Chi tiêu 'vung tay quá trán'

26/09/2013 10:50 GMT+7

Dù Chính phủ luôn nhấn mạnh phải 'thắt lưng buộc bụng' từ đầu năm trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhưng báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy 8 tháng qua chi thường xuyên 'nuôi' bộ máy hành chính, chi lễ hội, mua sắm tài sản công… vẫn không ngừng tăng vọt.

Người dân chen nhau nộp thuế tại một Chi cục Thuế ở Hà Nội
Cán bộ biên chế nhà nước quá nhiều nhưng làm việc chưa hiệu quả (Trong ảnh: Người dân chen nhau nộp thuế tại một Chi cục Thuế ở Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ Tài chính ngán ngẩm

Theo chủ trương tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu đưa ra từ đầu năm khi ngân sách rơi vào khó khăn, trong chi thường xuyên các đơn vị phải rà soát để cắt giảm các khoản chi không cần thiết như: mua sắm trang thiết bị làm việc, ô tô; hạn chế tối đa việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành… Phấn đấu thực hiện tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã bố trí cho những nhiệm vụ chi này. Tuy nhiên, qua tổng kết 8 tháng, tình trạng chi tiêu “vung tay quá trán” vẫn diễn ra khiến cơ quan quản lý là Bộ Tài chính cũng phải ngán ngẩm. 

 

Đất nước đang kiệt quệ mà vẫn nghĩ chi tiêu như bình thường thì quả thật là tình trạng đáng báo động

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Số liệu công bố cho thấy, chi thường xuyên (chiếm tới 70% tổng chi ngân sách) 8 tháng lên tới 424.430 tỉ đồng, chiếm khoảng 65% so với dự toán đầu năm là 658.900 tỉ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận: “Chi tiêu thường xuyên không ngừng tăng, tăng quá nhanh. Tôi đã rà soát thời điểm hết quý 3, thì 3 năm trở lại đây năm nào cũng vượt dự toán khoảng 10%, từ mức 59 lên 69%”. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, với một quốc gia còn đang phải đi vay nợ để đầu tư, chi tiêu thì đây là nghịch lý đáng buồn, đặc biệt đặt trong bối cảnh chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cảng nhằm tăng nguồn thu GDP đang ngày càng giảm.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận trong chi thường xuyên còn nhiều bất cập, hạn chế, quản lý chi tiêu ngân sách cho hội họp, tiếp khách, công tác nước ngoài chưa được siết chặt lại. Nhất là các khoản chi cho hội nghị khoa học, hội thảo vượt định mức. Thậm chí, ông cũng nêu tại một số viện khoa học, lãnh đạo phải nói dối nhau, họp một cuộc nhưng ký duyệt thành 2, 3 cuộc nhằm đủ tiêu chuẩn để lấy tiền xe, tiền chi phí khác. Khi kiểm toán vào kiểm tra sổ sách cũng còn nể nang, vì “nói ra cũng dở, mà không nói ra cũng dở”. Dẫn con số 30% số công chức không làm việc hiệu quả, ông Dũng nói: “Chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy gần như không giảm được, nhưng ngân sách vẫn cứ phải chi, khiến tình hình càng khó khăn hơn”. 

“Hơn 10.000 xã lại đẻ ra hơn 10.000 cán bộ”

Trao đổi với PV Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng) bày tỏ mối quan ngại thực sự, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách đang giảm thu quá lớn. “Những người quản lý chi tiêu ngân sách vẫn chưa thấu hiểu được khó khăn của đất nước trong khi chính họ là người nắm giữ những quyết định. Ngân sách đang kiệt quệ mà vẫn chi tiêu như bình thường thì quả thật là tình trạng đáng báo động”, bà Lan đánh giá. 

Điều đáng phê phán hơn, theo bà Lan, dù chủ trương tiết kiệm được đưa ra từ đầu năm, nhưng lại không được thực hiện nghiêm túc triệt để. “Mấy năm nay năm nào cũng kêu gọi cắt giảm 10% chi thường xuyên, nhưng càng tuyên bố cắt lại càng tăng lên, chi tiêu vung tay quá lãng phí”, bà Lan nói. Cũng theo chuyên gia này, trong khi sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, công chức không làm việc hiệu quả chưa thể cắt giảm, thì số công chức mới lại có dấu hiệu tăng lên. “Những bộ máy không trực tiếp quản lý như hiệp hội thành lập quá nhiều, biên chế càng tăng lên. Hội Nông dân vừa rồi đại hội quyết định tăng cường cứ một xã có một cán bộ chuyên trách ăn lương nhà nước. Cả nước có hơn 10.000 xã lại đẻ ra hơn 10.000 cán bộ, vậy làm sao giảm được chi ngân sách”, bà Lan lo ngại.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), bức xúc khi nhiều trụ sở vẫn đang dùng được lại bị đập đi xây lại, cơ quan được xây mới thì hoành tráng, xa hoa to quá mức cần thiết. Nhiều viện nghiên cứu được đẻ ra nhưng không biết làm gì, trong khi những lĩnh vực thiết thực cần đầu tư như nghiên cứu cây, con, giống mới cho nông dân; chi cho quy hoạch phát triển đô thị, giao thông lại không thấy. “Nhiều nước họ nhiều tiền cũng không đầu tư trung tâm vũ trụ hàng trăm triệu USD như mình. Họ để dành tiền chi cho quy hoạch đô thị, giao thông vì họ biết rằng chỉ cần quy hoạch sai sau sửa lại cũng mất cả tỉ USD chứ không ít”, ông Hải cho biết.

Khoán chi, gắn trách nhiệm người đứng đầu

Theo ông Hải, điều quan trọng là phải gắn trách nhiệm người ra quyết định chi tiêu. Chuyên gia Phạm Chi Lan đồng tình: “Theo tôi trong lúc nước sôi lửa bỏng này thì phải khoán chi cho từng bộ, ngành đơn vị. Cùng với đó gắn với trách nhiệm người đứng đầu, cho ông tự chủ tự chịu trách nhiệm, như vậy chắc chắn kỷ luật chi tiêu sẽ được siết chặt”.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết từ nay đến cuối năm các bộ ngành, địa phương phải tiếp tục cắt giảm 10% chi tiêu thường xuyên, số tiền này sẽ được cân đối trở lại nguồn thu ngân sách. Qua năm 2014 do tình hình ngân sách dự báo còn khó hơn năm nay nên ngoài 10% chi thường xuyên đã cắt giảm như mọi năm, Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội cắt thêm 10% nữa, trừ phần chi cho cải cách tiền lương. “Có thể đề xuất Quốc hội ngay kỳ họp tới, năm sau khoán chi hành chính, với số tiền cụ thể đó anh phải hoàn thành nhiệm vụ vì tình hình khó khăn quá rồi thì thu được đến đâu chi đến đó, khó phải co lại. Chi thường xuyên giao cho người đứng đầu cấp bộ, cấp tỉnh kèm theo quy chế, tiêu chuẩn định mức”, ông Dũng nói.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, ngay cả với chương trình mục tiêu quốc gia, năm tới cũng đề xuất cắt giảm 50%, chỉ tập trung làm các chương trình trọng yếu như nông thôn mới, giảm nghèo, và các chương trình đã cam kết với nhà tài trợ quốc tế.

Mua sắm ô tô, tài sản hơn 1.000 tỉ đồng

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, qua kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định của 16.200 lượt đơn vị. Qua đó, từ chối chưa thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định với số tiền khoảng 663 tỉ đồng. Thanh tra các bộ, ngành triển khai 1.353 cuộc trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 1.290 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm. Trong lĩnh vực quản lý dự án đầu tư xây dựng, thanh tra cũng kiến nghị xử lý vi phạm khoảng 234 tỉ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi 89 tỉ đồng, kiến nghị xử lý 90 tập thể, 136 cá nhân vi phạm.

Bên cạnh đó, các đơn vị, bộ ngành vẫn mua sắm mới ô tô, tài sản khác trị giá hơn 1.000 tỉ đồng. Cụ thể các bộ, ngành, địa phương trong cả nước mua mới 168 ô tô với nguyên giá 219,3 tỉ đồng;  mua mới các loại tài sản khác 982 tỉ đồng. 

Anh Vũ - Hương Giang

>> Lo ngại bội chi ngân sách
>> Chi ngân sách nhà nước đạt hơn 450.000 tỉ đồng
>> Bội chi ngân sách nhà nước 12.000 tỉ đồng
>> Thấy gì từ bội chi ngân sách?
>> Chi tiêu "quá tay" làm tăng gánh nặng viện phí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.