Chèo chống mình ên

10/10/2008 12:52 GMT+7

Theo điều tra của các ban ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, thì vùng miệt thứ U Minh Thượng có đến 141 gia đình góa bụa. Nhưng điều đáng trân trọng ở các bà mẹ góa này đó là sự hy sinh cho con. Dù nhọc nhằn “trên đồng cạn dưới đồng sâu”, các chị đều cố công cho con ăn học đến nơi đến chốn.

Miệt thứ không còn xa

U Minh Thượng mùa nước nổi. Phà trôi trên sôâng Cái Lớn nước dâng cao mấp mé tràn bờ, lục bình trôâi dập dìu, hàng câây nhạt nhòa trong màn mưa giăng giăng và cặp bờ sông Cái Bé thuộc địa bàn huyện An Biên. Tiếng ai ru con nghe buồn quá đỗi, khiến tôi chạnh lòng nghĩ đến câu hát ru xưa của những cô gái về làm dâu miệt thứ với nỗi buồn xa nhà “chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”. Miệt thứ ngày ấy sao mà xa xôi vời vợi. Xe chầm chậm trên con đường độc đạo về U Minh Thượng, con đường mà ngày xưa đầy ổ voi, ổ gà với những chiếc cầu nhỏ xíu, cũ kỹ có thể sập bất cứ lúc nào, nay được thay bằng con đường rộng thênh thang, tráng nhựa phẳng lì với những chiếc cầu mới xây bề thế. Những ngôi nhà tranh vách lá dừa xiêu vẹo trước kia, nhường lại cho nhiều ngôi nhà mái ngói đỏ au, thấp thoáng dưới những tàn cây xanh ngát hai bêân đường. 

Lần này về miệt thứ nhiều đổi thay quá, chắc đời sống của bà con cũng theo đó đã khá lên?

Xe dừng lại chợ số 1 thuộc vùng miệt thứ 7, tôi lạ lẫm nhìn quanh quẩn. Chợ sung túc quá, người mua kẻ bán đông đúc, tôi không tài nào nhận ra nhà của chị Tư Hạnh mà 7 năm trước tôi đã có lần cùng với anh bạn đồng nghiệp ở Hội Nhà báo Kiên Giang đã ghé thăm giờ ở đâu. Tôi không nhận ra cũng đúng thôi, nhà của chị đã sửa chữa lại khang trang, đẹp đẽ. Chị giờ cũng khác xưa, dáng thong dong với nụ cười tươi tắn, qua rồi cái vẻ khắc khổ, tiều tụy vì lam lũ chèo chống mình ên để nuôi bầy con dại.

Những người phụ nữ ở miệt thứ này, họ cũng nết na xinh đẹp, chịu thương, chịu khó nhưng đường tình duyên sao quá đỗi cay đắng, bẽ bàng. Những người đàn ông từ phương trời xa đến đây cùng với nhiều công việc. Công việc xong cũng là lúc những người đàn ông lạ ra đi bỏ lại sau lưng người phụ nữ của họ, một thời, và bầy con nheo nhóc. Chị Tư Hạnh là một trong những phụ nữ ấy. Ngày đó, chị ngỡ như không gượng dậy nổi, khi thui thủi một mình nuôi ba đứa con còn nhỏ dại với tài sản chỉ là mái nhà lụp xụp, mưa dột gió lùa. Suốt ngày chị lặn lội trên đồng nước, quần áo không lúc nào khô mà vẫn không đủ nuôi con.

Bà con lối xóm thương tình cho con mắm, chén cơm để mẹ con chị sống qua ngày. Sống nhờ lòng thương của mọi người mãi sao đang, chị Tư quyết bỏ ruộng ra chợ làm ăn. Ngày nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng chị Tư Hạnh đã có mặt tại chợ, đón mua hàng của các nhà vườn để mua đi bán lại kiếm sống qua ngày. Hôm nào không bận đi học, thằng con trai lớn lại ra phụ bán với mẹ. Buôn bán cứ ế ẩm mãi, chị chuyển sang bơi xuồng bán nước đá cục trên sông. Thằng con trai út của chị còn nhỏ, sợ nó ở nhà té sông, chị bỏ nó xuống xuồng cùng mẹ đi bán nước đá. Tích góp vốn liếng, chị chuyển sang bán ghe hàng.

Từ vài mặt hàng thiết yếu như muối, đường, nước mắm, nước tương… bán quanh quẩn trong làng, nay chị Tư Hạnh có cả một chiếc ghe hàng lớn, gần 500 mặt hàng từ sợi chỉ, cây kim đến thuốc lá, bánh ngọt, rượu bia. Ghe hàng của chị Tư giờ đã gắn máy đuôi tôm chạy bán khắp nơi. Thằng lớn của chị Tư Hạnh giờ đã vào đại học năm thứ nhất, đứa nhỏ học lớp 12, còn thằng Út ngày nào theo chị lênh đênh đi bán nước đá giờ cũng ngồi lớp 10. Chị Tư Hạnh bộc bạch: “Cực nhọc cỡ nào cũng được, chị cố lo cho tụi nhỏ ăn học thành tài là chị vui rồi”.

Chiều vừa tan nắng. Tôi hỏi chuyện thằng con trai lớn của chị Tư Hạnh, nó khẳng định là sau khi học xong đại học nó sẽ về miệt thứ này công tác, nó không thể nào bỏ cái xứ mà cả đời mẹ nó đã cực nhọc để nuôi nó thành người.

Ngoài lộ, những tà áo trắng của các em nữ sinh tung bay trên đường tan trường về. Miệt thứ hôm nay đâu chỉ có tiếng muỗi kêu như sáo thổi, mà còn có những bước chân hứa hẹn tương lai.

Đặc sản U Minh Thượng

Chị Tư Hạnh đưa chúng tôi sang thăm nhà chị Hoa ở ngoài đầu kênh số 7, cũng là bà mẹ góa ở miệt thứ này. Đang mở gói quà mà nước mắt lả chả, thấy chúng tôi, chị Hoa nức nở: “Ba thằng Đạo gởi tiền với quần áo cho nó ngày tựu trường”. Chị nói tiếp giọng hờn dỗi: “Làm như thương yêu mẹ con người ta lắm vậy, thương sao mấy năm trời bỏ đi biền biệt, không một lời thăm hỏi”. Tuy hờn trách vậy, nhưng chị Hoa vẫn mở gói quà với cử chỉ trân trọng, nâng niu như muốn nói với mọi người là ba thằng Đạo vẫn còn nhớ đến mẹ con chị ở tận cái xứ U Minh Thượng này. Nhìn cảnh những đứa trẻ cũng ngậm ngùi khi thấy mẹ chúng nâng níu chút tình cha gửi về mùa khai giảng, tôi cảm động không nói nên lời.

Những đứa con lớn lên chỉ biết có mẹ, hiếu thảo với mẹ, tuy không nói ra, nhưng tôi hiểu chúng vẫn khát khao được gặp mặt cha. Hoàn cảnh của chị Hoa hiện nay đã qua rồi cơn bỉ cực, cuộc sống có của ăn của để nhờ vào nghề làm mắm cá lưỡi trâu non. Đặc điểm ở nơi đây là vào những ngày đầu mùa mưa, cá lưỡi trâu đổ về miệt U Minh sinh sản nhiều vô kể. Sinh đẻ xong, cá mẹ trở về sông lớn, để lại bầy cá con tự lớn lên ở nơi chúng được sinh ra.

Chừng 3 tháng sau, cá lưỡi trâu con to bằng ngón tay trỏ, lội đầy các sông rạch vùng U Minh Thượng. Mỗi ngày, những người lưới đáy trên sông bắt được vài ba chục ký cá lưỡi trâu non là chuyện bình thường. U Minh Thượng là xứ cá, có rất nhiều loại cá ngon, ít ai thèm ngó tới loại cá hủn hỉn bé tẹo này. Giá bán vô cùng rẻ, mà cũng ít người mua, người ta mua về cho heo ăn, hoặc xay ra làm mồi cho cá và làm phân bón.

Nhiều hôm bán cá lưỡi trâu non ế nhiều quá, bỏ thì xót, chị Hoa làm mắm. Từ xa xưa, có người làm mắm cá lưỡi trâu non, nhưng đó là loại mắm “vô danh” không ai biết đến. Người ta chỉ biết đến các loại mắm hảo hạng khác như mắm lóc, mắm trèn, mắm rô, mắm sặc… Chị Hoa làm mắm cá lưỡi trâu non chỉ để dành cho mẹ con ăn những lúc túng ngặt không tiền.
 

 
Cùng mẹ kiếm sống. Ảnh: NGN MINH
Chị Hoa có tay làm mắm rất khéo, thơm ngon, ăn với cơm thì ngon hết biết. Ban đầu người ta đến nhà chị mua chút ít mắm để ăn. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người đến mua loại mắm cá lưỡi trâu non nên chị làm không kịp bán. Nhờ vậy mà chị Hoa có đồng vào đồng ra, cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Và, chị Hoa chợt nhận ra, nghề làm mắm cá lưỡi trâu non cũng sống được. Vậy là từ đó, hai mẹ con chị mua thêm lu, khạp về làm mắm.

Mấy người hàng xóm thấy chị Hoa “phất lên” nhờ làm mắm cá lưỡi trâu non, một loại cá có quá nhiều và dễ tìm tại địa phương đã đua nhau làm theo. Không ngờ, từ việc làm cứu đói cho gia đình chị Hoa đã vô tình tạo ra món ăn đặc sắc mới của vùng U Minh Thượng - mắm cá lưỡi trâu non.

Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe chị Hoa bộc bạch ý tưởng “làm ăn lớn” của chị: “Nghề làm mắm cá lưỡi trâu non hiện nay vẫn còn rất bấp bênh, vì trông chờ vào thiên nhiên, năm nào cá nhiều thì dân làm mắm trúng mùa còn năm nào do ảnh hưởng thời tiết, cá ít thì kể như bó tay. Chi bằng Nhà nước nên có kế hoạch nghiên cứu phương án nuôi cá lưỡi trâu đẻ, cũng như người ta nuôi cá thác lác đẻ để nghề này ổn định. Tôi sẽ cho thằng con trai tôi học ngành thủy sản, sau này nó về nuôi cá lưỡi trâu, để đảm bảo nguồn nguyên liệu làm mắm và biến vùng này là “làng mắm” trong tương lai đó chú”.

Huyện U Minh Thượng hiện có gần 20 hộ làm mắm cá lưỡi trâu non. Cứ theo chu kỳ từ tháng 4-5 mắm vào khạp, đến tháng 12 thì khui ra bán. Lượng hàng làm ra vẫn không đủ cung ứng cho người tiêu dùng, dù giá cả có khi lên đến 70.000đ/kg, các vựa mắm phải đăng ký trước mới có hàng. Nghề làm mắm này vẫn không thể phát triển rộng rãi hơn được do cá chỉ có vào đầu mùa mưa, thời gian còn lại trong năm, không có cá. Phó Bí thư Thường trực huyện U Minh Thượng tiếc rẻ: “Nói mắm cá lưỡi trâu non là đặc sản của U Minh Thượng cũng đúng, vì hiếm nơi nào có được loại mắm ngon, độc đáo như vậy. Tôi hy vọng thế hệ trẻ của U Minh Thượng được lớn lên trong vòng tay bao dung và hy sinh của mẹ sẽ là những người góp phần làm cho U Minh Thượng phát triển hơn trong tương lai”.

Theo Nguyễn Tường Lộc/Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.