là con tàu bốc cháy đang trở thành một quả bom khổng lồ, có thể nổ bất cứ lúc nào. Thiếu úy Nguyễn Trung Thu cầm lăng phun nước xông vô đầu tiên. Dòng nước áp lực cao có thể phun xa đến 75 mét như "ngọn kiếm" đâm thẳng vô yết hầu của con "quái thú". Cùng lúc bọt foam, một hỗn hợp chuyên đặc trị cháy xăng dầu, được "bắn" lên boong tàu tạo lớp cách ly oxy để chặn đứng ngọn lửa. Vừa chữa cháy vừa làm mát, lính cứu hỏa thay nhau quần thảo gần 2 giờ đám giặc lửa mới từ từ lịm dần. Chỉ huy liền hạ lệnh áp sát và các chiến sĩ đồng loạt trèo lên con tàu bị nạn để dập tắt  những tia lửa cuối cùng.


Lính cứu hỏa chuyên nghiệp

Dù bị thương tơi tả, ca-bin và mặt boong biến dạng nhưng con tàu 750 tấn đã được cứu thoát kịp thời, không bị nổ hoặc chìm xuống sông. Ngoạn mục hơn nữa là 750.000 lít xăng còn lại trong khoang chứa được hút đưa sang tàu khác, ngăn chặn được nguy cơ xăng tràn ra ngoài có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng cả một khu vực. Vụ cứu tàu Long Phú được coi là chiến công điển hình của lực lượng phòng cháy, chữa cháy trên sông. Không chỉ giỏi về nghiệp vụ kỹ thuật, lính cứu hỏa trên sông nước còn tỏ rõ tinh thần tận tụy quên mình, sẵn sàng xông vào nơi biển lửa hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ như Lê Văn Thọ, Trịnh Đình Lập, Trương Xuân Trường, Nguyễn Trung Thu… được UBND TP.HCM tuyên dương và tặng bằng khen.  

Hiệp đồng tác chiến

Đại úy Dương Văn Thành, đội trưởng tham mưu tổng hợp dẫn số liệu cho biết mỗi năm có đến 2,5 - 3 triệu tấn xăng, dầu lưu chuyển trên đường thủy về TP.HCM và các tỉnh phía nam. Vận tải hàng hóa trên sông với mật độ tàu thuyền đi lại ngày càng tăng. Phương tiện có trọng tải lớn chở container, tàu trung chuyển hàng hóa, tàu khách du lịch, phương tiện buôn bán tạp hóa trên sông… có thể nói là thiên hình vạn trạng. Ven các tuyến sông còn có công trình, cảng, ụ đóng và sửa chữa tàu, khu dân cư nhà cửa tạm bợ. Nguy cơ tai nạn trên các luồng giao thông, hiểm họa cháy, nổ và sự cố tràn dầu trên các tuyến sông ngày càng cao.


Tàu chữa cháy công suất lớn

Ngay cả việc phân luồng tuyến sông để quản lý cũng hết sức phức tạp. Các tuyến sông chính như sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu… thuộc Cảng vụ hàng hải quản lý. Tuyến kênh Tẻ, kênh Đôi, Bến Lức, Vàm Sát, Đồng Tranh… do Chi cục đường sông phía Nam quản lý. Tuyến Rạch Chiếc, Vàm Thuật, Phú Xuân, Kênh Xáng… thuộc hệ thống tuyến luồng do Khu đường sông thành phố quản lý. Địa bàn của thành phố từ nội thành đến ngoại thành đều có các tuyến sông đi qua. Quản lý phòng cháy, chữa cháy trên một chiều dài chạy theo các tuyến sông bao phủ khắp thành phố rộng lớn như vậy quả thật có rất nhiều khó khăn.

Lực lượng cứu hỏa cũng đang tồn tại vấn nạn về nhân sự. Với quân số ít ỏi hiện nay, lại có đến 98 chiến sĩ thuộc dạng nghĩa vụ quân sự. Sau 3 năm phục vụ họ sẽ ra quân, lúc ấy cái vòng luẩn quẩn lại phải tiếp tục đào tạo người mới nên rất khó xây dựng được đội ngũ chính quy. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn mọi bề. Thượng tá Nguyễn Đình Lý khoát tay chỉ trụ sở mình đang làm việc giải thích: "Nơi đây chúng tôi cũng chỉ ăn nhờ, ở đậu thôi. Đất, cầu cảng đều do chính quyền quận 4 cho mượn. Đúng theo cơ cấu tổ chức phải có 4 đội phòng cháy và chữa cháy trên sông đóng ngay trên địa bàn phụ trách. Thế nhưng hiện nay chỉ mới xây dựng được 2 đội".


Ca-nô cao tốc

Phương tiện chữa cháy được trang bị khá hiện đại với một tàu chữa cháy công suất 636 CV, 7 ca-nô cao tốc từ 85-200 CV, 5 máy bơm chuyên dụng, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ có tần số riêng, quần áo lặn… Thế nhưng để đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới, đại úy Dương Văn Thành cho rằng cần phải sớm trang bị tàu chữa cháy có công suất lớn từ 2.000-3.000 CV, trang bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên sông, biên chế hóa đội ngũ chữa cháy chuyên nghiệp để làm nòng cốt lâu dài.

Qua thực tiễn nhiều năm cho thấy một mình lực lượng phòng cháy chữa cháy trên sông không thể gánh vác hết nhiệm vụ. Việc huy động mọi lực lượng xã hội và phối hợp, hiệp đồng với với các cơ quan, đơn vị hoạt động trên sông nước như Cảng vụ hàng hải, biên phòng cửa khẩu, cảnh sát giao thông đường thủy… là hết sức quan trọng. Hiệu quả của việc ký các quy chế phối hợp đã tạo sự thống nhất trong chỉ huy, phát huy được nhiều thế mạnh của lực lượng liên ngành.

Thống kê sơ bộ kết quả của việc phối hợp tác chiến từ tháng 4.2006 đến tháng 10.2010 cho thấy, qua 4 năm lực lượng phòng cháy, chữa cháy trên sông đã tham gia chữa cháy 8 vụ cháy lớn, chi viện chữa cháy 7 vụ, cùng tham gia cứu hộ, cứu nạn 67 vụ.  Có thể kể như công tác phối hợp ứng cứu cơn bão số 6 và số 7 tại Cần Giờ, cứu hộ tàu cánh ngầm Greenlines bị nạn khi va chạm với tàu chở khách Petro Express. Gần đây nhất có vụ xà lan trọng tải 990 tấn bị vướng vào cầu Bình Lợi, với sự phối hợp hoàn hảo đã kéo xà lan khỏi dầm cầu an toàn, cứu được hệ thống đường ray trên cầu Bình Lợi không bị hư hỏng và xà lan không bị chìm. Đáng nhớ còn có việc phối hợp với nhiều lực lượng đảm bảo tuyệt đối an toàn về cháy, nổ trong quá trình lai dắt, lắp đặt thành công các đốt hầm Thủ Thiêm.

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.