Sóng gió mới trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

12/10/2007 00:12 GMT+7

Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng sau khi một ủy ban của Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết gọi vụ sát hại người Armenia có liên quan đến Đế chế Ottoman trước đây là hành động diệt chủng.

Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 10.10 đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 106 coi việc sát hại 1,5 triệu người Armenia từ năm 1915 đến năm 1917 là diệt chủng và chuyển nghị quyết này cho toàn thể Hạ viện bỏ phiếu thông qua, dự kiến vào tháng 11 tới. Theo Hãng tin BBC, Nhà Trắng tỏ ra thất vọng với việc thông qua nghị quyết. Trước đó, Tổng thống Bush đã cảnh báo rằng bước đi trên có thể gây tổn hại quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng của Washington trong khối NATO, cũng như trong cuộc chiến chống khủng bố. Ankara hôm qua coi việc thông qua nghị quyết là hành động "vô trách nhiệm". "Không thể chấp nhận được việc nước Thổ Nhĩ Kỳ bị buộc tội về một điều không hề xảy ra trong lịch sử", Hãng tin AP trích thông cáo của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul trước đó cáo buộc một số chính khách Mỹ "muốn hy sinh những chuyện lớn bằng các trò chơi chính trị nội bộ nhỏ nhặt".

Hành động của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ được coi là một thắng lợi của các nhóm bảo vệ quyền lợi của người Mỹ gốc Armenia sau nhiều thập kỷ vận động. Các nhóm này cam kết họ sẽ tiếp tục vận động để toàn thể Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết. Theo Hãng tin Reuters, giới sử học phương Tây và một số quốc hội nước ngoài ủng hộ quan điểm của người gốc Armenia coi sự kiện thời đế quốc Ottoman là diệt chủng. Tuy nhiên, Ankara luôn phản bác quan điểm này và cho rằng nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi giáo đã thiệt mạng cùng với người Armenia theo Cơ đốc giáo trong cuộc xung đột sắc tộc vào thời điểm đế quốc Ottoman sụp đổ. Về phần mình, chính quyền của Tổng thống Bush nhìn nhận những nỗi thống khổ mà người Armenia phải gánh chịu nhưng muốn có "một sự xem xét đầy đủ và công bằng" đối với sự kiện lịch sử trên.

Diễn biến trên xảy ra đúng vào thời điểm khó khăn trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara đang xem xét việc "bật đèn xanh" cho một chiến dịch quân sự xuyên qua biên giới với Iraq để truy quét các phần tử ly khai thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK). Theo euobserver.com, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu áp lực từ trong nước phải hành động sau hàng loạt vụ tấn công nhằm vào binh lính Thổ Nhĩ Kỳ khiến 30 người thiệt mạng trong chưa đầy 2 tuần lễ. Mỹ đã khuyến cáo Thổ Nhĩ Kỳ không nên hành động đơn phương vì điều đó gây thêm bất ổn cho Iraq. Washington cũng lo sợ rằng sự giận dữ của công chúng và chính giới ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đến những hạn chế trong các chiến dịch phối hợp khác, chẳng hạn như tại Afghanistan, và việc đóng cửa căn cứ không quân Incirlik chiến lược mà quân đội Mỹ đang sử dụng. 

Người Mỹ có lý do để lo ngại phản ứng của người Thổ. Sau khi Quốc hội Pháp thông qua dự luật trừng phạt những ai chối bỏ việc sát hại người Armenia là một hành động diệt chủng vào tháng 10.2006, Ankara đã ngừng hợp tác quân sự với Pháp. Trước đó, vào năm 1975, khi Washington bắt đầu cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ do cuộc tranh cãi liên quan đến vấn đề đảo Síp, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ công tác hỗ trợ hậu cần cho binh lính và tình báo Mỹ cho đến khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.