Lạm dụng công nghệ trong giao tiếp - Kỳ 2: Chới với trong đời sống thực

03/08/2013 03:00 GMT+7

Không thể cấm sử dụng mạng xã hội hay máy tính bảng... nhưng các bạn trẻ có thể tìm niềm vui từ những hoạt động khác trong cuộc sống thực để tránh những hậu quả nghiêm trọng khi quá lệ thuộc vào thế giới ảo.

>> Lạm dụng công nghệ trong giao tiếp

Như người lạ trong nhà

Tình trạng người trong một nhà khó trò chuyện trực tiếp với nhau nhưng lại bày tỏ “ầm ầm” trên mạng là chuyện khá phổ biến hiện nay.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, đảm trách Phòng Tham vấn học đường thuộc Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM, cho biết một số phụ huynh thường than phiền con em mình suốt ngày cắm đầu vào máy tính, có xu hướng sống tách biệt với người thân. Trong đó, có trường hợp một nữ sinh học lớp 11 đã có người yêu nhưng không cho bố mẹ hay mà lên mạng xã hội trút tâm sự. Đến khi người dì tình cờ lướt web, mới hay được câu chuyện tình của đứa cháu mình, dù trước đó thiên hạ đã tỏ tường. Có trường hợp một học sinh nam lớp 10 không muốn giao tiếp với ai, kể cả với cha mẹ mình. Cậu thường xuyên làm bạn với máy tính. Càng ngày, cậu càng cảm thấy ngần ngại, khó khăn khi trò chuyện trực tiếp với người khác trong khi đó lại bày tỏ cảm xúc khá thoải mái với bạn bè thông qua internet.

 Nhiều bạn trẻ không thoải mái khi tiếp xúc với cuộc sống thật do quá lệ thuộc vào thế giới ảo - d
Nhiều bạn trẻ không thoải mái khi tiếp xúc với cuộc sống thật do quá lệ thuộc vào thế giới ảo
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Long nhận xét: “Chính sự thiếu quan tâm của người lớn đã đẩy trẻ vào sự chọn lựa như vậy. Cha mẹ bận rộn làm ăn, không có thời gian nói chuyện với trẻ, không có sự tương tác, bỏ lơ hoặc đe nẹt con... khiến nhiều đứa trẻ chỉ biết giải tỏa cảm xúc trên mạng”.

Không ít bà mẹ, ông bố sử dụng những thiết bị công nghệ, nhất là máy tính bảng như là công cụ hữu hiệu “giữ chân” con trẻ, để mình rảnh tay làm việc. Dẫu biết rằng việc cho con trẻ xem ti vi, sử dụng máy vi tính nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, song chị Nguyễn Thị Liễu (P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn thường làm, với lời giải thích: “Chúng tôi không có thời gian chơi với con. Nhiều hôm mới sáng mở mắt ra, tôi phải bật ti vi cho đứa nhỏ xem phim hoạt hình, còn đứa lớn thì giao cho nó cái iPad chơi game. Nhờ vậy, mới có thời gian làm công chuyện của mình”.

Mất khả năng hòa nhập

Lần đầu tiên tham gia một khóa kỹ năng hè, Hoàng Minh (học sinh lớp 10, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) có vẻ lớ ngớ và khó khăn khi hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa. Do thường xuyên sống với thế giới ảo và ít giao tiếp ngoài đời thực, Minh có những cử chỉ rất lịch sự mà cũng rất xa lạ. Chẳng hạn, khi mời ai đó uống nước, Minh dâng ly nước xong chắp tay lùi từ từ một cách kính cẩn, y hệt trong những bộ phim của Trung Quốc. Hỏi ra, mới biết gia đình Hoàng Minh sợ em ra ngoài đời hư hỏng nên mua máy vi tính xịn, bảo em ở trong nhà suốt. Mùa hè, Minh xin đi học võ, đi bơi cũng không được. Cậu bé không biết làm gì cho hết thời gian rảnh ngoài việc “vọc” máy tính, chơi game hoặc xem phim.

Theo anh Phan Thành Hổ, phụ trách các chương trình huấn luyện kỹ năng sống Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, hiện có những đứa trẻ phát triển không toàn diện, yếu ớt về thể chất lẫn tinh thần dù các em có cuộc sống đủ đầy. Biểu hiện của các em này là có vẻ ngoan hiền, chỉn chu nhưng dường như đang ở một thế giới nào khác. Anh Hổ nhận xét: “Khi bước ra ngoài đời thực, những em này chới với, chông chênh bởi thấy khác với những gì đã học, đã nghĩ và tự vun đắp giá trị bản thân bên chiếc máy tính”.

Ảnh hưởng đến sức khỏe, mất định hướng

Thạc sĩ tâm lý - xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính, cơ sở TP.HCM, cảnh báo: “Trẻ lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ số có rất nhiều hệ quả xấu”. Bà dẫn chứng, dễ thấy nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe như mắt sẽ cận sớm, tai sẽ kém khả năng nghe, cơ thể lười vận động, ăn nhiều (vừa xem vừa ăn vặt) hoặc ăn ít (mải chơi quên ăn, quên ngủ). Trẻ bị ám ảnh bởi những điều hấp dẫn trên các thiết bị sẽ dễ chán bài học trên lớp, giảm sự sáng tạo, lười suy nghĩ. Một hậu quả nữa là trẻ kém giao tiếp trực tiếp nên khả năng giao tiếp bị giảm sút, không biết nói chuyện, giải quyết các tình huống giao tiếp thông thường. Khi đi ra đám đông trẻ thường thụ động, nhút nhát, dần dần kém tự tin. Hơn nữa, trẻ sống quá lâu trong thế giới ảo, quên đi các mối quan hệ thường ngày và cuộc sống thực tại, ít tương tác ngay cả với ông bà, cha mẹ. Từ đó, xa rời cuộc sống, mất định hướng, mất niềm vui hòa đồng với mọi người.

Ông Lê Văn Sâm, giáo viên tiểu học tại H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng tình khi cho rằng trẻ em tiếp xúc quá sớm và quá lâu với những thiết bị nghe nhìn sẽ để lại hậu quả lâu dài. “Hiện nay tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về mắt khá cao, đó là do tác động từ ti vi, điện thoại thông minh, máy tính bảng... Mắt trẻ nhỏ chưa ổn định, trong khi hình ảnh, độ sáng trên ti vi biến động rất nhanh làm mắt trẻ phải điều tiết liên tục, dẫn đến các bệnh về mắt”, ông Sâm nhận xét.

Dành thời gian hoạt động ngoài trời

“Cha mẹ cần nhận ra tác hại của công nghệ số để tránh không cho con lạm dụng nó. Dành thời gian cho trẻ chơi, hoạt động ngoài trời, tương tác với cha mẹ, bạn bè, vật nuôi, thiên nhiên... sẽ giúp con phát triển lành mạnh cả thể chất và tinh thần. Tốt nhất nên chia ra mỗi lần xem khoảng 30 phút mà thôi. Sau đó cho mắt nghỉ, chuyển sang hoạt động khác”.

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy
(Giảng viên Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM)

Hướng dẫn trẻ sử dụng thiết bị hợp lý

“Cha mẹ nên lấy những hoạt động khác bù vào, để trẻ giết đi thời gian dùng những thiết bị công nghệ. Đặc biệt, thay vì cấm đoán, chúng ta nên hướng dẫn cho trẻ kỹ thuật sử dụng công nghệ và nhất là nhận thức, ý thức sử dụng một cách hợp lý”.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long
(Giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM)

Như Lịch - Lê Thanh

>> Có nên cấm học sinh sử dụng mạng xã hội ?
>> Bùng nổ trò chơi trên mạng xã hội
>> Dân Mexico dùng mạng xã hội để tố giác tội phạm ma túy
>> Xúc phạm người khác trên mạng xã hội
>> Giao tiếp trong kinh doanh
>> Giúp trẻ tự kỷ giao tiếp
>> Giao tiếp nơi công sở
>> Kỹ năng giao tiếp
>> Giao tiếp trong mua sắm
>> Giao tiếp với người khác giới
>> Học giao tiếp qua đôi bàn tay
>> Học ngoại ngữ nhưng không giao tiếp được

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.