Đầu tư vào các đội eSports chuyên nghiệp - mô hình tiềm năng cho eSports tại Việt Nam

04/03/2021 07:00 GMT+7

eSports ngày càng trở nên phổ biến khắp thế giới, khi các câu lạc bộ như AC Milan, Barcelona và các cầu thủ nổi tiếng như David Beckham cũng đầu tư vào các đội eSports chuyên nghiệp.

eSports ngày càng trở nên phổ biến khắp thế giới, khi các câu lạc bộ như AC Milan, Barcelona và các cầu thủ nổi tiếng như David Beckham cũng đầu tư vào các đội eSports chuyên nghiệp. Tại Việt Nam cũng đang có xu hướng đầu tư tương tự và họ cũng đã bước đầu đạt được những thành tích nhất định với những cái tên nổi trội như: Box Gaming, Team Flash, HEAVY...

Cơ duyên đầu tư vào eSports

Trao đổi với Báo Thanh Niên, đa phần xuất phát từ niềm đam mê đối với game, quyết định đầu tư vào eSports là cơ duyên đối với một số nhà đầu tư của các đội eSports chuyên nghiệp tại Việt Nam. Như Mai Phước Trường, đại diện pháp luật của team V Gaming cho biết: “Vốn xuất thân từ một người học chuyên ngành IT nên sau khi làm qua 2 công ty về game thì mình đã quyết định đầu tư một đội đội eSports chuyên nghiệp cho riêng mình”. Hay trường hợp của Phan Hà Anh, CEO của đội HEAVY thì tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, trong quá trình làm việc với vai trò tổ chức giải đấu eSports đã “bén duyên” với nghề từ lúc nào không hay.
Cá biệt có lẽ là trường hợp của ông Mark Chew, đại diện pháp luật của Team Flash tại Việt Nam. Vốn có thâm niên trong nghề truyền thông cho thể thao, ông nhận thấy tiềm năng eSports tại Việt Nam là rất lớn nên đã quyết định đầu tư.

Mô hình hoạt động chuyên nghiệp

Hầu như các đội đều có tổ chức hoạt động bài bản tương tự như một công ty các ban theo từng chức năng cụ thể như tiếp thị, hành chính, nhân sự, kế toán v.v… Các tuyển thủ eSports tại các đội chuyên nghiệp là lao động làm việc toàn thời gian theo đó sẽ có mức lương cố định và được chia sẻ thu nhập từ các nguồn khác như quảng cáo, tiền giải thưởng v.v…
Nói về mô hình hoạt động của V Gaming, Mai Phước Trường cho biết: “Em có tham khảo mô hình phát ở một số nước có nền eSports phát triển như Trung Quốc và Hàn Quốc để xây dựng mô hình phù hợp với thị trường Việt Nam. Tính đến hết tháng 2 này về mảng eSports thì công ty đã hoạt động được 1 năm, mục tiêu trước mắt của team là phải trở thành 1 tổ chức eSports đạt chuẩn quốc tế từ nhân sự quản lý đến tuyển thủ như các tổ chức Châu Âu”.
Box Gaming được thành lập từ một bộ phận của Box Studio từ 2018. Đến 17.1.2020 đã tách ra thành lập công ty độc lập với tên gọi Box Sports. “Trong năm 2021, chúng tôi dự định tập trung vào các bộ môn mũi nhọn và tập trung xây dựng hình ảnh, truyền thông cho tuyển thủ”, ông Bùi Bá Hiến, CEO của Box Gaming cho hay.
Khác với các đồng nghiệp tại Việt Nam, vốn có kinh nghiệm và đã hoạt động ở nước ngoài nên Team Flash áp dụng mô hình thành công tại Singapore, và Indonesia. Sau thị trường Việt Nam họ sẽ lấn sân sang thị trường Thái Lan.
Nhìn chung tuổi đời các công ty đầu tư vào các đội eSports chuyên nghiệp đa phần rơi vào khoảng dưới 3 năm, mỗi công ty có thể tổ chức một vài đội thi đấu cho những tựa game chuyên biệt như Liên Quân Mobile, Free Fire, PUBG mobile, PESLMHT: Tốc Chiến.
Mặc dù có những thuận lợi như cộng đồng eSports tại Việt Nam đông đảo dễ tiếp cận trong việc quảng bá thương hiệu, và thị trường rất mới mẻ nên khả năng đầu tư nhanh để đứng đầu thị trường là rất cao, tuy nhiên vẫn có những khó khăn nhất định. Theo đại diện của B2F Gaming chia sẻ: “Khó khăn nằm ở việc eSports là mảng hoạt động khá mới, do đó hầu hết nhân sự chưa có kinh nghiệm vận hành, đồng thời vốn đầu tư ban đầu khá cao”. Còn Theo V Gaming khó khăn thực sự nằm ở vấn đề con người cụ thể là các tuyển thủ chuyên nghiệp đa phần trẻ tuổi nên cần được rèn luyện tuân thủ nội quy của đội, đồng thời một số khó khăn khác thuộc về yếu tố tay nghề non trẻ các bạn chưa biết phát triển sáng tạo nội dung nên việc kêu gọi nhà tài trợ cũng không hề dễ dàng.

Tiến đến một nền eSports bền vững

Theo đại diện của B2F Gaming cho biết: “Để phát triển bền vững các đội cần thi đấu minh bạch cống hiến, phát triển thương hiệu từng team, quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn đến cộng đồng và giao lưu kết nối với người hâm mộ nhiều hơn”. Thành lập từ 2018, Saigon Phantom có nhiều kinh nghiệm thi đấu cho rằng tổ chức esport thành công cần yếu tố chính là thành tích của đội và sự phổ biến của tựa game mà họ thi đấu.
Quan điểm của V Gaming thiên về các yếu tố làm việc nhóm và các chiến thuật thi đấu cũng như công tác ổn định tâm lý cho tuyển thủ, đồng thời yếu tố quan trọng các nhà đầu tư cần xem xét khi cân nhắc đầu tư vào các đội eSports chuyên nghiệp chính là khả năng sáng tạo nội dung vì có thể đội không giành chiến thắng tại giải đấu thì vẫn có thể kêu gọi được tài trợ.
Dày dặn kinh nghiệm ở nhiều quốc gia, Team Flash cho rằng ngoài thành tích và sự sáng tạo về nội dung của đội, yếu tố thành công cần phải kể đến sự ủng hộ của các kênh truyền thông chính thống và sự phổ biến của eSports ngoài xã hội. Theo ông Mark Chew cho biết: “Yếu tố quan trọng để đầu tư vào một đội nằm ở đội ngũ những người quản lý bao gồm kiến thức về ngành eSports và kế hoạch tìm kiếm lợi nhuận”.
Box Gaming còn bổ sung: “Ngoài thành tích riêng thì các đội tuyển nên liên kết với nhau mạnh hơn, hoạt động theo liên đoàn để đưa toàn ngành phát triển”, cũng như ý đại diện ý kiến từ nhóm GOW cho rằng một sân chơi chung sẽ là một điều tuyệt vời khi các đội sẽ có cơ hội giao lưu luyện tập lẫn nhau, không chỉ đợi đến các tuần luyện tập của nhà phát hành như hiện tại.

Lời kết

Hoạt động lĩnh vực eSports khoảng 12 năm, anh Hiếu Trần cho biết: “Tính tới thời điểm hiện tại, quy mô esports ở Việt Nam đã phát triển hơn rất nhiều, các tổ chức, quỹ đã vào cuộc có thể kể đến như LG Devine, Box Gaming, VGaming, Team Flash, GAM, Team Secret Cerberus,... Việc đầu tư này đã tác động nhiều mặt, cụ thể như đã giúp cho eSports Việt Nam sản sinh ra rất nhiều vận động viên chuyên nghiệp, các tài năng trẻ được nuôi dưỡng và thúc đẩy một nền eSports Việt chuyên nghiệp hơn những ngày đầu. Về mặt nhân sự cũng ngày càng nhiều hơn, chuyên nghiệp và có kỹ năng nhiều hơn. Về yếu tố thị trường và tiềm năng kinh doanh thìgày càng có nhiều đơn vị ngoài esports quan tâm hơn, các nhãn hàng lớn cũng bắt đầu tập trung hơn vào esports đặc biệt những nhãn hàng lớn như Clear Men, Castrol Power, Yomost, Sting.., Bên cạnh những nhãn hàng phần cứng như Intel, ASUS,... đây là một tín hiệu tốt hơn rất nhiều so với những năm ban đầu eSports hình thành”.
Thị trường ngày càng chuyên nghiệp hơn sẽ đòi hỏi chất lượng các hệ sinh thái eSports (Hệ thống giải đấu, chuyển nhượng, liên đoàn, vận động viên, tổ chức... chuyên nghiệp và chất lượng hơn. Đây cũng chính là cơ hội cho các bạn vận động viên chuyên nghiệp phát triển đồng thời cũng sẽ khắc nghiệt hơn và đòi hỏi vận động viên có ý thức cao hơn.
Sở hữu các đội tuyển thi đấu trong các tựa game các đội tham gia thi đấu trong FortniteCounter-Strike: Global Offensive, Rocket League và FIFA, Guild Esports - công ty do David Beckham đồng sáng lập có trụ sở tại Vương quốc Anh đã “lên sàn" tại Sở giao dịch chứng khoán London với mục tiêu huy động được 20 triệu bảng Anh (25,9 triệu USD) cho hoạt động kinh doanh.
Đó là câu chuyện ở đại diện những nước có nền eSports đã phát triển mạnh mẽ. Trở lại với câu chuyện của Việt Nam, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội trong ngành eSports tại Việt Nam là rất lớn. Khi xem xét top 100 quốc gia kiếm được nhiều doanh thu trong lĩnh vực eSports trong năm 2020, Việt Nam đang xếp ở thứ hạng 26. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng trong tương lai gần Việt Nam sẽ chứng kiến các đội eSports chuyên nghiệp lên sàn chứng khoán như những gì mà Guild eSports của David Beckham đã làm tại nước Anh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.