432

11/10/2013 03:10 GMT+7

Đó là số loại phí, lệ phí đang được thu ở khắp các lĩnh vực, mọi địa bàn trên cả nước, sau hàng chục năm kêu gọi cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép con... Vì quá dày đặc nên sự bất công đầu tiên mà người dân và doanh nghiệp phải chịu là phí chồng phí.

Theo thống kê, hiện 1 lít xăng "cõng" trên mình 4 loại thuế, 3 loại phí. Chỉ riêng tiền thuế - phí, giá mỗi lít xăng được đẩy lên từ 7.000 - 8.000 đồng. Đó là tình cảnh tương tự của người dân khi sở hữu một chiếc xe. Mới mua thì đóng phí trước bạ, rồi thì phí bảo trì đường bộ. "Bảo trì" rồi nhưng vẫn phải tiếp tục nộp phí cho một loạt các trạm thu phí dọc đường, rồi phí xăng dầu, phí môi trường...

Phí chính thức, phí không chính thức, phí địa phương, phí trung ương, phí núp bóng tự nguyện... cơ quan nào cũng có thể "đẻ" ra phí để thu. Việc thu phí bị lạm dụng đã tạo ra một mạng lưới dày đặc phí, bủa vây và vắt lấy doanh nghiệp và người dân. Tất nhiên, mọi chi phí này đều được hạch toán vào giá thành nên có thể hiểu tại sao sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa ngày càng yếu.

Trong nỗ lực tháo tồn kho của nền kinh tế, chúng ta vẫn kêu gọi doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách giảm giá thành sản phẩm. Nhưng hãy so sánh điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước trong nhiều năm gần đây như lãi vay, thuế, chi phí, giá đầu vào... với các nước trong khu vực sẽ hiểu, họ có muốn giảm cũng không được. Đó là lý do hàng trăm công ty đã phải chấp nhận nghịch lý "chết trên đống tài sản"; hàng ngàn doanh nghiệp rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ. Lãnh đạo một doanh nghiệp đã phải chua chát kết luận, con đường nào cũng dẫn tới... phá sản khi ông đã không thể đưa công ty vượt qua được điều kiện kinh doanh quá khắc nghiệt kéo dài.

Chua xót hơn là nông dân, những người được thống kê phải chịu tới 131 khoản đóng góp, trong đó riêng phí có tới... 93 loại. Thế nên được tiếng là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới ở nhiều mặt hàng nhưng nông dân Việt Nam, người trực tiếp trồng lúa, trồng tiêu, điều... bao năm qua nghèo vẫn hoàn nghèo.

Loạn thu phí ở mức báo động như vậy nhưng thực tế lại không được quan tâm dẹp bỏ. Hầu hết giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, không ai nhắc đến vấn đề này. Trong khi phí, không đơn giản chỉ là số tiền mà doanh nghiệp, người dân phải đóng, nó còn làm mất đi cơ hội, bào mòn niềm tin; gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trong nước trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Thu nhiều thì chi nhiều nên tình trạng loạn thu phí cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chi tiêu hoang phí ngân sách cho lễ lạt, hội hè, đi lại, mua sắm xe công, hội nghị, hội thảo hiện nay. Vì vậy cần có biện pháp thật mạnh, thật nhanh, thật nghiêm để loại ra khỏi môi trường đầu tư và kinh doanh hiện nay những loại phí chồng phí, những loại phí "phép vua thua lệ làng" mà các địa phương tự "đẻ" ra...

Việc này thiết nghĩ, còn hữu hiệu hơn nhiều so với các giải pháp hỗ trợ mà chúng ta đang thực hiện lâu nay.

Nguyên Khanh

>> 432 loại phí 'đè' doanh nghiệp, người dân
>> Phí chồng phí làm khổ dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.