Chật vật làm thêm

07/10/2010 13:42 GMT+7

Ngoài việc kiếm thêm thu nhập, sinh viên tìm việc làm thêm cũng là cách để tích lũy kinh nghiệm giao tiếp xã hội và những trải nghiệm cho nghề nghiệp đang học.

Thứ bảy và chủ nhật, trong khi các bạn cùng lớp nghỉ xả hơi sau một tuần học tập vất vả, căng thẳng thì Tạ Linh, học sinh Trường Trung học nghề, quận 1 - TPHCM, áo ướt đẫm mồ hôi vì chạy bàn cho một tiệc cưới ở quận Tân Bình.
 
Linh tâm sự: “Chạy bàn cho một đám cưới, chúng em mỗi người được trả 150.000 đồng. Công việc vất vả nhưng bù lại có thêm thu nhập”.

Chạy sô như ca sĩ
 
Dáng người dong dỏng cao, nước da trắng, nói năng lưu loát cùng với nụ cười duyên dáng, Thùy (sinh viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) kể: “Em đến với công việc chạy bàn đám cưới đã được 2 năm. Có ngày, tụi em phải chạy sô 3 - 4 đám, cứ như ca sĩ, mệt đứt hơi nhưng mỗi tháng cũng kiếm được không dưới 2 triệu đồng, giải quyết được phần nào chi phí sinh hoạt. Bây giờ em trang trải được cả cho việc học ngoại ngữ, tin học”.
 
Thủy, sinh viên năm thứ 3 ngành du lịch của một trường ĐH, cùng đội phục vụ bàn tiệc cưới với Thùy, cho biết gia đình làm nông ở vùng quê nghèo Nghệ An, cố gắng lắm cũng chỉ gửi cho 1 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng.
 
Thuê  phòng trọ ở ghép đã hết 400.000 đồng, tiền ăn uống và sinh hoạt cá nhân tối thiểu 800.000 đồng nữa thì lấy đâu ra chi phí cho đủ thứ việc từ học thêm ngoại ngữ, photocopy tài liệu, giáo trình, sinh nhật bạn bè... “Không chịu khó làm thêm thì chúng em không thể theo học nổi 4 năm ĐH”- Thủy bộc bạch.
 
Thêm những trải nghiệm
 
Minh cũng học cùng khoa với Thủy nhưng nhà ở ngay quận 10 - TPHCM. Tuy gia đình thuộc diện khá giả nhưng Minh vẫn đi làm thêm cho một hãng rượu. Minh cho biết mỗi ngày, em đến các nhà hàng trong quận giới thiệu sản phẩm. Nếu có khách chịu mua thì được hưởng 20% giá bán. Tính ra mỗi tuần chịu khó đi 5 buổi cũng kiếm được khoảng 1 triệu đồng, không phải xin tiền tiêu vặt của gia đình.
 
Minh khẳng định thêm ngoài chuyện có thêm thu nhập, cái chính là tích lũy được kinh nghiệm giao tiếp xã hội, có thêm những trải nghiệm rất có ích cho nghề nghiệp đang học.
 
Làm thêm tất nhiên phải tốn thời gian. Vấn đề là phải biết bố trí thời gian học tập sao cho phù hợp. “Vẫn biết cân bằng được giữa việc làm thêm và việc học là điều không dễ nhưng đây chính là những thử thách đầu tiên mang lại cho em kinh nghiệm quý giá không có ở những bài học trên giảng đường, để chuẩn bị tốt hành trang vào đời...” - Tạ Linh tâm sự.
 
Và những giọt nước mắt
 
Đi làm thêm cũng không thiếu lúc phải khóc hết nước mắt. Thủy kể lần đầu xin làm chân phục vụ ở một nhà hàng với thu nhập 50.000 đồng/đêm lại còn có thêm chút đỉnh tiền khách cho. Mấy đêm đầu tốt đẹp không có gì xảy ra. Đến đêm thứ 3 thì một ông khách say mèm ôm chặt lấy Thủy sờ soạng khắp người.
 
Quá bất ngờ, Thủy vùng vẫy làm đổ hết thức ăn vào người khách. Ông khách bù lu bù loa, quản lý nhà hàng chẳng nói chẳng rằng chạy đến giáng thẳng vào mặt Thủy một bạt tai và kêu bảo vệ tống ra đường, mất luôn cả tiền phục vụ một đêm.
 
Hạnh, sinh viên Học viện Hải quan, nhà ở quận 9 - TPHCM, làm nhân viên quán nhậu ở đường Thống Nhất, quận Thủ Đức - TPHCM. Hạnh kể do vô ý nên làm vỡ một cái khay, chủ quán trừ ngay một tháng lương: 1,2 triệu đồng, trong khi cái khay trị giá chỉ khoảng 400.000 đồng. 
 

Ảnh hưởng học tập: Chấp nhận!

Chủ một nhà hàng ở quận Tân Bình cho biết cứ vào mùa cưới là nhà hàng luôn thiếu nhân viên phục vụ. May nhờ có đội ngũ chạy bàn là sinh viên nên a lô một cái là giải quyết được ngay.
 
Đi làm thêm tất nhiên là ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập. Hầu hết sinh viên đi làm thêm đều ý thức được điều này nhưng vẫn phải chấp nhận vì chi phí cho việc sinh hoạt và học tập tại TPHCM quá đắt đỏ.
 
“Em may mắn hơn những bạn khác vì tìm được công việc có liên quan đến ngành học và có thu nhập khá. Tuy nhiên từ khi đi làm thêm, kết quả học tập giảm sút đáng kể. Nhiều lúc em muốn học thêm ngoại ngữ để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai nhưng không sắp xếp được thời gian và cũng không còn sức”- Tạ Linh cho biết.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.