Chống tội phạm bằng... âm nhạc

28/12/2005 22:29 GMT+7

Có lẽ không có sân khấu ca nhạc nào lại lạ đời như ở Brixton. Nó được bao quanh bởi mấy lớp hàng rào thép gai lạnh lùng, bởi những tầng bê tông dày cui, bởi những nhân viên an ninh vạm vỡ... Đó là một nhà tù.

Ở tù và ca hát

Hai động từ này có vẻ trái ngược nhau hoàn toàn nhưng ở nhà tù Brixton (Anh), chúng lại đi liền với nhau. Nhà thờ Victoria (trong khuôn viên nhà tù) chính là sân khấu nhạc sống cho các tù nhân trình diễn và thưởng thức. Ca sĩ là tù nhân. Nhạc sĩ là tù nhân. Nhạc công là tù nhân. Người múa phụ họa cũng là tù nhân. Đôi khi, ca sĩ hát phụ lại là cai ngục. Đủ mọi thể loại nhạc được trình diễn: từ pop, jazz, rap đến cả nhạc của người da đỏ. Còn có cả các tiết mục ngâm thơ. Dưới sân khấu, đôi khi tất cả các khán giả đều cuồng nhiệt nhảy theo bài hát. Tuy nhiên, quang cảnh trình diễn chắc chắn không giống bình thường: hãy thử tưởng tượng cảnh một ca sĩ trên người đầy những vết sẹo lồi sẹo lõm đứng trước tượng Đức Mẹ gào thét những bài hát mô tả lối sống giang hồ.

Tù nhân không chỉ viết những bài hát về cuộc sống ngoài hè phố mà cả tình yêu, sự cô độc, đời sống tâm linh và cả chính trị. Ở Brixton cũng có những "ca sĩ" được hâm mộ và những "nhạc sĩ" nổi tiếng. m nhạc trong nhà tù là tên một dự án được cho là bước đầu đã thành công, áp dụng không chỉ ở Brixton mà còn ở hàng loạt nơi giam cầm khác trên khắp xứ sở sương mù. Nó còn có hẳn một trang web xếp hạng top 10 những ban nhạc trong tù hay nhất. Thế nhưng, nhiều người không khỏi dị ứng với cái kiểu hát hò vui vẻ như thế này ở một nơi dùng để trừng phạt những kẻ từng gieo rắc tội ác.

Mở cánh cửa lòng

"Nó không như diễn một vở kịch ở trường học và tất cả mọi người đều hài lòng. Đây là cách để mở cánh cửa lòng khép kín ở những con người ích kỷ và vô trách nhiệm", J. Podmore - Giám đốc nhà tù Brixton phát biểu. Ông giải thích thêm: "Ở trong tù, ích kỷ được xem là quy luật của sự tồn tại. Anh không quan tâm đến bất cứ ai ngoài cá nhân anh". Nhưng trong âm nhạc thì khác. Nó buộc mọi người phải hợp tác làm việc với nhau, phải tập luyện, diễn xuất cùng nhau và theo lời ông Podmore, điều này giúp cho những cá nhân "có vấn đề" nhất cũng có thể học được cách sống cộng đồng. Kỹ năng cộng đồng sẽ còn theo giúp ích tù nhân khi họ đã ra khỏi trại giam.

"Nếu có một tù nhân nào đó muốn tự tử, bạn sẽ giải quyết vấn đề như thế nào ? Bạn không thể chỉ nhét thuốc an thần vào miệng anh ta hay tịch thu tất cả dây giày của anh ta. Bạn phải đưa cho anh ta một lý do để sống. Hãy cho anh ta một cái gì đó sáng sủa để còn có thể nghĩ tới nó", Giám đốc Podmore nói về dự án m nhạc trong nhà tù. Quả thật âm nhạc đã khơi gợi lại lòng trắc ẩn thẳm sâu trong những con người ngang tàng, từng đâm thuê chém mướn hay cướp của giết người. Một bài hát viết trong xà lim về một người yêu xưa đã đi vào cõi vĩnh hằng lẽ nào không làm con tim họ thổn thức ? Một cựu tù nhân từng tham gia dự án m nhạc trong nhà tù và hiện đi hát ở một hộp đêm vùng Yorkshire tâm sự: "Bạn không phải mang cảm giác là đang chịu sự chiếu cố của người khác. Họ đang làm việc với bạn theo cách mang lại sự khích lệ cho bạn. m nhạc mang lại cho bạn cảm giác tự do và là cách để bạn bộc bạch tâm sự của mình. Khi bạn nghĩ về những đứa con mà không thể gặp được chúng, bạn đem tất cả vào âm nhạc".

Đoan Nhật (Theo BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.