Làm giám đốc tài chính cho con

03/09/2013 06:00 GMT+7

Ở quy mô của một gia đình nhỏ, mỗi bậc phụ huynh chính là một CFO (Chief Financial Officer - giám đốc tài chính) của gia đình. Để quản lý tốt tài chính và tạo dựng được một tương lai vững chắc cho trẻ, chúng ta cần làm tốt vai trò CFO - một nhiệm vụ không dễ đối với nhiều bậc phụ huynh.

Đầu tư cho con: không khéo sẽ hụt hơi

Quả thực chi phí cho trẻ luôn chiếm một phần không nhỏ trong tổng thu nhập gia đình. Tâm lý chung ai cũng muốn đầu tư cho con tốt nhất, thậm chí là hơi ráng sức so với khả năng tài chính của mình. Gia đình chị Thanh Thảo, ngụ ở Q.5, TP.HCM, thu nhập 16 triệu đồng/tháng. Chị có hai con nhỏ 8 và 4 tuổi. Chị cho biết hầu như gia đình chị không có dư kể từ khi sinh cháu thứ hai, vì chi phí nuôi con chiếm quá nửa thu nhập. Mỗi tháng, chi phí học hành của hai cháu tổng cộng hết 4,5 triệu đồng, tiền sữa và tiền ăn gần 6 triệu đồng, các khoản lặt vặt như: đồ chơi, quần áo, đưa trẻ đi ăn ngoài, vui chơi... khoảng 1 triệu đồng.

Còn gia đình anh Trung Văn ngụ ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM, thu nhập hơn 50 triệu đồng/tháng, hiện có một con nhưng cũng than rằng không dư dả. “Cháu học trường quốc tế, mỗi tháng bình quân hết 12 triệu đồng, số tiền này cứ tăng dần theo năm. Điều tôi lo lắng nhất là khoản tiền để cháu du học sau này”, anh Văn cho biết.

Từ kỳ vọng tạo dựng cho con một cuộc sống tốt đẹp, nhiều khi chúng ta đầu tư “vung tay quá trán”, không phù hợp với tình hình tài chính của mình. Chẳng hạn như gần đây báo chí nêu lên thực trạng có một làn sóng trẻ em từ trường quốc tế quay lại trường công, trong đó phần lớn là vì cha mẹ hụt bước trong vấn đề tài chính. Và cũng không ít gia đình ra sức gồng gánh hết 12 năm học cho con, nhưng đến khi trẻ vào đại học thì bắt đầu đuối sức. Có rất nhiều trường hợp cha mẹ không có khả năng chu cấp tiền học mà nhiều sinh viên tương lai lỡ dở. Những sinh viên tháo vát có thể tự trang trải cuộc sống song do dành quá nhiều sức lực và thời gian đi làm thêm nên kết quả học tập bị ảnh hưởng.

Làm giám đốc tài chính cho con
Cha mẹ hãy là giám đốc tài chính giỏi cho con - Ảnh: Shutterstock

Làm CFO cho con càng sớm càng tốt

Các chuyên gia tài chính chỉ ra rằng, để xây dựng cho con một nền tảng tương lai vững chắc, mỗi bậc phụ huynh nhất định cần kiêm cả vai trò CFO trong gia đình. Ngay từ khi em bé chào đời, thậm chí là trước đó, hai vợ chồng nên ngồi lại với nhau để tính toán ngân sách nuôi con trong cả thì hiện tại lẫn tương lai. Những câu hỏi cần đặt ra là: Mong ước của bạn về tương lai của con là gì? Bạn sẽ cho con ăn học trong nước hay đi du học? Mỗi năm tối đa bạn tích lũy được bao nhiêu? Bạn sẽ dành bao nhiêu trong số đó cho chuyện ăn học của con? Khoản tích lũy có đủ đáp ứng với mong muốn của bạn về tương lai trẻ? Liệu bạn có thể dành dụm thêm được nữa? Có khoản tiền nào khả dĩ làm “của để dành” cho con từ các khoản đầu tư?

Kế hoạch đầu tư cho con phải được tính toán dựa trên thực tế thu nhập của gia đình. Bạn cần đặt ra một mục tiêu tích lũy hết sức cụ thể bằng con số mỗi tháng. Cũng nên tự đánh giá tính hiệu quả phương pháp tích lũy của bạn cho tương lai trẻ. Số tiền tích lũy có được an toàn và ngày một sinh sôi nảy nở hay dễ dàng “bốc hơi” vì những biến cố nào đó hoặc vì thói quen tiêu xài khó kiểm soát.

Kim Snider, chuyên gia tài chính người Mỹ - tác giả cuốn sách How to be the family CFO - Làm sao để trở thành Giám đốc tài chính gia đình, đã đưa ra lời khuyên: ngoài việc đầu tư, tích lũy thì cần quản trị các rủi ro tài chính cho cá nhân người trụ cột và cả gia đình. Trong đó, việc mua bảo hiểm cho các thành viên vừa là một cách đầu tư, vừa là một biện pháp phòng ngừa rủi ro. Có rất nhiều sản phẩm bảo hiểm, song có lẽ thích hợp nhất, bạn nên chọn một loại hình bảo hiểm vừa có thể bảo vệ tài chính cho trẻ về sức khỏe đồng thời vừa đảm bảo một số tiền cần thiết cho tương lai khi trẻ vào đại học.

Với một gia đình thu nhập trung bình, bình quân mỗi tháng dành dụm 500.000 đến 1 triệu đồng cho việc học của con xem ra cũng không phải là một mục tiêu quá khó khăn. Hãy trở thành CFO cho con sớm nhất có thể, và phải có tầm nhìn xa, không chỉ chuyện đường sữa, quần áo lúc bé lọt lòng mà cho cả một chặng đường dài đến khi trẻ thực sự trưởng thành.

Khi tân sinh viên không dám nhập học

Trường hợp em Phan Thị Thu Thảo. Đỗ điểm cao vào ĐH Đà Nẵng nhưng Thảo không dám nhập học vì còn phải đi làm công nhân lấy tiền phụ mẹ nuôi ba chạy thận. Chuyện của Thảo đã gây xúc động sâu sắc trong cộng đồng, ĐH Đà Nẵng đã quyết định miễn học phí năm đầu cho Thảo.

Cộng đồng mạng cũng lan truyền câu chuyện của nam sinh chia sẻ trên trang Facebook. Cậu đã thi đỗ Trường ĐH Ngoại thương 27,5 điểm, nhưng nói dối với gia đình là mình thi trượt. Bạn trẻ này đã quyết định không sống ích kỷ lo cho bản thân, nghỉ học đi làm để em mình có cơ hội đi học...

Đâu đó ngoài cuộc sống còn có rất nhiều những câu chuyện cảm động về các bạn trẻ dang dở ước mơ chỉ vì hoàn cảnh gia đình. Quyết định đầy khó khăn này của con cái chắc chắn khiến cho các bậc làm cha mẹ vô cùng day dứt. Và đó cũng là những điều bất đắc dĩ, chẳng ai muốn điều đó xảy đến với con mình.

Hồng Dung
(tổng hợp)

Ý kiến:

Không nên lập kế hoạch vượt quá khả năng của bản thân

Tôi có hai cháu, bé trai 14 tuổi và bé gái 2 tuổi. Ngay khi con còn nhỏ, tôi đã có nhiều hoạch định và dự kiến tích lũy cho con đi học. Vợ chồng tôi là công chức, thu nhập ổn định, có nhà cho thuê, nhưng để có một tương lai tốt cho con, cũng cần phải hoạch định kế hoạch tài chính thật khéo léo để không rơi vào tình trạng đường dài “hụt hơi”. Mỗi năm, chúng tôi tích lũy số tiền cho thuê nhà để dành cho việc học của con; tôi nghĩ số tiền này đủ cho 2 con tôi học tập và sinh hoạt tốt tại Việt Nam. Theo tôi, khi lên kế hoạch cần phải xác định cả những rủi ro có thể xảy ra và khả năng học tập của con. Không nên lập kế hoạch vượt quá khả năng của bản thân bởi nếu cố sức, chúng ta không chỉ tạo áp lực cho mình mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến con cái.

Đoàn Xuân Hương
(Công ty CSC Việt Nam)

Quyết định mua bảo hiểm giáo dục cho con

Mong ước của tôi đơn giản chỉ là con học được hết phổ thông - bậc học cơ bản nhất, sau đó tùy theo năng lực và sở thích của con mà tôi sẽ định hướng tương lai cho con nên học lên đại học ngành gì hoặc nghề gì phù hợp với khả năng và mong muốn của con.

Hằng tháng tôi phân chia chi tiêu của gia đình theo từng bao thư: chi phí cố định và không cố định. Đối với chi phí cố định như tiền ăn, điện, nước, tiền học của con... tôi cố gắng chỉ sử dụng số tiền có trong bao thư. Khi số tiền chi tiêu vượt quá mức, tôi sẽ cân đối để sao cho chi phí trong tháng không bị vượt. Đối với chi phí không cố định như đám cưới, sinh nhật, giải trí... tôi dành riêng ra một khoản, nếu không sử dụng hết, sang tháng tôi sẽ cộng dồn và để dành chi tiêu trong các tháng kế tiếp. Chi tiêu cả gia đình tôi hiện chỉ chiếm khoảng 50% tổng thu nhập, phần còn lại để dành mua nhà và tiết kiệm cho con. Vì thế, mỗi năm tôi cũng tích lũy được một số tiền. Nhưng đối với tôi số tiền này vẫn quá nhỏ so với các rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống nên tôi quyết định mua bảo hiểm giáo dục cho con. Đây là khoản tiền nhất định con tôi sẽ có được khi cháu đến tuổi vào đại học cho dù có bất trắc gì xảy ra với cha mẹ, điều mà tiết kiệm thông thường không thể mang lại. Con tôi có thể học tiếp ngành con mong muốn hoặc theo đuổi một mơ ước nào đó của mình”.

Trần Lê Hải An
(Công ty Toyota Tsusho Việt Nam)

Kim Oanh (ghi)

Hồng Dung - Kim Oanh

Làm giám đốc tài chính cho con

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.