Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI: Cơ quan thuế dễ lạm quyền điều tra

30/10/2006 23:31 GMT+7

Ngay từ kỳ họp trước, khi thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế, tại QH đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau về một số vấn đề: lập ra cơ quan điều tra về thuế, thành lập các tổ chức dịch vụ, đại lý về thuế để giúp người nộp thuế làm các thủ tục kê khai, quyết toán thuế. Hôm qua 30.10, thảo luận lần cuối trước khi thông qua dự án luật này, nhiều ĐB vẫn tranh luận rất sôi nổi về những điều luật nói trên.

Dự án Luật Quản lý thuế trình QH lần này tại Điều 84 đã giới hạn phạm vi về điều tra thuế với trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân khác. Theo ĐB Trần Văn Nam (Bình Dương): "Nếu chỉ vì thế mà trao cho cơ quan quản lý thuế thêm thẩm quyền điều tra thuế là chưa thỏa đáng". Ông nói: "Trao cho cơ quan thuế thẩm quyền điều tra sẽ không khỏi phát sinh sự lạm quyền, lạm dụng điều tra để gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp".

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) có ý kiến: "Trên thực tế các cơ quan có quyền xử lý hành chính thường giữ lại cả những vụ án, cả những vụ việc hết sức phức tạp, rất nặng, để chỉ xử lý về mặt hành chính". Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đang trao quyền quyết định xử lý hành chính hay xử lý hình sự cho cơ quan quản lý thuế, cơ quan điều tra thuế. Chúng tôi thấy đây là vấn đề hoàn toàn không bình thường, đồng nghĩa với cướp quyền của các cơ quan tư pháp, cơ quan tố tụng...".

"Tôi không tìm thấy một điều, khoản nào quy định rằng cơ quan nào, biện pháp nào để kiểm soát hoạt động của cơ quan và công chức quản lý thuế. Dự thảo luật dùng tới 9 điều, từ Điều 104 đến Điều 112 để quy định cụ thể, chi tiết về xử lý vi phạm đối với người nộp thuế, nhưng chỉ dùng 2 điều quy định về xử lý vi phạm đối với cơ quan quản lý thuế và công chức thuế. Trong 2 điều này, chỉ thấy nêu cách xử lý với những vi phạm mang tính đơn lẻ của công chức thuế, không thấy nêu xử lý đối với hành vi vi phạm có tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ và mang tính hệ thống của các công chức thuế và hải quan".- ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh)

ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) có quan điểm ngược lại: "Tôi ủng hộ một cách tuyệt đối việc trao chức năng điều tra cho cơ quan thuế". Ông Hậu lập luận: "Điều tra của cơ quan thuế là điều tra hành chính, phù hợp được với doanh nghiệp, tránh được việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Nếu chúng ta lo lắng cho những yếu kém tệ nạn hiện tại, không dám mạnh dạn đưa ra những phương thức quản lý mới đúng đắn hơn, tốt hơn thì khó mà cải tổ và phát triển được".

Sợ đại lý thuế "ôm tiền, bỏ trốn"

Phần lớn ý kiến ĐB ủng hộ việc thành lập các tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế. Theo ĐB Trần Văn Nam, "các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ tiết kiệm được việc không phải đầu tư quá nhiều cho bộ phận kế toán, tài vụ hoặc bố trí người cũng như mất thời gian để làm công việc này". Nhưng ông cũng tỏ ý lo ngại: "Liệu có tránh khỏi tình trạng thông đồng giữa người nộp thuế, tổ chức kinh doanh dịch vụ thuế với cơ quan quản lý thuế hay không?".

Ở một góc độ khác, ĐB Võ Quốc Thắng (Long An) cho rằng: "Trong dự thảo luật, quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức này chưa chặt chẽ và không bảo đảm quyền lợi cho người nộp thuế". Theo ông, không nên để tổ chức dịch vụ đi "nộp thuế thay" cho đối tượng nộp thuế vì "có khả năng tổ chức đó lợi dụng tín nhiệm, nhận tiền đi nộp thuế của rất nhiều doanh nghiệp, sau đó sẽ không nộp cơ quan thuế, thậm chí có khả năng bỏ trốn".

Dự án luật quy định: "Nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế thực hiện không đúng quy định của pháp luật thì người nộp thuế vẫn phải chịu trách nhiệm". ĐB Nguyễn Hoàng Anh (TP Hải Phòng) góp ý: "Tôi nghĩ rằng đối với loại hình dịch vụ này điều kiện bắt buộc là phải có một khoản tiền ký quỹ tại ngân hàng, đảm bảo cho việc nếu anh làm sai hoặc tổn thất cho Nhà nước thì anh phải đền bù cho những người thuê hoặc ngược lại, nếu anh làm sai và tổn thất cho doanh nghiệp thì anh phải đền bù cho người ta. Có như vậy mới hạn chế được những đối tượng không có trách nhiệm".

Từ đầu năm nay, sai phạm và tham nhũng: 7.909 tỉ đồng

Theo chương trình làm việc của QH, sáng nay 31.10, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đọc báo cáo của Chính phủ trước QH kết quả thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng. Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện số tiền tham nhũng và sai phạm về kinh tế lên tới 7.909 tỉ đồng; 9,6 triệu USD và hơn nửa triệu euro. Trong đó, thông qua 14 cuộc thanh tra những dự án, công trình có vốn đầu tư lớn, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm về kinh tế 858,9 tỉ đồng; 5,4 triệu USD. Các bộ, ngành đã tiến hành 346 cuộc thanh, kiểm tra phát hiện sai phạm về kinh tế 6.267,4 tỉ đồng và 4,1 triệu USD. Phần lớn số tiền sai phạm do Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành. Cơ quan này đã phát hiện sai phạm trong việc nợ thuế, sử dụng vốn sai mục đích trị giá 6.131 tỉ đồng. Còn các địa phương đã thanh, kiểm tra phát hiện số tiền sai phạm 361,7 tỉ đồng và 1.898 ha đất. Đặc biệt là 9 bộ, ngành đã phát hiện số tiền 421,8 tỉ đồng và 4,2 triệu USD có dấu hiệu tham nhũng. Số cán bộ sai phạm, tham nhũng bị xử lý ngày càng nhiều hơn. Riêng ngành công an đã kỷ luật 113 cán bộ, cảnh sát tham nhũng. Mặc dù vậy, việc triển khai Luật Phòng chống tham nhũng, theo Chính phủ, ở một số nơi khi xử lý vụ việc tham nhũng cụ thể còn nể nang, hữu khuynh hoặc xử lý không nghiêm, điển hình là vụ tiêu cực đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng).

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.