Hè tưng bừng bếp nhí

20/05/2014 09:24 GMT+7

Bữa tối của chị Thúy Quỳnh đã rất khác khi cậu cả Bi (10 tuổi) bê lên một đĩa bánh tráng miệng vàng ươm, khói còn bay nhè nhẹ. Crepe đấy!

Bữa tối của chị Thúy Quỳnh đã rất khác khi cậu cả Bi (10 tuổi) bê lên một đĩa bánh tráng miệng vàng ươm, khói còn bay nhè nhẹ. Crepe đấy!

 Lớp đầu bếp nhí của Học viện Ẩm thực Hà Nội - Ảnh: Đỗ Cẩm
Lớp đầu bếp nhí của Học viện Ẩm thực Hà Nội - Ảnh: Đỗ Cẩm

Trước khi Bi đi đến lớp học các đầu bếp nhí của Học viện Ẩm thực Hà Nội, cậu gần như không phải động tay vào việc nhà. Tất nhiên, Bi cũng chưa từng vào bếp nấu một bữa từ đầu chí cuối, nhưng điều đó dường như không ngăn cản cậu đã rất thành thạo ngay từ buổi học đầu tiên. Buổi học đó có tới 3 món ăn: thịt gà rán kiểu KFC, hành tây chiên và cơm rang thập cẩm. “Bạn ấy đã cầm dao thái nguyên liệu rất tốt. Cũng rất hăng hái trong mọi công đoạn”, cô giáo trợ giảng của buổi học cho biết.

Bi không phải trường hợp duy nhất hào hứng với món ăn. Một bạn trai khác cùng lớp thậm chí còn nhớ được mình đã xay món sinh tố đầu tiên vào tháng mấy năm 2012. “Có một điều tôi quan sát thấy, những em trai không nề hà việc bếp núc”, bà Cẩm Thơ, Giám đốc Học viện Ẩm thực Hà Nội nói.

“Tôi không nghĩ là bọn trẻ lại có thể làm được”, bà Ngọc Hà, một phụ huynh chia sẻ. Trên thực tế, suốt khóa học, các em đã học và làm được rất nhiều món: Cơm rang thập cẩm đa sắc; thịt gà chiên giòn thơm mềm; pizza tạo hình ngộ nghĩnh nào sao biển, nào cây thông; bánh crepe thơm ngậy đúng kiểu Pháp... Bi đã tự tay làm món crepe mời bố mẹ. Món bánh thơm vàng với sốt socola khó chối từ. Chương trình của Học viện Ẩm thực Hà Nội đã biến cậu bé 10 tuổi xa lạ với việc nhà thành một đầu bếp hào hứng.

Tuổi nào, lớp nấy

Chương trình của Học viện Ẩm thực Hà Nội khá hiệu quả với các em từ 7 tuổi trở lên. Các em đều đã có thể nhận dạng được các loại rau, quả, thực phẩm trước khi tham dự khóa học. Trong khi Bé đảm lại là chương trình dạy nấu nướng phù hợp với các em bé bé hơn, từ 4-10 tuổi. “Với các giờ học vui kiểu chơi đồ hàng, các bé được tập dượt kỹ năng bếp núc để khéo léo, yêu lao động”, thông báo chiêu sinh của lớp Bé đảm cho biết.

Nếu như những bài học của Học viện Ẩm thực được thiết kế theo món, thì bài học của Bé đảm lại theo nhóm nguyên liệu. Khi học về các loại củ quả, các bé sẽ học nhận diện thế nào là củ quả, gọt củ quả ra sao, tước vỏ thế nào. Sau đó, những nguyên liệu củ quả đó sẽ “nhảy òm” vào nồi xương ninh để thành món súp đủ màu. Bát, đũa, thìa, dao, dĩa của lớp Bé đảm cũng siêu dễ thương với đủ màu cầu vồng xanh, vàng, lục, lam, chàm, tím. “Như thế thì các bé sẽ thích hơn”, cô giáo Ngân của lớp Bé Đảm nói.

Bé Đảm còn có các buổi học khác với đủ chủ đề, từ rau có lá; thịt; đến chủ đề hải sản. Buổi học nào cũng kết thúc với bữa liên hoan vui ngất ngây. Các chủ đề được cô giáo “bí mật” với học trò. Như thế, khi đến lớp, bé nào cũng phập phồng hồi hộp. Cùng học, cùng làm, cùng chén, các bé nhìn thấy, giúp nhau sửa bao thói quen chưa tốt. “Có bé ở nhà không ăn hành, nhưng đến đây là ăn được. Có bé ở nhà không tự xúc, đến đây tự làm được hết”, cô Ngân nói.

Vui nhất là giờ ăn xong, các em cùng nhau làm thành một dây chuyền rửa bát: người pha nước rửa bát, người rửa lượt đầu, người tráng, rồi cuối cùng là úp bát vào rổ. Học được vài buổi, các bé đã có thói quen dọn mâm bát rồi chờ rửa ở nhà. “Từ ngày cho con đi học, tôi thấy nhàn hẳn”, một phụ huynh chia sẻ.

Như một xu thế, hè năm nay, nhiều trung tâm dạy nấu ăn cùng bung ra các chương trình dạy nấu nướng cho trẻ. Nấu ăn - vừa là thư giãn, vừa như lao động, cũng để chia sẻ việc nhà. Ở Hà Nội, ngoài Học viện Ẩm thực, còn có EZcooking ở Huỳnh Thúc Kháng, Trung tâm đào tạo Pegasus ở khu ngoại giao đoàn Vạn Phúc.

Trinh Nguyễn

>> Thi tiếng Anh nhận học bổng du học hè tại Mỹ
>> Học đại học hệ đào tạo từ xa khác gì hệ chính quy?
>> Cho con học hè thế nào ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.