"Khói bụi" vẫn bao trùm sự kiện 11/9

10/09/2005 18:49 GMT+7

Ngày này (11/9) năm 2001, cả thế giới chấn động trước đòn tấn công bạo tàn của chủ nghĩa khủng bố vào giữa lòng nước Mỹ. Đã 4 năm trôi qua, một bức màn bí ẩn vẫn còn bao trùm lên sự kiện này.

Bi kịch đã được biết trước

Khi 2 chiếc máy bay dân dụng đâm vào tòa tháp đôi sừng sững giữa lòng New York và tiếp theo là vụ tấn công vào Lầu năm góc 4 năm về trước, cả thế giới hết sức bàng hoàng. Nhiều người cho rằng việc tránh cú đấm quá bất ngờ của chủ nghĩa khủng bố này là nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, theo những tài liệu được công bố rải rác sau năm 2001 thì đòn tấn công của al-Qaeda không “quá bất ngờ” như người ta nghĩ. Nước Mỹ - hay nói đúng hơn là một bộ phận hữu trách trong chính quyền Washington - đã có thông tin trước về vụ tấn công này.

Sau sự kiện kinh hoàng mang tên 11/9, công tố viên trưởng David Schippers - người phụ trách tìm hiểu lời tố cáo của Cựu Tổng thống Bill Clinton về phản ứng trước âm mưu khủng bố - khẳng định rằng Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã biết  âm mưu tấn công này. Theo Schippers, một số nhân viên FBI đã cung cấp cho ông thông tin rằng Cục điều tra đã nhận được “kịch bản” của tấn bi kịch 6 tuần trước khi nó thực sự xảy đến. Khái niệm “biết trước” ở đây bao gồm: thời điểm và mục tiêu của các vụ khủng bố. Schippers còn nói rằng các nhân viên FBI đã cung cấp thông tin cho ông vì họ bị thượng cấp buộc phải ngưng điều tra. Nếu tiết lộ thông tin này ra bên ngoài, họ có thể bị truy tố. Dù khá nghi ngờ trước những gì mình nghe thấy, Schippers vẫn thông báo vấn đề với Tổng chưởng lý John Ashcroft nhưng ông này liên tục từ chối trả lời.

Mohammed Atta, kẻ chỉ huy chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp đôi. Ảnh: FBI

Trong bài viết “Chúng ta đã biết trước bi kịch?” được công bố trên báo điện tử The New American, William Norman một lần nữa khẳng định phát hiện của Schippers, tác giả viết rằng “những thông tin mà ngài công tố cung cấp được biết đến rộng rãi trong nội bộ FBI trước sự kiện 11/9”. Cuốn “Những vấn đề của tình báo” (Random House Publishing Group xuất bản năm 2004) của tác giả là Thượng nghị sĩ Bob Graham cũng đã tiết lộ một chi tiết sửng sốt rằng, kể từ ngày 26/7/2001, Tổng chưởng lý John Ashcroft đã ngừng việc đi lại bằng máy bay thương mại sau khi nhận được thông tin cảnh báo từ FBI. Cũng trong cuốn sách trên, ông Graham khẳng định FBI từng biết đến 2 trong số những tên không tặc thực hiện vụ tấn công 11/9 trước khi vụ khủng bố xảy ra. Sau đó, FBI đã không trình bày sự việc này lên một ủy ban của lưỡng viện phụ trách điều tra vụ 11/9.

Bổ sung vào chi tiết “đã được biết trước”, Hạ nghị sĩ Curt Weldon cũng quả quyết rằng một đơn vị tình báo Mỹ có mật danh là “Able Danger” từng cho rằng Mohamed Atta al-Sayed cùng 3 tên không tặc khác của vụ 11/9 “có thể là thành viên của chi nhánh al-Qaeda tại Mỹ”. Đơn vị này sau đó đề nghị gửi thông tin trên tới FBI nhưng Bộ tư lệnh lực lượng đặc nhiệm của quân đội đã khước từ đề nghị này (theo New York Times, 9/8/2005). Đầu tháng này, kênh tin tức MSNBC của Mỹ cho biết một số quan chức Lầu Năm góc nói họ đã phát hiện thêm 3 nhân vật có thông tin rằng 1 năm trước khi vụ 11/9 xảy ra, cơ quan tình báo đã biết Mohammed Atta al-Sayed là một kẻ khủng bố. Atta chính là kẻ bị FBI cáo buộc đã trực tiếp điều khiển chiếc máy bay thứ nhất đâm vào tòa tháp đôi ở New York ngày 11/9/2001.

Hệ thống phòng thủ biến mất

Sau ngày 11/9/2001, một câu hỏi được đặt ra: “Hệ thống phòng thủ của Mỹ đã biến đâu mất trong sự kiện đẫm máu này?”. Chiếc máy bay thứ nhất đâm vào Trung tâm thương mại thế giới ở New York là vào lúc 12 giờ 46 phút 40 (GMT), phải đến 13 giờ 37 phút 46 thì chiếc thứ ba mới đâm vào Lầu năm góc. Khoảng cách giữa 2 pha tấn công là gần 1 tiếng đồng hồ. Trong khoảng thời gian bao la đó, làm sao một chiếc máy bay dân sự có thể lừng lững tiến vào vùng trời đầy “nhạy cảm” phía trên cơ quan đầu não của quân đội Mỹ, nơi có hệ thống rađa không ngừng quét ngang quét dọc và các bệ phóng tên lửa luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Lầu năm góc cũng ở rất gần căn cứ không quân Andrews, vậy mà không có lấy một chiến đấu cơ nào bốc lên để đánh chặn.

Sau sự kiện 11/9, quân đội Mỹ đã đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau. Ban đầu, họ nói rằng không một máy bay chiến đấu nào cất cánh để đánh chặn trước khi Lầu năm góc bị tấn công. Sau đó 1 tuần, quân đội lại nói rằng họ có huy động máy bay đánh chặn nhưng do Cơ quan quản lý hàng không (FAA) quá chậm trong việc thông báo máy bay bị không tặc nên máy bay chiến đấu mới tới quá trễ. Ủy ban điều tra vụ 11/9 sau đó cung cấp một “phiên bản” giải thích khác, rằng FAA đã gửi lời cảnh báo không đầy đủ về trường hợp chiếc máy bay thứ nhất bị không tặc và sau đó không cảnh báo về những chiếc máy bay còn lại cho đến khi chúng đâm sầm vào mục tiêu. Nói chung là có rất nhiều “truyền thuyết” khác nhau về phản ứng chậm trễ của nước Mỹ. Trước đây, nhiều người có chung nhận xét rằng: việc dùng máy bay dân sự để “đánh bom tự sát” nằm ngoài sự tưởng tượng của mọi người, kể cả các quan chức Lầu năm góc, dẫn đến phản ứng bị động nói trên. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban điều tra vụ 11/9 của Hạ viện (công bố ngày 24/7/2003), trước ngày 11/9/2001, các quan chức tình báo Mỹ đã nhận được thông tin rằng các tổ chức khủng bố từng âm mưu sử dụng máy bay dân sự làm vũ khí ít nhất 12 lần. Căn cứ vào những tiết lộ này thì có thể thấy rằng người Mỹ không quá bất ngờ trước một màn kịch khủng bố kiểu 11/9, thế nên những phản ứng quá lúng túng của họ trở nên khó hiểu hơn bao giờ hết.

Camera an ninh ghi lại hình ảnh Mohammed Atta (áo xanh) làm thủ tục lên máy bay sáng 11/9/2001

Sự chậm trễ trong việc xúc tiến điều tra cũng là một điều khó hiểu nữa. Trước đây, vụ Trân Châu Cảng bị tấn công hoặc vụ Tổng thống J.F.Kennedy bị ám sát đều được khởi động điều tra chỉ sau chưa đầy 10 ngày. Tuy nhiên, phải 411 ngày sau sự kiện 11/9/2001 thì cuộc điều tra chính thức mới khởi động. Sự chậm trễ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự lưỡng lự của chính phủ. Phó Tổng thống Dick Cheney từng thẳng thắn phản đối việc mở cuộc điều tra đối với vụ 11/9, ông cho rằng một cuộc điều tra như vậy chỉ làm tốn tiền và nhân lực vốn lẽ ra được dành cho cuộc chiến chống khủng bố. Theo các tài liệu đã được công bố, Ủy ban điều tra được cấp ngân sách ban đầu là 3 triệu USD và sau đó đề nghị thêm 11 triệu để hoàn tất nhiệm vụ đúng hẹn. Ngân sách điều tra khá lớn, nhưng đối với một sự kiện nghiêm trọng như vụ 11/9 thì khoản tiền đó cũng không có gì quá đáng cả, thậm chí còn có thể nói là hơi thấp. Nếu so sánh, chúng ta sẽ thấy ngân sách điều tra vụ 11/9 thấp hơn nhiều so với vụ điều tra tai nạn tàu không gian Columbia năm 2003 (50 triệu USD).

Sự kiện 11/9/2001 mãi mãi là một dấu ấn đen tối nhất mà chủ nghĩa khủng bố gây ra, không chỉ đối với riêng nước Mỹ mà đối với cả loài người. Và đã 4 năm trôi qua, những bí ẩn vẫn còn bao trùm. Không ai có thể hiểu được vì sao bi kịch lại xảy ra và vì sao người ta không thể phản ứng một cách chủ động trước khi nó ập đến mà chỉ biết rằng, gần 3.000 người đã biến thành cát bụi trong những khoảnh khắc rùng rợn đó.

Đỗ Hùng
(New York Times, The New American)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.