Phường nói dối quận đẩy người dân vào bế tắc

23/09/2006 12:01 GMT+7

Gần 200 hộ đang kinh doanh trong chợ Cây Me (Đà Nẵng) hoàn toàn bất ngờ và rơi vào hoàn cảnh bế tắc khi Chủ tịch UBND phường Phước Ninh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) - Trần Văn Tuấn ra thông báo “Tạm ngưng hoạt động kinh doanh chợ Cây Me” với thời gian di dời là 3 ngày.

“Ông phường” đẩy dân đến đường cùng!

Vào ngày 14/9, tại chợ Cây Me xuất hiện thông báo của chủ tịch UBND phường Phước Ninh “Căn cứ quyết định số 1861/QĐ-UBND ngày 30/8/2006 của UBND quận Hải Châu về việc phê duyệt xây dựng cải tạo đường cống thoát nước và bê tông nền đường chợ Cây Me, thời gian thi công ngày 20/9...Thông báo cho các hộ kinh doanh tự tháo gỡ, di chuyển các vật dụng như: quầy, lều, bạt...liên quan đến việc phục vụ cho kinh doanh ra khỏi khu vực thi công, giao trả lại mặt bằng đường vào chợ cho bên thi công vào ngày 17/9. Nếu các hộ kinh doanh không tự tháo gỡ, di chuyển thì UBND phường sẽ có biện pháp tháo gỡ di chuyển, mọi chi phí do chủ kinh doanh phải chịu trách nhiệm. Thời gian bắt đầu không được họp chợ bắt đầu từ ngày 18/9/2006”.

Có thể nói, từ trước đến nay, chưa có một quyết định nào lại có hiệu lực trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Các hộ tiểu thương đang kinh doanh không biết phải dọn hàng đi đâu, tiếp tục buôn bán như thế nào để mưu sinh.

Có mặt tại chợ Cây Me vào những ngày này, chúng tôi ghi nhận được những bức xúc tột cùng của bà con tiểu thương. Mặc dù trời mưa, đa số hộ kinh doanh vẫn tràn ra đường Trần Bình Trọng để kiếm chỗ ngồi, với mong muốn bán được chút gì hay chút nấy, nhưng không được bao lâu vì bị... đuổi vì lấn xuống lòng lề đường và lấn sang quận Hải Châu 2.

Chị Nguyễn Võ Thị Liễu- một hộ kinh doanh hàng tạp hoá trong chợ Cây Me bức xúc: “Hồi trước cứ 7 giờ tiểu thương chúng tôi mới đến chợ để buôn bán, nhưng từ khi có thông báo, ngày nào cũng 2-3 giờ sáng là mọi người đã đến, giành giật nhau từng vuông đất ngoài lề đường để kinh doanh, thậm chí đánh nhau, giành giật, chửi lộn...lộn xộn không thể tả”.

Khi tiếp xúc với PV, qua làn nước mắt, các hộ tiểu thương hoảng hốt không biết bấu víu vào ai khi mà mảnh cơm manh áo của họ đang bị đe dọa. Chị Phạm Thị Nhiễu - hộ buôn bán cá ở ngôi chợ này gần 30 năm, gánh cá của chị với thu nhập mỗi ngày 50-70 nghìn đồng đã giúp chị nuôi 6 đứa con ăn đang tuổi ăn học và một người mẹ già, cùng người chồng hay đau ốm cứ khóc ngất lên vì lo lắng. Bà cụ Nguyễn Thị Bảy năm nay đã ngoài 80 tuổi, bán mỳ trong chợ đã 25 năm nay, nói trong nước mắt “Tui còn một mình thân già ni, cứ ngày nào kiếm ăn đủ ngày đó, giờ không cho bán trong 2 tháng, tui biết tính răng đây?”. Chị Huỳnh Thị Tiến có người chồng đi biển vừa sống sót sau cơn bão Chanchu, gia đình thiếu trước hụt sau, trông chờ hoàn toàn vào gánh cá của chị, nhưng quyết định của ông chủ tịch có thể đẩy gia đình chị rơi vào hoàn cảnh đói rét trong mùa mưa này “Mấy anh chị cứ thử một ngày không ăn cơm xem? Đằng này tụi tôi phải nghỉ đến 2 tháng”...

Có một điều mà những hộ tiểu thương ở đây đều chung ý kiến là họ hoàn toàn tán thành chủ trương của chính quyền địa phương về việc sửa chữa đường cống trong chợ, nhưng việc ra thông báo quá gấp gáp, người dân buôn bán trong chợ đều bất ngờ, trở tay không kịp. Thêm nữa, trong khi những hộ dân này buôn bán kiếm sống từng ngày (đa số những hộ kinh doanh trong chợ đều rất nghèo, phần lớn đều vay vốn xoá đói giảm nghèo-theo thông tin từ phường cung cấp), “ông phường” chỉ đạo ngưng kinh doanh trong khi không bố trí địa điểm cho người dân tiếp tục buôn bán tạm thời. Chẳng phải thông báo này đang đẩy gần 200 tiểu thương đến đường cùng!?


Cùng đường các tiểu thương phải tràn xuống đường để buôn bán

“Tôi cũng biết ra thông báo gấp gáp như vậy là làm khó cho dân!”

Đó là câu nói của chính ông Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch phường Phước Ninh khi PV tiếp xúc với ông để tìm hiểu vụ việc. Theo ông Tuấn, dù biết như vậy nhưng do chủ trương sửa chữa con đường trong chợ Cây Me đã thường xuyên được các hộ dân sống trong khu vực này phản ánh. Ông Tuấn đổ lỗi rằng sở dĩ việc thông báo gấp như vậy là do ngày 30/8, quận mới có quyết định và ngày 10/9 phòng quản lý đô thị quận mới đưa thiết kế về, và phường có nhiệm vụ giải phóng mặt bằng nên ông buộc phải ra quyết định trên.

Ông Tuấn phát biểu:“Mấy ổng (tức lãnh đạo quận- PV) giao cho phường giải phóng mặt bằng thì phường phải làm tròn trách nhiệm!”. Ông Tuấn còn khẳng định: “Nói là nghỉ 2 tháng chứ không chừng chỉ 1 tháng là đường sẽ làm xong, thì những hộ này lại quay lại kinh doanh chứ có gì đâu” mà không hiểu rằng đây là những hộ kiếm sống, chạy gạo từng bữa một. Nghỉ 2 tháng là quãng thời gian có thể đẩy họ gần đến với đói nghèo hơn. Mà chuyện thi công thì người dân Đà Nẵng đã quá quen, không thể nói 2 tháng xong là xong ngay được.

Để cụ thể thêm sự việc, PV đã tìm đến ông Nguyễn Đăng Hùng- Chủ tịch UBND quận Hải Châu, Đà Nẵng, tại đây, PV hoàn toàn bất ngờ với khẳng định của ông Hùng “Việc làm trên của chủ tịch UBND phường là đã sai và không đúng lộ trình, quận không hề hay biết việc này. Khi quận đầu tư xây dựng hệ thống cống tại đây, đã giao cho phường nghiên cứu, tìm địa điểm để người dân buôn bán tạm và chủ tịch phường đã có thông báo lên đã tìm được địa điểm di dời chứ không hề báo cáo tình hình thực tế mà PV phản ánh”.

Ông Hùng cũng cho biết, sau buổi làm việc với PV, quận sẽ lập tức có chỉ đạo với chủ tịch UBND phường họp các hộ tiểu thương, tiến hành xin lỗi dân và tìm địa điểm thích hợp cho người dân buôn bán mới được triển khai công trình trên.

Bài ảnh: Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.