Già làng 70 tuổi đến trường

13/10/2008 10:04 GMT+7

Hơn 70 tuổi, già làng Xa Văn Thế vẫn cắp cặp đến trường học để làm gương cho lũ trẻ.

Già Thế sống ở bản Nhạp (xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, Hòa Bình). Trước đây cái đói, sự thất học luôn vây bủa bản người Tày hơn 790 nhân khẩu này. Trong nỗi ngặt nghèo ấy, già Thế đã đi học với tâm nguyện “có chữ là có ấm no, thoát nghèo sẽ không khổ nữa”.

Thiếu con chữ là đói nghèo

Lần đầu tiên con chữ đến được với người dân bản Nhạp vào năm 1954. Từ đó đến năm 2004, ở bản Nhạp chỉ có trường cấp I. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ em trong bản chỉ học hết lớp 5 rồi về chăn trâu, cắt cỏ, lên rừng kiếm củi. Năm tháng trôi qua, chữ “i tờ” lẫn các kiến thức sơ đẳng đều “bốc hơi”. Sách giáo khoa là sách chữ phổ thông, sau giờ học các em về nhà nói tiếng Tày nên có nhiều em học xong mà nói tiếng phổ thông vẫn bập bẹ. “Sự học dở dang như đất cằn gặp hạn hán, chỉ còn trơ trọi sỏi đá” - già Thế nói.

Năm 1991, già làng Xa Văn Thế trúng cử hội đồng nhân dân xã, sau đó giữ chức chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã được mười năm. Bao đêm già Thế ướt mồ hôi trán, lo sao để con chữ về bản ngày càng nhiều. Có chữ, mới chống được chuyện lâm tặc xui khiến dân bản chặt gỗ đinh, sến, táu trên đỉnh Pu Canh xuống bán rẻ cho chúng. Có chữ, dân trong bản mới bớt nạn cờ bạc, rượu chè, đánh chém nhau...

Già đi học để trẻ noi theo

Già Thế luôn đau đáu: “Bọn trẻ con đang học yên ổn cũng bị bố mẹ lôi lên rừng trông gỗ, nhặt cành nhánh về làm củi. Tao bảo bố mẹ chúng nó không nghe, lại còn cãi láo. Ức lắm, nhưng tao chỉ biết nín lặng rồi dần dần khuyên nhủ”.

Già Thế bàn bạc với xã xin Phòng Giáo dục huyện Đà Bắc mở một lớp học cấp II tại bản Nhạp. Đến năm 2004, trường được mở và già Thế xung phong làm lớp trưởng, vận động được 64 người theo già đến trường gồm cả người lớn và trẻ em.

Trồng ngô mua sách vở tặng “bạn học”

Năm 1992, già Thế cùng đoàn công tác đi khảo sát cách trồng ngô của bà con bên huyện Chúc Sơn. Già mang về cho bà con 3kg trồng thử, thấy ngô bén đất nơi đây, già kêu gọi bà con tăng gia sản xuất để xóa con ma nghèo. Vụ đông năm 2004, già mang chúng ra bãi đất trước sân Trường tiểu học Đồng Chum B, rồi rủ “bạn học” cùng trồng hơn 1ha đất ngô. Vụ ấy già cùng “bạn học” thu được 250.000 đồng tiền lãi. Tất cả dồn vào mua sách vở tặng các bạn nhà nghèo trong lớp của già.

Già Thế kể: “Hôm tao lên trước cờ nhận “chức” lớp trưởng, tao run lắm vì dưới kia là hàng trăm con mắt thao láo của đám nhỏ. Tao cũng hứa sẽ học hành chăm chỉ để các cháu noi theo. Được cái là các cháu nghe răm rắp, ngoan, lại biết kính trọng nên cũng thấy an lòng lắm. Có phụ huynh đến nhà động viên tao cứ đi học đều đều để con nhỏ theo đó mà học. Nhiều lần tao ốm, bọn nhỏ nháo nhác cả lên, rồi chúng kéo đến nhà động viên tao đến lớp, nếu không chúng... bỏ học đồng loạt”. Già Thế vẫn thường tự hào: “Tuy cao tuổi nhưng không vì thế mà tao chểnh mảng học hành, ngược lại phải làm gương cho con cháu noi theo”.

Thầy Xa Nghiệp Dư - hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Chum B - xúc động: “Chúng tôi phải cảm ơn già nhiều lắm, nhờ có già mà tình trạng bỏ học của các em giảm đáng kể, hầu như không còn nữa”. Sổ học bạ của già Thế suốt các năm học 2004-2006 hầu hết đều đạt điểm trung bình đến trung bình khá. Với một người già đi học, đây là điểm số quá cao, thầy Dư nhận xét. Trong các môn học già thích học môn sử nhất, còn những môn tự nhiên già bảo “cứng hơn nhai ngô, điểm lẹt đẹt chỉ hơn 5 phẩy”.

Cô Xa Thoa, chủ nhiệm năm lớp 9 của già, phê vào học bạ: “Lễ phép với thầy cô. Có ý thức trong học tập. Luôn đôn đốc các bạn”. Thế nên học lực của già chỉ ở mức trung bình nhưng hạnh kiểm luôn đạt tốt. Già bảo: “Các cô không phân biệt người già hay trẻ con, khi đã ngồi vào học con chữ thì ai cũng như ai, khi phê học bạ cũng vậy”. Năm 2006 được cấp bằng tốt nghiệp cấp II, đối với già Thế đó là một chiến công và cũng là lời nhắc nhở với bà con xóm giềng: hãy đưa trẻ em đến trường để các em được học hành, được mở mang tri thức và đóng góp cho xã hội, đưa bản làng mình thoát nghèo.

Già Thế không chỉ đi học cho con cháu bản mình noi theo mà còn là tấm gương sáng để bà con nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Già vẫn nhớ như in những ngày rừng chảy máu: “Mỗi cây rừng đổ xuống làm già nhói đau. Những cánh rừng trăm tuổi cứ thưa vắng dần, chim chóc cũng không về làm tổ nữa”. Một lần nữa già Thế làm đơn gửi lên xã, lên huyện, rồi lên cả tỉnh đề nghị đưa rừng Pu Canh vào diện tích rừng đặc dụng để tiện khoanh nuôi bảo vệ. Lúc ấy, trên cương vị là trưởng bản, thành viên hội đồng nhân dân xã kiêm công an viên, già Thế gõ cửa từng nhà chuyện trò, tâm tình. Bên cạnh việc tuyên truyền, già còn đứng ra nhận bảo vệ 61ha rừng. Việc làm thiết thực ấy của già đã thuyết phục được bà con lần lượt nhận bảo vệ 1.400ha rừng.

Giờ đây cái đói, cái nghèo không còn đeo bám bản Nhạp như ngày nào, con chữ cũng theo cặp sách học trò về với từng gia đình. Người bản Nhạp nhớ mãi tấm lòng chân tình của già Thế - người ông, người cha, người bạn của lũ trẻ con chăn trâu.

Theo Anh Ngọc - Đức Chính/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.