Những ý tưởng trẻ táo bạo và khả thi

29/12/2005 22:20 GMT+7

Không phải là ứng cử viên nặng ký nhất, song cả hai ý tưởng "Cải tạo các cầu đường sắt bắc qua khu phố cổ Hà Nội" và "Nhà thuốc thanh niên" đã bứt phá giành ngôi nhất, nhì tại vòng chung kết cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo vì sự phát triển thủ đô năm 2005" diễn ra tối 27/12. Theo đánh giá của Ban giám khảo, đây là hai ý tưởng khá táo bạo, vừa thiết thực lại có tính khả thi cao, nếu đưa vào ứng dụng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Làm mới những cây cầu 100 tuổi

Với người Hà Nội, những cây cầu đường sắt bắc qua khu phố cổ đã trở thành hình ảnh quen thuộc và là nét đặc trưng riêng của phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, theo thời gian, sự xuống cấp về cơ sở vật chất và tốc độ đô thị hóa đã phát sinh nhiều bất cập đối với đô thị trong quá trình phát triển. Mong muốn gìn giữ cây cầu như những chứng nhân lịch sử và mang lại môi trường sống tốt hơn cho các khu dân cư sống gần cây cầu, 7 sinh viên ĐH Xây dựng đã đưa ra ý tưởng cải tạo 5 cây cầu đường sắt bắc qua các phố Phùng Hưng, Hàng Cót, Hàng Giấy, Trần Nhật Duật. Dường như đã "gãi" đúng chỗ bức xúc nhất hiện nay trong quản lý đô thị của Hà Nội, ý tưởng này đã nhận được những cái gật đầu tán thưởng từ phía Ban giám khảo.

Đại diện cho nhóm, Lê Trọng Hiếu cho biết: "Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy những cây cầu này không những gây ô nhiễm tiếng ồn, cản trở giao thông mà còn làm xấu cảnh quan đô thị. Nếu phá bỏ đi, xây mới sẽ rất tốn kém. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn đưa ra hai giải pháp là xây dựng mái vòm giảm âm và xây dựng kết cấu giàn thép, sử dụng các tấm chắn bằng kính hữu cơ cách âm". Theo tính toán của các kỹ sư xây dựng tương lai, đưa công nghệ mới như: bê tông cách âm, bê tông hút ẩm, kính hữu cơ... vào xây dựng sẽ làm giảm tiếng ồn đi một nửa. Người dân xung quanh những cây cầu này sẽ không còn bị ám ảnh nỗi lo mất ngủ, căng thẳng thần kinh, nặng tai... Thêm vào đó, chi phí đầu tư sửa sang mỗi cây cầu này khá "mềm", khoảng 400 triệu đồng, thi công chỉ mất tối đa 3 tháng và hoàn toàn không gây cản trở giao thông nên có thể ứng dụng ngay. Nguyễn Thị Thanh Hương, một thành viên khác của nhóm khẳng định: "Dự án của chúng tôi ngoài tính khả thi chống ồn đáp ứng nhu cầu bức xúc hiện tại, các cây cầu khi được sửa chữa lại sẽ là điểm nhấn cho khu phố cổ. Trong tương lai, khi tuyến đường sắt không được đưa vào sử dụng nữa, những cây cầu này kết hợp với khu phố đi bộ sẽ được sử dụng như một điểm du lịch của người dân thành phố cũng như khách nước ngoài". Còn Nguyễn Hoàng Tùng, thành viên trong nhóm lại nói: "Bảo tồn và giữ gìn những cây cầu 100 tuổi là tình cảm cũng như tâm huyết của thế hệ trẻ với thủ đô. Công trình này nếu được đầu tư sẽ góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa vật thể nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội".

Nhà thuốc thanh niên tư vấn HIV/AIDS

Mặc dù giành giải nhì cuộc thi nhưng với Trịnh Đặng Thuận Thảo - sinh viên Trường ĐH Dược, niềm vui như được nhân đôi bởi trước đó ý tưởng "Nhà thuốc thanh niên" đã được Công ty Dược Khoa và Công ty CP dược phẩm Traphaco đồng ý bỏ vốn đầu tư. Thảo sung sướng thốt lên: "Mình không ngờ dự án của mình lại trở thành hiện thực nhanh đến vậy. Tham dự cuộc thi, mình chỉ nghĩ đến đây để học hỏi là chính bởi các ý tưởng vào chung kết đều hội tụ sức mạnh của tập thể". So với 4 ý tưởng còn lại, ý tưởng mà Thảo đề xuất ngoài phản ánh vấn đề thời sự nóng bỏng, còn mang một ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Nhiều bạn trong nhóm của Thảo cho rằng, tại Việt Nam, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đang ngày một lan rộng, trong khi chưa có một vắc-xin hay thuốc điều trị hữu hiệu thì việc phát triển hệ thống tư vấn được coi là hướng đi quan trọng góp phần vào phòng chống HIV/AIDS hiện nay. Tuy nhiên, các trung tâm tư vấn hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí của các tổ chức xã hội. Nguồn kinh phí này thường không nhiều và ít ổn định, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức các hoạt động tư vấn HIV/AIDS cho cộng đồng. Thảo tự tin: "Chúng mình đưa ra giải pháp “Nhà thuốc thanh niên” để tạo ra nguồn kinh phí thường xuyên, lâu dài "nuôi" trung tâm. Đây cũng là điểm khác biệt với các nhà thuốc thông thường".

Mục tiêu của nhà thuốc mà nhóm bạn này đưa ra là nâng cao hiểu biết của người dân về HIV/AIDS; tư vấn cách phòng lây nhiễm và cách sử dụng thuốc an toàn hợp lý; liên kết các phòng tư vấn thành một hệ thống để hoạt động hiệu quả và mở rộng quy mô... Hệ thống “Nhà thuốc thanh niên” được thành lập bởi các dược sĩ trẻ, có đội ngũ nhân viên là những thanh niên tâm huyết với những hoạt động vì cộng đồng. Với những sinh viên ngành dược, “Nhà thuốc thanh niên” sẽ là cơ hội để sinh viên dược có điều kiện tiếp xúc thực tế, tích lũy kinh nghiệm tại các nhà thuốc trước khi ra trường. Bên cạnh đó, nhà thuốc còn giúp sinh viên có việc làm thêm ổn định. Thảo cho biết, trong vòng 10-15 năm, mỗi tỉnh thành trong cả nước sẽ có ít nhất một nhà thuốc thanh niên.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.