Đua vào lớp 6 trường điểm

29/12/2010 00:36 GMT+7

Học sinh lớp 5 mới kết thúc học kỳ 1 mà cha mẹ đã ráo riết tìm trường luyện thi vào lớp 6 cho con.

Lâu nay, khá nhiều phụ huynh tại TP.HCM thường “nhắm” một số trường cấp 2 nổi tiếng cho con. Nếu không được học trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trung học thực hành Sài Gòn (trường ĐH Sài Gòn)  thì cũng phải là THCS Nguyễn Du nếu nhà ở Q.1 hay THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) hoặc THCS Hồng Bàng (Q.5), THCS Lê Quý Đôn (Q.3), THCS Vân Đồn (Q.4)…

Trong số những trường trên, duy nhất chỉ có trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có tổ chức thi tuyển. Các trường còn lại đều xét tuyển dựa vào tổng điểm kiểm tra định kỳ học kỳ 2 năm học lớp 5 môn Tiếng Việt và Toán. Theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp, chỉ tiêu có hạn nên đây cũng thật sự là một cuộc chạy đua khá quyết liệt.

Những giáo viên tham gia luyện thi không bao giờ Sở triệu tập vào hội đồng biên soạn đề thi. Do đó, cơ hội đến với các thí sinh đều ngang nhau

Ông Nguyễn Hoài Chương Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Dù có ý định thi hay không thi vào trường Trần Đại Nghĩa thì phần nhiều học sinh lớp 5 tại TP.HCM cũng được ba mẹ cho đi học thêm ở các trung tâm nhằm mong muốn có kết quả thi 2 môn Văn, Toán đạt mức cao nhất. Trong đó, 2 cơ sở bồi dưỡng văn hóa (BDVH) có tổ chức luyện thi vào lớp 6 là cơ sở BDVH 218 Lý Tự Trọng và trung tâm BDVH của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hết sức sôi động.

Hiện nay, cơ sở 218 Lý Tự Trọng có mở lớp dành cho học sinh từ lớp 4 với 2 môn chủ đạo là Toán, Tiếng Việt với học phí hơn 1 triệu đồng/khóa/3 tháng. Một nhân viên ghi danh của trung tâm này cho biết: “Đa số những học sinh học ở đây đều có nhu cầu thi vào lớp 6 trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Sau mỗi khóa các em sẽ có một kỳ kiểm tra và từ kết quả này phụ huynh có nhìn nhận chính xác về khả năng của con em mình”.

Gặp chị Đ.N.Trang (Q.Bình Thạnh) tại phòng đăng ký, chị cho biết: “Sợ trong trường chỉ học theo kiến thức của sách giáo khoa nên đăng ký cho cháu học ở trung tâm để có những bài tập nâng cao. Chứ muốn thi đậu Trần Đại Nghĩa thì phải 1 đấu với 10 mà toàn là học sinh giỏi với nhau không à!”. Còn anh Q.N.Toàn (Q.1) thì rất vui mừng khi đã đăng ký học cho con vì: “Phải nhanh chân đến trước chứ nếu chần chừ qua tết là khỏi hy vọng còn chỗ”.

Như thế cũng chưa căng thẳng bằng Trung tâm BDVH của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Theo thống kê, hằng năm có khoảng gần 5.000 thí sinh dự thi vào lớp 6 của trường và cũng khoảng chừng ấy học sinh có nhu cầu ôn thi ở đây. Anh Hoàng Nhật Minh (đường Cống Quỳnh, Q.1) kể lại: “Năm ngoái, đến sau ngày bắt đầu nhận đăng ký có một ngày mà không còn chỗ học cho con”.

Khi đặt vấn đề nhu cầu còn nhiều sao không mở thêm lớp, ông Nguyễn Bác Dụng - Hiệu trưởng của trường cho biết: “Trung tâm chỉ mở lớp vào 3 đợt: đầu năm học, đầu học kỳ 2 và khóa học cấp tốc vào khoảng đầu tháng 5. Nếu mở nhiều lớp và sử dụng giáo viên không đảm bảo cũng không yên tâm. Đó là chưa kể chỉ tiêu tuyển của trường ít, các em thi rớt nhiều tội nghiệp lắm. Vì vậy, phụ huynh học sinh chú ý 3 mốc thời điểm này để đến tìm hiểu thông tin và đăng ký sớm. Đặc biệt là khóa ôn cấp tốc, có năm trong vòng một ngày là kín chỗ”.

Trước tâm lý phụ huynh muốn con em đến trung tâm luyện thi, ông Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói: “Những giáo viên tham gia luyện thi không bao giờ Sở triệu tập vào hội đồng biên soạn đề thi. Do đó, cơ hội đến với các thí sinh đều ngang nhau. Nếu cần thì các em nên sưu tầm đề thi những năm trước để tham khảo và làm quen hoặc bổ sung kiến thức”.

Ông Nguyễn Bác Dụng cũng khẳng định: “Không phải tất cả những học sinh ôn thi tại trung tâm của trường đều đậu. Có hơn chăng là những em này được làm quen với phương pháp giảng dạy của giáo viên trong trường mà thôi”. 

Trọng tâm vào chuẩn kiến thức

Nhiều trường tiểu học cũng đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh. Ông Lý Văn Huệ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1) - cho biết: “Ngay khi kết thúc học kỳ 1, nếu học sinh nào có kết quả kém, trường tổ chức khảo sát lại để nắm tình hình cụ thể. Từ đó, giáo viên có hướng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cụ thể cho từng em. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm nhận thấy học sinh nào có khả năng vượt trội thì có kế hoạch tăng cường khối lượng kiến thức, khuyến khích các em làm bài tập khó hơn…”.

Bà Phạm Thị Phương Loan - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1) - thông tin: “Nhà trường không xây dựng đề cương ôn tập, tăng tiết để tránh tình trạng gây áp lực nặng nề cho học sinh. Trong quá trình dạy, các giáo viên vừa cung cấp kiến thức mới vừa củng cố lại kiến thức đã học. Ngay khi chấm bài, giáo viên cũng phải lưu ý không ghi chung chung, phải chỉ những lỗi sai cụ thể để học sinh sửa chữa. Bên cạnh đó, giáo viên chịu khó tìm nhiều lời giải cho mỗi bài tập để khuyến khích những học sinh có năng khiếu, tư duy...”.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.