Đào tạo ngành y chưa đáp ứng đủ nhu cầu

29/12/2008 23:48 GMT+7

Nhân lực ngành y dược vừa yếu, vừa thiếu lại mất cân đối vùng miền, đó là nhận xét của hầu hết các đại biểu đến từ Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, các tỉnh thành tham gia Hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực y theo nhu cầu xã hội hôm 27.12 tại TP.HCM.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, phải thừa nhận hệ thống giáo dục hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo nhân lực cho sự phát triển toàn diện của đất nước, đặc biệt là ngành y tế. Nguyên nhân chính là do hệ thống các cơ sở đào tạo y dược tăng chậm và sự hạn chế trong các định mức cán bộ y tế không thay đổi từ hàng chục năm nay.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng trong đào tạo nhân lực y dược rất thiếu lại không được sử dụng một cách hợp lý cộng với sự mất cân đối đào tạo giữa các chuyên ngành, chuyên khoa. Thứ trưởng Tiến cho biết: “Nếu không tính toán hợp lý thì với tốc độ đào tạo nhân lực y dược như hiện nay, và tốc độ phát triển dân số thì đến năm 2015 vẫn không đáp ứng được kể cả ở điều kiện lý tưởng nhất là tất cả học viên ra trường đều đi làm và được tuyển dụng đồng đều ở các vùng miền”.

Cả nước hiện có 15 trường ĐH, học viện đào tạo ngành y dược, 30 trường CĐ y dược và gần 50 trường trung học và cơ sở dạy nghề y tế. Tuy nhiên, việc phân bố các trường này không đều, đặc biệt vùng Tây Bắc hiện không có trường nào đào tạo ngành y dược. Ngoài ra, quy mô đào tạo ngành y dược vẫn thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác.

PGS-TS Phạm Văn Lình – trường ĐH Y Dược Cần Thơ dẫn chứng: “Theo tính toán nhu cầu từ năm 2009-1013, chưa kể các cơ sở y dược trung ương đóng tại địa phương và các cơ sở y dược ngoài công lập khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần 3.998 bác sĩ, 1.670 dược sĩ đại học, 4.173 cử nhân điều dưỡng, cử nhân kỹ thuật y học, cử nhân y tế công cộng trong khi chỉ có duy nhất trường ĐH Y Dược Cần Thơ đào tạo nhân lực ngành y dược cho khu vực ĐBSCL thì làm sao gánh nổi”. 

Hầu hết sinh viên ngành y sau khi tốt nghiệp đều ở lại thành phố bởi nhu cầu công việc ở đây rất lớn, trong khi vùng cao, vùng sâu tìm đỏ mắt không thấy một bác sĩ có trình độ đại học. BS Nguyễn Công Huấn – Giám đốc Sở Y tế Lai Châu ví von: “Bác sĩ ở Lai Châu là một thứ tài sản vô hình, rất quý”. Ông Huấn kể có bác sĩ chỉ nhận nhiệm sở vài hôm là biến mất.

Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.