Vì sao họ gây án?

02/10/2010 12:12 GMT+7

Họ có nhân thân tốt, chưa tiền án, tiền sự. Vậy mà lần đầu phạm tội lại thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình ở tuổi đôi mươi. Tất cả cũng chỉ vì lối sống đua đòi.

Ba bị cáo có dáng dấp chân quê, gương mặt non choẹt, ánh mắt luôn cụp xuống đầy sợ hãi. Nhìn họ, không ai ngờ đó là những kẻ giết người, cướp tài sản một năm về trước.

Kiếm tiền bằng hành vi độc ác 

Theo cáo trạng của VKSND TPHCM, từ An Giang, Nguyễn Hồng Nhàn (SN 1991) rủ Nguyễn Văn Thật (SN 1992) và Huỳnh Công Khanh (SN 1993) trốn gia đình lên TPHCM kiếm việc làm. Lang thang ở TPHCM mấy ngày, túi đã cạn, Nhàn nảy sinh ý định cướp của tài xế taxi để lấy tài sản. Được hai người bạn cùng quê đồng ý, cả ba bàn bạc kế hoạch, chuẩn bị hung khí. Khuya 1-9-2009, họ đón taxi, dùng dao khống chế tài xế. Bị chống cự, Nhàn, Thật rút dao đâm. Tài sản cướp được là chiếc điện thoại cũ trị giá hơn 1 triệu đồng được bán chia nhau (100.000 đồng/người), cùng ăn xài và bị bắt rất nhanh sau đó do để lại nhiều dấu vết (túi xách Khanh để quên trên taxi, chiếc quần dài Nhàn cởi bỏ sau khi gây án, bên trong túi quần có bản photocopy chứng minh nhân dân...).

Cũng trong buổi xử án lưu động ở đường Vành Đai Trong (quận Bình Tân) hôm đó, TAND TPHCM đã đưa ra xét xử vụ án Đào Văn Hải (SN 1989) giết người, cướp tài sản. Vụ án này từng gây căm phẫn trong dư luận bởi tính chất dã man, tàn ác của kẻ thủ ác. Nhất là khi nghe đọc cáo trạng, chứng kiến tận mắt những vết sẹo trên cổ của mẹ con bị hại, sự căm phẫn càng tột cùng. 

Chỉ vì nghĩ anh Phạm Xuân Hào ăn chặn tiền công (thực ra Hải mới vào làm được 10 ngày và đã xin ứng đủ tiền công), Hải đã ra tay giết anh Hào, cắt cổ vợ và con trai mới 3 tuổi của anh Hào, lấy điện thoại di động, 16 triệu đồng và xe máy rồi bỏ trốn ra Hà Nội. Anh Hào chết vì choáng, mất máu, vợ con anh may mắn thoát chết. Còn Hải bị bắt tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội) vào ngày 15-4.

Đền tội

Xét xử lưu động ngày 28-9, ở vụ án thứ nhất, TAND TPHCM đã tuyên phạt Nguyễn Hồng Nhàn (vai trò chủ mưu cầm đầu) mức án tử hình, Nguyễn Văn Thật 18 năm tù, Huỳnh Công Khanh 12 năm (hai bị cáo khi phạm tội chưa thành niên, bị lôi kéo vào con đường phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức) về tội giết người, cướp tài sản.
 
Vụ án thứ hai, Đào Văn Hải bị tuyên phạt án tử hình về tội giết người, cướp tài sản; Phạm Văn Sơn (bạn của Hải) 1 năm 6 tháng tù về tội che giấu tội phạm.

Xét xử trước đó mấy ngày, TAND TPHCM đã tuyên phạt mức án tử hình đối với bị cáo Cổ Minh (SN 1990). Cũng chỉ vì thiếu nợ bạn bè trong khi bản thân chưa tìm được việc làm, khi đi ngang Thuận Kiều Plaza, Minh nảy sinh ý định bán dâm cho người đồng tính, lợi dụng sơ hở của nạn nhân để ra tay giết người, cướp xe và một số tài sản khác (tài sản phạm tội bán được 7 triệu đồng).

Không lường hết hậu quả

Tất cả các bị cáo trong ba vụ án trên khi được hỏi: “Trước khi hành động như thế, có nghĩ tới hậu quả không?” đều có chung câu trả lời: “Bị cáo không... nghĩ tới”. Cổ Minh vừa khóc vừa nói: “Lúc đó, bị cáo chỉ nghĩ đến chuyện trả nợ. Sau khi gây án, bị cáo mới thấy sợ phải ở tù và đền mạng... Bị cáo ăn năn, hối hận lắm. Xin cha mẹ bị cáo và gia đình bị hại tha lỗi cho bị cáo...”. Trả lời câu hỏi của vị chủ tọa: “Mạng người có bằng chiếc điện thoại không?”, cả ba bị cáo Nhàn, Thật và Khanh gãi đầu thật thà: “Dạ, lớn hơn” và thú nhận: “Khi làm vậy, bị cáo cũng hoảng sợ lắm”. 

Có điều không ai hình dung được hậu quả do mình gây ra và cái giá phải trả. Bị đề nghị mức án tử hình, ngay tức thời, Nhàn vẫn chưa lường hết được tính nghiêm trọng của vụ án. “Xin tòa cho án nhẹ để bị cáo sớm trở về với gia đình, làm lại cuộc đời”. Trong khi đó, ngoài việc tước đoạt sinh mạng của tài xế taxi, Nhàn và đồng bọn đã khiến gia đình nạn nhân, gồm mẹ già, vợ và 4 đứa con nhỏ cùng người chị bị tâm thần rơi vào cảnh điêu đứng khi mất đi trụ cột gia đình. Ngay cả gia đình Nhàn cũng khốn khổ, lo lắng đủ điều. Trước khi tòa xét xử, không biết nghe ai, mẹ  Nhàn tất tả đem nộp một tờ khai sinh mang tên Nguyễn Hồng Nhãn, SN 1992, nói “do nhầm lẫn khi làm khai sinh, nó tên là Nhãn, không phải Nhàn, nó chưa đủ tuổi...”.

Rồi khi không được chấp nhận (vì CQĐT đã xác minh Nhàn SN 1991), bà cuống cuồng: “Thôi thì Nhàn hay Nhãn cũng được, xin tòa xem xét tha tội chết cho con tôi”. Hai người mẹ của Thật và Khanh hoảng hốt khi nghe đến việc gia đình phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân (vì các bị cáo chưa thành niên): “Tôi làm mướn, kiếm ăn từng bữa, biết bồi thường sao đây? Xin tòa cho cháu cải tạo về sớm, mần phụ tôi để bồi thường cho người ta”. 

Còn Đào Văn Hải lý giải cho hành vi dã man của mình, đến mức không tha cho cả đứa trẻ 3 tuổi đang khóc vì hoảng sợ, chỉ là: “Bị cáo sợ bị hàng xóm nghe tiếng kêu la sẽ phát hiện, không nghĩ đến gì khác. Bị cáo xin lỗi gia đình bị hại...”. Không biết Hải có nhận ra đến tận hôm nay, ánh mắt, gương mặt của vợ con anh Hào vẫn còn nguyên vẻ hãi hùng khi nhìn thấy Hải và nghe kể lại diễn biến của vụ án? Có thấu hiểu nỗi mất mát, đớn đau khi vợ anh Hào thốt lên: “Mất chồng, tôi mất hết tất cả”? Và có cảm nhận được vết thương trên thân thể mẹ con họ vẫn rất đau nhức mỗi khi trái gió trở trời? 

Vậy nên, lời xin lỗi vì đã gây đau đớn cho quá nhiều người của các bị cáo dù thật tâm nhưng đã quá muộn màng và khó nhận được sự thứ tha.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.