Cho mượn… niềm tin

24/05/2014 03:00 GMT+7

Nếu sach100 không đi liền với cụm từ “miễn phí”, liệu dự án này có thu hút được sự chú ý của nhiều người? Câu trả lời là “có” bởi không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc, dự án còn gầy dựng lại giá trị của văn hóa đọc.

 
Những cộng tác viên của dự án sach100 đang phân loại sách, đánh số trước khi đóng gói gửi đi cho bạn đọc mượn miễn phí - Ảnh: nhân vật cung cấp

Đó là câu khẳng định chắc nịch của Cấn Đình Việt, người sáng lập sach100 (ở địa chỉ sach100.vn), một “thư viện sách miễn phí” như nhiều người thường gọi. Nhìn vẻ bề ngoài, ít ai nghĩ anh chàng lập trình viên ở công ty nước ngoài này lại là một người yêu sách và thích đọc sách. Đọc đủ mọi loại sách, Việt thừa nhận chính những cuốn sách đã tạo cho anh một nền tảng tri thức nhất định để thực hiện nhiều kế hoạch trong cuộc sống.

Ban đầu, sach100 chỉ gói gọn trong tủ sách nhà Việt. Sau đó, sự tham gia và ủng hộ của những người bạn đã mở đường cho dự án tiến ra quán cà phê ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Với hệ thống quản lý mượn - trả bằng website, khi người mượn sách phải đăng ký thông tin chi tiết và trải qua nhiều bước để mượn sách, Việt thừa nhận việc cho mượn và kết nối với người có nhu cầu rất dễ, còn trả lại thì có vẻ… khó khăn hơn.

“Thời hạn cho mượn là 1 tháng, nhưng hiện tại có nhiều sách vẫn chưa được trả. Nếu qua thời hạn thì tôi tiến hành nhắc và đòi. Thật tình thì tôi cũng chưa muốn làm mạnh tay chuyện này, dù làm vẫn được vì nắm thông tin, nhưng đó không phải là tiêu chí của sach100. Đành rằng có câu “mượn là mất”, nhất là khi hai bên mượn và cho mượn không có một ràng buộc cụ thể nào ngoài niềm tin. Nhưng nói thật là bản thân tôi không nghĩ việc người ta không trả lại là quá tiêu cực vì vẫn có một giá trị tích cực là người ta đang giữ cuốn sách đó để đọc hay cho nhiều người khác mượn. Vậy là nó đã thực hiện được sứ mệnh “phải - được - đọc” của mình và cũng đúng với mục tiêu chia sẻ sách cho cộng đồng. Thế cũng đủ”, Việt tâm sự.

 
Anh Cấn Đình Việt, người sáng lập dự án sach100

Dù bị nhiều người cho rằng suy nghĩ như vậy không thực tế và quá lý tưởng, nhưng Việt vẫn khẳng định mô hình “biến sách trở thành tài sản chung của xã hội, cộng đồng” đã từng được thực hiện ở nhiều nước.

Việt cho rằng, đọc sách rất quan trọng khi nó mang đến cho mọi người - từ trẻ con đến trưởng thành - một sự tích lũy kiến thức “đến không ngờ”. Việt chia sẻ: “Nhiều người cũng bảo tôi như thằng điên cứ lao đầu vào đá. Nhưng ít nhất tôi luôn vững tin là con đường mình đi sẽ có kết quả. Còn người ta tin hay không thì tùy, mình làm thì mình biết”. 

Và trên thực tế, niềm tin của Việt đã được chứng minh khi có rất nhiều người quyên góp sách và anh cũng đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên giúp đỡ việc nhập liệu, quản lý thông tin người mượn. Đến nay, số lượng sách của thư viện đã lên tới hơn 2.000 cuốn.

Lê Thị Hồng Trang, sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) đã làm cộng tác viên cho sach100 được 1 tháng, cho biết cô đến với công việc làm thêm này vì thích đọc sách và thích ý nghĩa việc làm của Việt. Trang hào hứng: “Có những cuốn sách cũ, tuy giá trị không lớn nhưng chỗ em không cho mượn đại trà mà để dành lại thư viện hay tặng những người sưu tập. Làm việc ở đây cho em một góc nhìn khác về sách, cho em cơ hội đọc nhiều sách ở các lĩnh vực khác mà trước kia chưa đọc và cũng giúp em biết thêm nhiều hoạt động về sách”.

Khi người ta trẻ: Đừng sống thờ ơ

Thời học sinh, tôi ít khi tham gia các hoạt động phong trào của trường, lớp vì cho đó là bao đồng, là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" và xem đó không phải việc của mình. Trường phát động làm báo tường nhân ngày 20.11, tôi lười đóng góp bài viết vì cho rằng không có tôi thì các bạn khác cũng viết. Các bạn nam lớp tôi thi đấu bóng đá và rủ các bạn nữ đi cổ vũ, tôi từ chối với suy nghĩ: ở nhà cho khỏe, việc gì phải đội nắng hò hét cho mệt! Những buổi lao động toàn trường, tôi làm qua quýt rồi tranh thủ "chuồn" sớm. Tôi co ro trong ốc đảo của riêng mình, cho đó là nơi an toàn nhất mà không nghĩ rằng chính tôi đã tự cô lập, đẩy mình rời xa tập thể.

 
Minh họa: Văn Nguyễn

Lớn lên, đi làm, tôi vẫn giữ cách sống ấy, mỗi ngày chỉ làm hết việc của mình rồi về. Trong các cuộc họp, ý kiến của tôi luôn là: sao cũng được, ai sao tôi vậy. Cho đến một ngày, sếp cử tôi tham gia khóa học về team-building (xây dựng nhóm), team-work (làm việc theo nhóm) sau một buổi nói chuyện ngắn về cách ứng xử của tôi giữa môi trường tập thể. Từ đó, tôi nhận ra mình đang có một thái độ sống thiếu tích cực và quyết tâm thay đổi.

Trong không khí sôi sục trước nguy cơ biển đảo nước nhà bị xâm chiếm, hơn bao giờ hết, tôi nhận ra rằng thái độ sống lãnh đạm, thờ ơ của tôi thời trẻ mới ích kỷ làm sao. Nếu thanh niên nào cũng bàng quan với thời cuộc, chỉ chọn sự yên ấm cho riêng mình thì khi đất nước lâm nguy, lấy ai đứng ra bảo vệ Tổ quốc?

Lê Thị Ngọc Vi

Kim Nga

>> Tưng bừng Ngày hội đọc sách
>> Ngón tay biết... đọc sách
>> Ích lợi của việc đọc sách cùng trẻ
>> Sinh viên “quên” đọc sách
>> Khai mạc Ngày hội đọc sách
>> Nghe kể chuyện, đọc sách, trẻ có tư duy tốt hơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.