Tranh luận về quy định đặt tên dự án

27/09/2013 11:00 GMT+7

Dự thảo luật Nhà ở sửa đổi lần thứ 4 mà Bộ Xây dựng mới công bố có quy định, tên của dự án phát triển nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt và không được viết tắt.

Tranh luận về quy định đặt tên dự án

Nếu quy định được áp dụng, thời gian tới sẽ không còn dự án nào tại Việt Nam có thể lấy tên nước ngoài như thế này - Ảnh: Đình Sơn

Điều này đã vấp phải sự phản đối của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN).

Sợ lai căng văn hóa

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tổ phó tổ biên tập luật Nhà ở sửa đổi, cho hay đề xuất này xuất phát từ thực tế ở nước ta hiện nay có nhiều dự án tên nước ngoài gây phức tạp trong quản lý hành chính. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ thuận tiện hơn trong việc quản lý hộ khẩu, chứng minh thư, cư trú…

"Các nước ở gần ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đều dùng tên nước họ đặt cho các dự án bất động sản trên nước họ. Vậy thì tại sao dự án nhà ở trên nước mình, làm cho dân mình ở lại cứ dùng tên nước ngoài? Chưa kể, lỡ tên nước ngoài dịch ra có ý nghĩa bậy bạ, thậm chí là phản động thì sao?”, ông Khởi đặt vấn đề. Ông Khởi cho rằng, việc quy định đặt tên tiếng Việt này sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ đầu tư và khách hàng. Các chủ đầu tư nước ngoài khi làm dự án phát triển nhà ở cũng phải lấy tên dự án bằng tiếng Việt.

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng không đồng tình với việc dùng tên nước ngoài đặt cho các dự án nhà ở quá phổ biến như ở nước ta hiện nay khi nó gây rắc rối, khó nhớ cho người dân và có phần lai căng văn hóa. Chủ đầu tư có thể dùng ghi tên tiếng nước ngoài ở bên dưới tên tiếng Việt, ở nhiều nước trên thế giới cũng làm thế. Hoặc chọn cách ghi phiên âm tiếng Việt, ví dụ Việt Nam viết thành ViNa... Khi nhà đầu tư nước ngoài vào, cơ quan nhà nước nên khuyến khích dùng tên tiếng Việt, “nhập gia tùy tục”. “Tôi tin rằng, đến lúc nào đó trình độ người Việt được nâng lên, lòng tự tôn dân tộc cao sẽ tự ý thức dùng tên tiếng Việt để đặt tên dự án”, ông Liêm tâm sự.

Buộc thương hiệu toàn cầu đổi tên ?

 

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cũng cho rằng tên dự án là một trong những công cụ marketing quan trọng đối với nhà phát triển dự án. Nếu một dự án đặt tên không hay, không hấp dẫn có thể gây khó khăn cho DN. Ông này cho biết, ở nước ngoài chưa có các quy định tương tự nhằm hạn chế DN khi chọn tên cho dự án.

Đồng tình vậy, nhưng theo ông Liêm, không nên đưa quy định này vào luật Nhà ở vì không phù hợp, máy móc và không đúng chức năng của ngành xây dựng lại gây phiền nhiễu rắc rối cho DN. “Việc này nên là ngành văn hóa làm sẽ hợp hơn. Nhưng cũng không nên áp đặt, nâng lên thành luật quy định cứng nhắc mà chỉ nên là cuộc vận động, thuyết phục người Việt dùng tiếng Việt”, ông Liêm nêu ý kiến.

Là những người trực tiếp bỏ tiền làm dự án, giới DN đều nhận định nếu quy định trên được đưa vào luật sẽ gây khó khăn thêm cho thị trường đang lúc ngắc ngoải. TS Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phân tích Việt Nam đã hội nhập toàn cầu vào WTO, đến năm 2015 cũng sẽ hình thành một cộng đồng ASEAN. Nếu cấm như vậy là không ổn, ảnh hưởng đến chính sách hội nhập, quốc tế hóa mà Việt Nam đang theo đuổi. Bà Loan, cho rằng hiện thị trường bất động sản Việt Nam không chỉ có các DN trong nước mà còn có rất nhiều DN 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, liên kết với DN trong nước. Trong đó có những tập đoàn đa quốc gia, họ có những thương hiệu toàn cầu nên đâu thể bắt các nhà đầu tư qua đây phải dùng tiếng Việt để đặt tên cho dự án. Đơn cử như Tập đoàn GS của Hàn Quốc làm dự án ở Thảo Điền, Q.2, TP.HCM họ đã đặt tên dự án là GS Thảo Điền. Không những thế, một số tập đoàn đa quốc gia thường có các thương hiệu toàn cầu của họ, khi đi làm dự án ở nước nào họ cũng lấy tên đó.

“Các công ty đa quốc gia thường lấy tên đặt cho các dự án nhất là các dự án bất động sản du lịch, căn hộ dịch vụ… để thu hút các khách hàng nước ngoài. Ngoài ra đặt tên còn để marketing, để bán hàng chứ nó không chỉ là cái tên. Cấm như thế là không ổn”, bà Loan phản bác.

Cũng theo bà Loan, nhà nước không nên quản việc đặt tên mà nên tập trung vào quản chủ đầu tư làm dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, giá đầu ra tốt đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng hay không. Nên họ đặt tên sao cũng được, miễn đảm bảo kinh doanh đúng luật.

Một kiến trúc sư cũng cho rằng, quy định trên là can thiệp quá sâu vào chuyện làm ăn, kinh doanh của DN. Bởi lẽ, việc đặt tên dự án nhà ở nó cũng giống như đặt tên một sản phẩm tiêu dùng, liên quan đến câu chuyện kinh doanh, thương hiệu nên không thể áp đặt chuyện lai căng văn hóa trong việc đặt tên dự án theo tiếng nước ngoài. “Miễn sao dự án xây dựng không sai thiết kế, sai phép, làm đúng quy chuẩn và kiến trúc đẹp là được. Không nên quá khắt khe việc đặt tên dự án vì cái tên cũng không ảnh hưởng đến ai. Thậm chí quy định trên còn làm khó các DN, nhất là các DN nước ngoài, họ sẽ bỏ qua đầu tư các nước khác thuận lợi hơn, khi đó thị trường bất động sản đã khó càng thêm khó”, vị này nêu quan điểm.

Lê Quân - Đình Sơn

>> Quốc hội cho ý kiến lần cuối vào dự thảo Luật Nhà ở: Tạo thuận lợi tối đa cho dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.