Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lan ra 8 tỉnh thành

15/05/2009 23:34 GMT+7

* Làng thịt chó vẫn "vô tư" với khuẩn tả Mời nghe đọc bài Đến chiều tối qua 15.5, có thêm Ninh Bình phát hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả. Trong khi đó, ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, làng thịt chó ở Dương Nội (Q.Hà Đông, Hà Nội) vẫn nhộn nhịp!

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Nga, cảnh báo: "Sự giao lưu qua lại giữa các vùng, các khu vực ngày càng làm tăng nguy cơ phát tán bệnh". Theo Cục Y tế dự phòng và môi trường, ngoài thủ đô Hà Nội với số mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm có xu hướng tăng (khoảng 50 - 70% liên quan đến ăn thịt chó), đến nay bệnh nhân đã xuất hiện tại Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa và mới nhất là Ninh Bình (chưa có số liệu cụ thể về số ca dương tính với phẩy khuẩn tả ở Ninh Bình).

Chiều qua 15.5, trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết Việt Nam chưa có quy định về kiểm soát giết mổ chó mèo. Từ thực tế hiện nay, Cục đã giao Chi cục Thú y các tỉnh phối hợp với ngành y tế đưa ra những quy định riêng về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hoạt động giết mổ chó mèo, tổ chức kiểm tra và giám sát chặt chẽ trên thực tế.

Quang Duẩn

Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa cho biết dịch tiêu chảy cấp đã lan ra ít nhất 6 huyện, thị, thành phố với 13 bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả. Nhằm tìm kiếm và xác định nguồn chính gây ra dịch tiêu chảy cấp, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa về xã Thành Lộc, H.Hậu Lộc để giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn chó. Đây là địa bàn có gần 40 hộ chuyên kinh doanh chó, cung ứng chó sống cho toàn miền Bắc. Hầu hết số chó này đều được nhập về từ Thái Lan, Lào. Trong những ngày qua, tại xã Thành Lộc cũng đã có 10 người mắc tiêu chảy và 2 trong số đó dương tính với phẩy khuẩn tả.

Nguy cơ phát tán khuẩn tả theo nguồn nước

Theo tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, vẫn còn đang tìm hiểu lý do khiến chó nhiễm vi khuẩn tả (qua xét nghiệm bệnh phẩm lấy từ ruột chó). "Có thể chó ăn phải thức ăn ô nhiễm, có vi khuẩn tả, rồi lây lan như chúng ta đã biết. Còn nguyên nhân khiến một số mẫu thịt chó chín bị nhiễm tả, có thể do các dụng cụ chứa đựng, chế biến đã bị nhiễm vi khuẩn này, thậm chí là bàn tay không đảm bảo vệ sinh của người chế biến", ông Hiển nói.

Về mặt dịch tễ, tiến sĩ Hiển cho biết, một trong những mối lo lớn nhất khiến tả lây lan là nguồn nước ô nhiễm. Vì nếu nước nhiễm vi khuẩn tả thì cùng lúc sẽ khiến rất nhiều người mắc. "Tại thời điểm này, chúng ta có thể nhận thấy tả chưa lây lan qua nguồn nước mà chủ yếu liên quan đến thực phẩm ô nhiễm, trong đó có thịt chó sống tại lò một số điểm giết mổ không đảm bảo vệ sinh", ông Hiển khẳng định, nhưng cũng cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm nước bề mặt do thói quen sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh.

Làng thịt chó vẫn nhộn nhịp

Trong một diễn biến khác, hôm qua Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khuyến cáo: Người dân không nên sử dụng thực phẩm đã được khuyến cáo có nguy cơ cao, không nguồn gốc. Đặc biệt, giữ vệ sinh cá nhân với việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn là rất quan trọng. Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy hầu hết các nhà hàng thịt chó trên đường Nguyễn Tam Trinh (Q.Hoàng Mai), phố thịt chó Nhật Tân đều trong tình trạng vắng khách. Dọc đường Mai Động, nhiều quán cũng tạm ngừng giết mổ chó.

 

Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp đang được điều trị tại Trạm xá xã Thành Lộc, H.Hậu Lộc, Thanh Hóa - Ảnh: Ngọc Minh

Thế nhưng, tại hai làng Ỷ La và La Dương thuộc xã Dương Nội (quận Hà Đông), nơi lấy mẫu thịt chó có kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả, hoạt động mua bán thịt chó vẫn diễn ra bình thường. Rất nhiều người dân ở đây vẫn vô tư chọn mua thịt chó. “Phẩy khuẩn tả phát hiện trong ruột chó thôi, ăn thịt chó thì không việc gì, vô tư đi, sống chết có số cả...”, anh Hải, một người làm nghề lái xe nói vậy rồi yêu cầu chủ hàng chặt, cân cho miếng đùi chó mang về nhà. Nhân viên một số cửa hàng nổi tiếng về thịt chó nằm trên địa bàn hai thôn Ỷ La và La Dương như Q.H, K.H, S.V, S.H, H.K, H.T... cho biết công suất hoạt động có giảm đi đôi chút, nhưng không đáng kể!

Bà Nguyễn Thị Sửu, một người dân thôn Ỷ Lan, nói: “Buổi sáng, xe máy vẫn tấp nập vào lấy hàng (thịt chó - PV), còn buổi chiều khách có vắng hơn, cộng thêm việc có đoàn cán bộ về phun thuốc phòng dịch nên các cửa hàng cũng e dè, nhưng nếu mua họ vẫn có thịt bán”. Để kiểm chứng thông tin này, chúng tôi gọi điện thoại đặt mua thịt chó của 3 cửa hàng Q.H, K.H (thôn Ỷ La) và H.T (thôn La Dương), nơi buổi chiều đóng cửa im lìm, thì được các chủ hàng đon đả tiếp thị: chú cứ đến, cần bao nhiêu cũng có.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở những nơi giết mổ và bày bán thịt chó việc giữ an toàn vệ sinh thực phẩm đều chưa được thực hiện nghiêm túc. Lông và chất thải sau khi giết mổ chó không được thu dọn mà được xả trực tiếp ra cống thoát nước. Kinh khủng hơn, sau khi bị đem “thui”, chó được tẩy rửa bằng dung dịch dùng làm nước rửa xe máy; công đoạn mổ và làm lòng diễn ra trên nền bê-tông... Tại nhà hàng S.H (thôn La Dương), một nhân viên đảm nhận việc chặt thịt sống nhưng khi có khách thì kiêm luôn nhiệm vụ nướng lại chả và bao gói cho khách hàng mà giữa các công đoạn này không hề có chuyện rửa tay. Không chỉ có vậy, các loại rau sống ăn kèm thịt chó (ngổ, lá mơ, sả...), các quán chỉ rửa qua loa và không hề có dụng cụ ngăn ruồi, tránh bụi.

Tình trạng mất vệ sinh cũng diễn ra rất phổ biến ở các điểm bán thịt chó tại các khu chợ nội thành. Còn tại một vài cửa hàng ở khu B3 Thành Công (Q.Ba Đình), thịt chó chín được bày bán ngay cạnh mấy chiếc thùng đựng dưa muối, thực phẩm sống...

Trước tình hình dịch tiêu chảy cấp ở phía Bắc đang lan rộng ra nhiều tỉnh, chiều 15.5, Sở Y tế TP.HCM có công văn gửi tất cả các bệnh viện công, tư; các trung tâm y tế dự phòng... yêu cầu “tăng cường phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả”. Sở Y tế nhận định thành phố dễ có nguy cơ lây lan bệnh từ phía Bắc như trong đợt dịch lần trước, vì vậy các đơn vị y tế phải hướng dẫn người dân thực hiện 4 biện pháp phòng ngừa bệnh (ăn chín; uống sôi; rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi tiêu, tiếp xúc nguồn ô nhiễm; hạn chế tối đa việc sử dụng dùng các món ăn dễ bị nhiễm khuẩn, hay chưa qua xử lý như mắm tôm sống, tiết canh, nem chua...). Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường kiểm tra, chỉ đạo 24 đơn vị y tế dự phòng quận huyện kiểm tra nguồn nước trên mạng cấp nước, nước giếng, nước ở chung cư; cung cấp dung dịch khử khuẩn cloramine cho các hộ dân ở các khu vực sử dụng nguồn nước giếng, nước sông, nước máy cuối nguồn... Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh khi phát hiện ca tiêu chảy nghi ngờ do khuẩn tả phải báo ngay cho y tế dự phòng để thực hiện việc giám sát, phòng chống bệnh lây lan...

Thanh Tùng

Nam Sơn - Ngọc Minh - Phan Hậu - Lê Quân - Ngọc Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.