Nhạc sĩ với mùa Xuân

19/01/2004 17:08 GMT+7

Mỗi lần gió chướng về se lạnh, Xuân về Tết đến chẳng còn lâu! Đất trời như hòa hội, thiên - địa - nhân cũng hiệp hòa. Theo quy luật tứ thời luân chuyển, Trái đất quay giáp vòng Mặt trời, nên tiết Xuân hòa dịu. Lòng người ai cũng cảm thấy bâng khuâng, một mối hoài cảm khôn tả.

Mỗi người đều có sự cảm xúc khác nhau, riêng giới nhạc sĩ “tiếp cận” mùa Xuân mỗi người mỗi khác. Vậy nên, giai điệu mùa Xuân cũng rộn rã với nhiều cung bậc rất đỗi riêng tư. Như nhạc sĩ Trần Chung để lại cho đời những bài ca Xuân không có tuổi, như bài Mùa xuân đến rồi đó, với lời ca còn mới tinh khôi: “Em nghe mùa Xuân nói gì đó? Xúc động lòng ta trước cuộc đời...”. Hay trước thủy điện sông Đà ngày ấy, ông đã reo lên: “Sông Đà ơi, sông Đà, mùa Xuân đã đến cho đời reo ca”.

Hoặc ở Bài ca Trường Sơn (thơ Gia Dũng) còn hứng khởi hơn: “Đi ta đi những trai làng Phù Đổng, còn gì vui hơn đường ra trận mùa Xuân”. Đầu thế kỷ mới, Trần Long Ẩn cũng hồ hởi cùng mùa Xuân, bài Mùa xuân đầu thế kỷ với lời ca: “Tôi như một đứa bé tung tăng bước ra đường. Không ai cầm tay dắt. Một mình tôi, tôi đi”. Nhạc sĩ Nguyễn Nam cũng thả hồn vào Xuân mơ mộng: “Nắng Xuân ấm thơm môi hồng. Gió Xuân đến bên em ngồi. Cùng mùa Xuân, em hát câu tình ca”.

Nhạc sĩ Vũ Hoàng cũng xôn xao trong nắng Xuân với bài Mùa xuân đến: “Làm sao tôi tìm đến. Có một người rất lạ. Hình như là mùa Xuân”. Đến Khúc Xuân vui của Trần Thanh Tùng rất rộn ràng, sinh động: “Mùa Xuân đến cho nụ thắm hồng. Chào mùa Xuân, ta cùng ca hát. Bầy chim hót líu lo bình minh, cùng bầy én đón gió Xuân về”.

Còn với nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện thì mùa Xuân là mùa đi mừng tuổi nhau: “Cho trời xanh trong đêm trừ tịch, tim rộn ràng trước giờ Xuân sang. Với Tôn Thất Lập thì kinh điển hơn, với bài ca Giai điệu mùa Xuân, có phần phối đệm piano rộn rã (theo thể loại Romance) của nhạc trưởng Trần Vương Thạch, xin nghe đoạn lời ca: “Nửa đêm chợt nghe… Nghe tiếng thơ Xuân về. Rộn trong lòng em, Xuân đến rất êm đềm”. Bài ca Xuân của nhạc sĩ trẻ Đinh Quang Vinh, trong cung bậc Mi thứ, nhịp bốn, đã làm lòng người rạo rực dưới nắng vàng của mùa Xuân cao nguyên: “Mùa Xuân cao nguyên rộn vang tiếng chim… Hòa bình muôn nơi rộn vang tiếng ca…”.

Hiện thời, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có tới 800 nhạc sĩ (của nhiều bộ môn), cho nên tác phẩm nhạc Xuân (ca khúc về chủ đề Xuân) chưa phải là nhiều! Kể từ khi âm nhạc mới ra đời (nhạc 7 nốt) xuất hiện ở Việt Nam, thì những bài ca Xuân lần lượt ra đời. Trước hết, phải kể đến ca khúc Đàn xuân là bài đầu tiên trong dòng nhạc nhạc tiền chiến của nhạc sĩ Lê Thương; kế đó là Nắng tươi và Xuân về của Hoàng Quý.

Với Giáo sư Viện sĩ Hàn lâm - nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người sở trường về các bản hành khúc vang dội, rất tiết kiệm lời, nhưng cũng hồ hởi với nàng Xuân: “Trông hoa Xuân thắm tươi trên muôn cành, lòng thiếu niên chan chứa hương Xuân…”. Với Đảng và Bác không những cho ta “sáng mắt sáng lòng” mà còn mang đến cho dân tộc một mùa Xuân huy hoàng, vĩnh cửu. Bài Đảng đã cho ta mùa Xuân, lời bài ca này không riêng gì của nhạc sĩ Phạm Tuyên, mà đã trở thành tiếng nói chung của mỗi người Việt Nam trong cuộc trường chinh chống quân xâm lược đã đi vào lịch sử dân tộc.

Mùa Xuân năm 1972, với khí thế hừng hực lửa tiến công, với những binh đoàn xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, nhạc sĩ Văn An cho ra đời bài Ta ra trận hôm nay. Bài ca với nhịp quân hành dồn dập, làm phấn chấn lòng người: “Ta đi giữa mùa Xuân trên đường ra trận. Chào quê hương nhằm tiền phương mạnh bước. Lời nước non như càng giục giã lòng ta…”. Trở lại với trường ca - thể mang tính chương hồi, nhiều đoạn đan xen nhau để trần thuật một sự kiện bằng âm nhạc và lời ca. Trường ca sông Lô của Văn Cao là một minh chứng hùng hồn về những âm thanh hoành tráng tuyệt với đó: “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc, bãi dài ngô lau núi rừng âm u… Mùa Xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ôm bóng tre. Và sau đó, những bài ca Xuân nở rộ như mai đào chào đón chúa Xuân, như Bài ca hy vọng của Văn Ký, Tình ca của Hoàng Việt, Dâng người tiếng hát mùa Xuân của Nguyễn Văn Thương, Mùa Xuân gọi của Trần Tiến…

Nói tới Tết Nguyên đán, làm sao quên được “ông vua” viết bài ca Xuân, nhạc sĩ quá cố Xuân Hồng, với các bài Xuân chiến khu, Mùa Xuân bên cửa sổ, Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh… Trong đó bài Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh với lời ca phấn khởi, thiết tha: “Mùa Xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la. Cây xanh tươi ra lá trổ hoa, chào mùa Xuân về với mọi nhà…”.

Xuân về Tết đến, trong chén rượu ấm, trà ngon, nếu được nghe lại một vài ca khúc trên, chắc mọi người cũng thấy lòng đầy viên mãn, như mùa Xuân trẻ mãi không già.

Nhạc sĩ Thanh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.