Bí mật vũ khí năng lượng của Nga

31/12/2007 22:32 GMT+7

Kỳ 1: Sự phụ thuộc của châu u Trong nhiều năm qua, Nga đã sử dụng dầu mỏ không chỉ nhằm phục vụ lợi ích kinh tế mà còn được coi như một vũ khí lợi hại để chi phối châu u.

Những phụ thuộc sống còn

Theo nhiều chuyên gia phân tích chính trị trên thế giới, việc Liên bang Xô Viết tan rã vào những năm 90 được coi là sự kiện quan trọng nhất thế kỷ 20. Đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về những nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của cường quốc một thời này. Tuy còn nhiều bất đồng, nhưng có nhiều ý kiến cùng cho rằng các nhà lãnh đạo Xô Viết, ngoài việc tạo ra một cường quốc về quân sự, đã không có được "vũ khí kinh tế" đủ mạnh để chi phối các nước trong liên bang, châu u và các quốc gia khác. Đây là nhân tố quyết định trong các nhân tố chính (chính trị, kinh tế và quân sự) để biến một quốc gia có thể trở thành cường quốc và ràng buộc được các quốc gia khác.

Sau khi nhận nước Nga từ tay người tiền nhiệm Boris Yeltsin, Tổng thống Vladimir Putin đã tìm ra và khắc phục được sai lầm của người đi trước, biến nguồn dầu mỏ nước Nga thành một vũ khí lợi hại để quyết tâm giành lại vị thế cho nước Nga. Dưới thời Liên Xô, nguồn dầu mỏ khổng lồ  được sử dụng gần như một loại hàng hóa thông thường để thu lợi nhuận thuần túy. Đến thời Tổng thống Putin, dầu mỏ và khí đốt đã không chỉ là hàng hóa mà còn là một công cụ hữu hiệu để nước Nga nâng cao ảnh hưởng, ràng buộc các nước khác. Theo tờ The Economist, để sử dụng dầu mỏ như một công cụ gây ảnh hưởng, chi phối các quốc gia khác, Nga hiện đã thỏa mãn được ba điều kiện không thể thiếu, đó là: kiểm soát toàn bộ nguồn dự trữ, việc sản xuất dầu mỏ trên toàn quốc; kiểm soát tất cả hệ thống đường ống dẫn dầu trên toàn quốc và tới các nước láng giềng; và thiết lập được những hợp đồng dài hạn và chắc chắn về cung cấp dầu mỏ cho các nước EU.

Thực hiện chiến lược dầu mỏ của chính phủ, đến năm 2004, tập đoàn dầu mỏ số 1 của nước Nga Gazprom đã trở thành nhà cung cấp khí đốt duy nhất cho Bosnia-Herzegovia, Estonia, Phần Lan, Macedonia, Latvia, Moldova và Slovakia. Gazprom còn cung cấp tới 50% khí đốt cho các nước EU, trong đó 97% khí cho Bulgaria, gần 90% cho Hungary, 86% cho Ba Lan, 75% cho Czech, 36% cho Đức, 25% cho Pháp... Phó chủ tịch Gazpromb Dmitry Medvedev (ứng cử viên tổng thống Nga 2008) từng tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là cung cấp cho 25% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của thế giới. Chúng tôi phải trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới".

Mạng nhện EU

Năm 2007, Nga đã ký một hợp đồng xây dựng một đường ống dẫn dầu từ Bulgaria tới Hy Lạp. Đây là đường ống dẫn dầu đầu tiên xuyên qua lãnh thổ các nước EU, giúp Nga vận chuyển dầu từ Trung Á thẳng tới EU, tránh được Thổ Nhĩ Kỳ, nơi luôn xảy ra bất ổn. Với Đức, Nga cũng đã khởi động việc xây dựng một đường ống ngầm dưới biển Baltic, tránh được Ba Lan và Ukraine. Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder từng nói rằng hệ thống dẫn dầu này sẽ khiến việc cung cấp dầu lửa cho châu u an toàn hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển (SDRA) cho rằng đường ống dẫn dầu này sẽ phân chia EU và làm EU trở nên phụ thuộc Nga hơn bởi nó cho phép Nga có thể ngừng cung cấp dầu lửa cho Ukraine, Ba Lan và Belarus nhưng lại không ảnh hưởng tới những "khách hàng" quan trọng hơn là Đức, và tương lai là Anh, Hà Lan.

Với khu vực phía nam, Nga cũng đã có một đường ống dẫn dầu mang tên Blue Stream băng qua Biển Đen để cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện Nga đang quan tâm đến việc kéo dài đường ống này tới Hungary. Nếu dự án này thành công, Nga sẽ có được một đường ống dẫn dầu từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Áo. Như vậy, với một hệ thống đường ống dài khoảng 150.000 km, Nga đã được coi là nước có hệ thống đường ống dài nhất thế giới hiện nay.

Dầu mỏ, khí đốt có thể mua được từ nhiều nơi, nên việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn dầu mỏ của Nga đã khiến nhiều thành viên EU lo ngại. Đặc biệt, sau sự kiện Nga tạm ngưng cung cấp cho Ukraine (2006) vì không thỏa thuận được giá mới, buộc Belarus phải mua khí đốt với giá mới cao hơn 4 lần so với giá cũ... đã minh chứng cho mối lo ngại này.

Thôn tính

Dưới sự ủng hộ triệt để của chính phủ, Tập đoàn Gazprom không chỉ dừng lại ở việc ký kết ngày càng nhiều hợp đồng cung cấp dầu lửa cho các nước EU cũng như vươn xa đường ống dẫn dầu dọc ngang châu u mà còn không ngừng đầu tư, mua lại cổ phần từ các đơn vị phụ trách cơ sở hạ tầng cung cấp khí đốt tại EU. Hiện Gazprom sở hữu 35% cổ phần trong Công ty phân phối khí đốt Wingas (Đức), 10% trong đường ống xuyên quốc gia giữa Bỉ - Anh và nhiều cổ phần trong một số nhà phân phối khí đốt lớn của các nước vùng Baltic. Gazprom còn có tham vọng mua cổ phần không nhỏ trong ngành điện lực, dầu lửa, khí đốt hóa lỏng tại nhiều nước trên thế giới.

Mặc dù nhận thức được những rủi ro khi phải đặt toàn bộ nhu cầu năng lượng vào Nga, nhưng nhiều nước EU lại tỏ ra không hề xa lánh Nga. Ngay từ khi Gazprom bắt đầu thực hiện kế hoạch chiến lược của họ ở khắp châu u, các nước thành viên EU đã mở cửa để đón tập đoàn này. Bỉ tuyên bố rằng họ chẳng có lý do gì để không cho phép Gazprom đầu tư vào những cơ sở hạ tầng phục vụ việc phân phối khí đốt của họ. Ngược lại, Nga lại rất khó khăn trong việc cho phép những tập đoàn dầu lửa bên ngoài đầu tư vào các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên của họ. Gazprom đã tìm mọi cách để "ép" Tập đoàn Shell phải nhượng lại dự án Sakhalin-2 ở Viễn Đông, ngăn chặn dự án khai thác khí đốt của BP ở Đông Siberia và các dự án khai thác dầu của Tập đoàn Shtokman trên biển Barents.

Bên cạnh đó, Nga cũng tìm mọi cách để hòa nhập cộng đồng sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tháng 4.2007, Nga tham dự một cuộc hội thảo với Tổ chức các quốc gia sản xuất dầu lửa (OPEC) tại Qatar để bàn về giá cả của khí đốt và được đề nghị chủ trì cho các nghiên cứu tới đây của OPEC về vấn đề này. Gazprom cũng đã ký một văn bản ghi nhớ với Tập đoàn dầu lửa Sonatrach của Algeria (quốc gia có lượng dự trữ khí đốt đứng thứ 3 thế giới sau Nga, Na Uy) trong việc hợp tác sản xuất khí đốt. Người ta đã lo ngại rằng với 60% trữ lượng khí đốt nằm tại 3 nước là Nga, Iran và Qatar thì việc các nước này thống nhất được giá xuất khẩu vào một ngày nào đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của các nước nhập khẩu nguồn năng lượng tối quan trọng này. (Còn tiếp)

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.