Nông trại trong trường học

02/11/2011 02:50 GMT+7

Sân trường tiểu học không chỉ có cây xanh mà còn có heo, gà, ngỗng, chim bồ câu, dê, thỏ... và đủ loại rau xanh không khác gì nông trại.

Tại TP.HCM, một số trường tiểu học xây dựng khu vườn sinh thái để học sinh được sống trong môi trường thôn quê ngay giữa lòng thành phố ồn ào, chật hẹp.

Học sinh làm nông dân

Từ năm học 2010 - 2011, nhiều trường tiểu học đã bắt đầu xây dựng vườn trường. Năm học này, nhiều nơi đã hoàn thiện mô hình này với những cách khác nhau. Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Thế Vinh (Q.1) trồng bầu, bí, mướp, mồng tơi, rau húng quế, rau cải, cây bắp..., nhiều cây trong số đó đã cho ra hoa, quả đầu mùa. Học sinh ở đây vừa coi sóc, vừa thu hoạch; Trường tiểu học Kết Đoàn (Q.1), Trường tiểu học u Dương Lân (Q.8) trồng cây thuốc; Trường tiểu học Đông Ba (Q.Phú Nhuận) vừa trồng rau xanh, vừa trồng cây thuốc và đủ loại hoa...

Lần đầu chạm mặt con dê

Giờ ra chơi ở Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú), ngoài tiếng học sinh nô đùa ồn ào, thi thoảng là tiếng gà gáy, ngỗng kêu vang lên từ sau sân trường. Ở đây, hơn chục loài vật nuôi từ gia súc, gia cầm, chim chóc... được phân chia ở trong từng khu ngay trong khuôn viên trường. Khu chuồng gà náo nhiệt nhất với bầy gà mái và gần 10 quả trứng đang được ấp. Kế đó là chuồng cho 3 chú heo đen, 2 con ngỗng trắng và nhà của chim bồ câu. Ngoài ra còn có rùa, chim trích, thỏ, nhím, gà trống... đang bị nhốt trong lồng chờ ngày “nhà” của chúng được xây xong.

Ngày đầu tiên, ông Đinh Bảng, Hiệu trưởng của trường ôm con dê về, học sinh quây quanh huyên náo, nhao nhao hỏi thầy hiệu trưởng đó có phải con trâu không, em khác lại nói con trâu sao nhỏ quá, chắc là con nghé. Nhịn cười, ông Bảng nói đó là con dê thì ai nấy tròn mắt quan sát tỉ mỉ. Thế rồi, đám học sinh lại í ới gọi nhau đến xem con dê.

Ông Đinh Bảng cho biết đây là vườn thú nuôi mới hình thành đầu năm học này. Đầu tháng 11, các tiết học về môn khoa học tự nhiên của các khối lớp sẽ được thực hiện ở đây. Thay vì bị gò bó ở 4 bức tường trong lớp học thì học sinh được học thực tế tại vườn thú. Các em không chỉ học mô tả các con vật mà còn hiểu được thói quen sống, cách đẻ con, ấp trứng... của vật nuôi.

Trong khuôn viên trường, bên cạnh các loài vật nuôi là mô hình thu nhỏ về cánh đồng lúa, con trâu, đồng cỏ, đồi núi và hồ cá vàng. Góc sân trường nhộn nhịp tiếng vật nuôi không khác nông trại là mấy.

Không chỉ xây dựng vườn thú, tháng tới trường này sẽ cho học sinh tiếp tục làm nông dân như các năm trước. Các em sẽ tự tay gieo trồng những cây thân quen như cà tím, cà chua, mồng tơi, bầu, bí, khoai lang... và tự mình thu hoạch.


Học sinh bên mô hình làng quê Nam bộ ở Trường tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11, TP.HCM)

Góc miền quê bình yên

Tại Trường tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11), bên hông sân trường là khung cảnh của làng quê Nam bộ. Những vật dụng thật của người dân làng chài như nơm cá, lưới đánh bắt, cần câu... được xếp một bên lối đi. Lối bên kia là hàng tre có sỏi ở dưới. Hết con đường tre là mô hình thu nhỏ ruộng lúa, đồng cỏ, con trâu, cầu khỉ, con kênh với những dụng cụ gia đình thân quen của người ở quê như khạp nước.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng, cho biết, nhà trường đang phát triển con đường hàng dừa phía trong sân, đồng thời trồng cây rau, cây thuốc để bổ trợ cho môn học khoa học tự nhiên.  Trường cũng thường có những buổi chuyên đề về nghề đánh bắt cá, về cây lúa, việc trồng, thu hoạch lúa của người nông dân.

Huỳnh Mỹ Như, học sinh lớp 1 của trường kể: “Lúc đầu không biết con vật trên đồng cỏ trong sân trường là con gì, hỏi mẹ, mẹ lại bảo là con bò. Đến lúc được nghe cô và các bạn nói con trâu mới biết”. Còn Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 3 Trường Tân Sơn Nhì, cho biết khi đến giờ làm bài kiểm tra tả con vật em yêu thích, Kiên băn khoăn hoài không biết tả con vật gì. Nhà em lại không nuôi mèo hay chó. Vậy là Kiên chọn con dê để làm bài. “Con dê sau trường đẹp lắm, lông nó màu nâu, cái tai to như tai con nai. Con cũng tuổi dê nên thích nó lắm”, Kiên mô tả. Còn Lê Thu Hiền, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Tân Sơn Nhì từ trước giờ cứ cho là gà mái đẻ trứng xong sẽ có gà trống ấp, đến khi được cô giáo dẫn ra “nông trại”, tận mắt nhìn gà mái đang ấp trứng mới biết gà mái kiêm luôn hai nhiệm vụ đẻ và ấp. 

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết năm ngoái, Sở hướng dẫn các trường trên địa bàn TP.HCM xây dựng mô hình vườn trường ở các trường tiểu học ngay tại sân trường tùy theo điều kiện, diện tích mỗi trường. Hiện nay đã có rất nhiều trường hoàn thiện mô hình này. Việc trồng cây rau, nuôi vật nuôi trong trường... không chỉ giúp học sinh học tập dựa trên thực tế mà còn giúp các em biết yêu thiên nhiên, yêu động vật và cảm thấy trường học là nơi thân thiện và gần gũi.

Hữu Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.