Lò hạt nhân trong lòng biển: Những đối thủ đáng gờm

24/08/2013 11:00 GMT+7

Đặc điểm tự nhiên và quân sự tại các vùng biển trong khu vực khiến những tàu ngầm hạt nhân “to xác” không dễ tự tung tự tác.

Biển Đông và Hoa Đông, 2 vùng biển được xem là “nóng nhất” hiện nay tại châu Á - Thái Bình Dương, đều có nhiều khu vực tương đối nông. Biển Đông, đặc biệt là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, bao gồm nhiều bãi đá ngầm, bãi cạn. Trong khi đó, phần lớn biển Hoa Đông, nhất là xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, sâu nhất chưa đến 200 m và rất ít nơi vượt qua 100 m. Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình an ninh hàng hải trong khu vực đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, các bên đang ra sức tăng cường khí tài săn ngầm như máy bay, trực thăng, thiết bị do thám định vị bằng sóng âm (sonar)… Những điều kiện trên khiến cho biển Đông và Hoa Đông được đánh giá là không thích hợp để các tàu ngầm hạt nhân vừa kềnh càng vừa ồn ào, chẳng hạn như tàu lớp Tấn của Trung Quốc hoạt động. Tuy nhiên, khu vực này lại là chốn tung hoành hiệu quả của tàu ngầm điện - diesel linh hoạt và chạy cực êm.

Máy bay săn ngầm P-3 Orion d
Máy bay săn ngầm P-3 Orion - Ảnh: DW News 

Nhỏ nhưng “có võ”

Không phải quốc gia nào cũng “nhiều tiền lắm của” để chạy theo tàu ngầm hạt nhân, nhất là khi họ có một sự thay thế không kém phần lợi hại, phù hợp hơn với điều kiện của mình. Đó là các loại tàu ngầm sử dụng động cơ điện -diesel đang rất được ưa chuộng. Với mức giá không quá đắt, loại tàu ngầm này có kích thước vừa phải và chủ yếu tập trung vào khả năng phòng thủ, bảo vệ chủ quyền với độ tác chiến linh hoạt phù hợp với địa chiến lược khu vực.

Nổi bật phải kể đến lớp Kilo cải tiến (còn được gọi là Đề án 636 Varshavyanka), mà Việt Nam đã đặt hàng 6 chiếc từ Nga, được đánh giá là một trong những loại tàu ngầm có hiệu quả tác chiến hàng đầu hiện nay với khả năng di chuyển cực êm, theo chuyên trang Naval Technology. Ở chế độ lặn, tàu đạt tốc độ tối đa 46 km/giờ cùng tầm hoạt động tối đa 740 km (lặn liên tục với tốc độ tiết kiệm). Mang biệt danh “lỗ đen vũ trụ”, khả năng “tàng hình” của Kilo được cải tiến cũng rất đáng gờm nhờ các thiết bị hấp thu sóng âm thanh, làm giảm thiểu tín hiệu dội lại. Về vũ khí, tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm và đủ sức mang theo 18 ngư lôi hạng nặng cùng tên lửa chống máy bay, đối hạm. Vì thế, đây là tàu ngầm sở hữu khả năng hải chiến toàn diện, đủ sức đảm trách công việc phòng thủ và theo giới chuyên gia, 1 đội Kilo có thể “dọn” được 1 tàu ngầm hạt nhân “to xác” trong điều kiện như tại biển Đông.

Trong khi đó, tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản là tàu ngầm phi hạt nhân hiện đại nhất thế giới hiện nay. Theo website Bộ Quốc phòng Nhật, tàu được trang bị hệ thống sonar hiệu suất cao và khả năng tàng hình. Về vũ khí, tàu có 6 ống phóng ngư lôi Type 89 và tên lửa đối hạm Harpoon UGM-84, tầm bắn 124 km. Đặc điểm kỹ thuật vượt trội của lớp Soryu là hệ thống AIP tối tân, có khả năng chuyển hóa khí CO2 thải ra thành ô xy hóa lỏng để bổ sung cho động cơ điện - diesel, giúp tàu có thể lặn sâu và dài ngày hơn.

Những sát thủ săn ngầm

Sự to lớn của một số loại tàu ngầm hạt nhân tại khu vực càng trở thành điểm bất lợi trong bối cảnh nhiều bên đang ra sức tăng cường khả năng dò tìm, phát hiện. Bloomberg dẫn lời giới quan sát cho biết Mỹ và các đồng minh đang tập trung đầu tư vào những thiết bị sonar sử dụng sóng âm tiên tiến để dò tìm tàu ngầm, có khả năng phân biệt giữa tàu ngầm, đá ngầm và cá voi, đặc biệt hoạt động tốt tại những vùng nước bị ô nhiễm như eo biển Malacca và biển Đông. “Ngay cả khi nhiều quốc gia đang cắt giảm ngân sách quốc phòng thì thị trường sonar vẫn được mở rộng”, Giám đốc điều hành Tập đoàn Uktra Electronics là Rakesh Sharma nhận định với Bloomberg. Nga cũng trang bị hệ thống sonar tiên tiến nhất cho tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen mới của mình.

Tàu ngầm lớp Kilo được đánh giá cao - d
Tàu ngầm lớp Kilo được đánh giá cao - Ảnh: Defenseimagery.mil

Nếu không có điều kiện tự nghiên cứu và phát triển thì cách tốt nhất là mua các khí tài đã có sẵn “đồ chơi” hiện đại và đang được ưa chuộng nhất hiện nay là máy bay săn ngầm P-3 Orion do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Thái Lan hiện có 3 chiếc, Singapore đã tỏ ý muốn mua từ lâu còn đầu tháng 4.2013, tạp chí Jane’s Defense Weekly  dẫn lời một lãnh đạo của Lockheed Martin tiết lộ chính phủ Mỹ đang thảo luận việc bán 6 chiếc P-3 Orion cho một quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp với Trung Quốc. Theo website Navy.mil của hải quân Mỹ, P-3 Orion các thế hệ mới nhất được trang bị nhiều loại thiết bị do thám, sonar, radar, định vị tối tân và cả kết nối vệ tinh để dò tìm và nhận diện được cả tàu ngầm hạt nhân tấn công lặn sâu. Tùy nhu cầu sử dụng, P-3 Orion còn được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân như tên lửa chống tàu chiến Harpoon, bom, thủy lôi, ngư lôi...

Nhật thì quyết định chơi “cây nhà lá vườn” với Kawasaki P-1 hiện đại ngang ngửa với P-8 Poseidon, loại máy bay săn ngầm lừng lẫy khác của Mỹ. Báo The Japan Times đưa tin Tokyo dự kiến trang bị 70 chiếc Kawasaki P-1 và đã nhận 2 chiếc đầu tiên hồi tháng 3. Ngoài ra, các loại trực thăng đa nhiệm có khả năng săn ngầm vượt trội như Super Lynx (và phiên bản nâng cấp AW159 Wildcat) của Anh hay SH-60 Seahawk của Mỹ cũng đang trong tầm ngắm của nhiều nước bao gồm Hàn Quốc và Malaysia, tạp chí Aviation Week dẫn một số nguồn tin cấp cao cho hay.

Trọng Kha

>> Việt Nam sẽ nhận chiến hạm săn ngầm Gepard vào năm 2016
>> Bàn giao Lữ đoàn Không quân 954 làm nhiệm vụ săn ngầm
>> Những tàu ngầm Kilo Việt Nam đặt mua có tên gì ?
>> Trung Quốc dùng tàu ngầm mini chống tàu sân bay ‘khủng’ của Nhật
>> Hàn Quốc hạ thủy tàu ngầm tấn công mới
>> Báo Ấn Độ: Nguyên nhân gây nổ tàu ngầm là do sự cố sạc pin
>> Nghi án Mỹ đánh chìm tàu ngầm Kursk của Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.