Vụ tranh chấp đầm nước rộng 250 ha

30/12/2007 00:28 GMT+7

Huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) đang xôn xao vụ tranh chấp cái đầm nước nuôi trồng thủy sản trên 250 ha giữa hai chị em họ. Đáng lưu ý là vụ việc này có liên quan đến lãnh đạo UBND huyện Cát Hải.

Năm 1999 bà Nguyễn Thị Cành (sinh năm 1962, ở Lê Chân, Hải Phòng) ký hợp đồng với UBND huyện Cát Hải thuê đầm nuôi trồng thủy sản ở xã Đồng Bài với diện tích 258 ha, giá thuê đất trong 5 năm (từ 1999 đến 2004) là 250 triệu đồng. Hợp đồng này được ông Đoàn Hữu Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải và ông Nguyễn Hữu Khánh, khi đó là Trưởng phòng địa chính huyện ký. Hợp đồng ghi rõ: "Không được cho người khác thuê lại cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản hoặc một phần đất, mặt nước nằm trong cơ sở sản xuất đã giao khi không được sự đồng ý của UBND huyện". 

Theo đơn của bà Cành, sau khi đầu tư làm đầm và nuôi trồng thủy sản, bà Cành nhờ em họ là Nguyễn Thị Thu Hà trông nom đầm. Năm 2003, thực hiện dự án nạo vét cảng Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng ra quyết định thu hồi hàng trăm ha đất, trong đó có toàn bộ phần diện tích đầm của bà Cành. Khi hỏi tiền đền bù giải phóng mặt bằng, bà Cành mới ngớ người vì hơn 7 tỉ đồng đền bù đã được cơ quan chức năng trao cho bà Nguyễn Thị Thu Hà. 


Chữ ký của bà Cành:  Chữ ký trong hợp đồng gốc với huyện

Hơn một năm nay, bà Cành đi kiện các nơi yêu cầu được làm rõ: Tại sao bà  Hà (một người trông hộ đầm) lại được nhận tiền đền bù trong khi bà Cành lại bị qua mặt? 

Để nhận tiền đền bù, theo bà Cành, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã làm giả một hợp đồng cho thuê lại khu đầm. Nội dung bản hợp đồng này: bà Cành đồng ý chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng toàn bộ khu đầm 258 ha (đã đầu tư làm kè, cống, đang nuôi trồng thủy sản) cho bà Hà với giá 150 triệu đồng. 

Bà Cành khẳng định: "Đây là bản hợp đồng giả, do bà Hà tự bịa ra và làm giả chữ ký của tôi. Vì từ trước đến nay, tôi không hề có bất kỳ thỏa thuận nào chuyển nhượng cho bà Hà. Nếu tôi chuyển nhượng, không đời nào tôi lại đi chịu thiệt 100 triệu đồng trong khi đã đầu tư hàng trăm triệu vào đó". 

Điều đáng nói là bản hợp đồng chuyển nhượng đã được lãnh đạo UBND huyện Cát Hải xác nhận, cụ thể là ông Trần Nhật (khi đó là Chủ tịch UBND huyện) và ông Nguyễn Hữu Khánh (khi đó là Trưởng phòng địa chính huyện).  Với bộ hồ sơ đó, năm 2004, bà Hà đã nhận được hơn 7 tỉ đồng đền bù, trong khi bà Cành không hề biết gì. 

Trong cuộc làm việc với PV báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Khánh, hiện là Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải, khẳng định: "Tôi là người trực tiếp xem hai bà ký hợp đồng chuyển nhượng đất. Chính tôi và anh Nhật cùng ký, bản gốc hiện giờ công an thu hết, chỉ còn bản photo".


Chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng (bà Cành cho rằng đó là chữ ký giả)

Theo ông Khánh, sau khi hai bà ký vào bản hợp đồng chuyển nhượng đã photocopy thêm 4 bản. Ông Khánh và ông Nhật, khi đó là chủ tịch UBND huyện, xác nhận vào cả 5 bản hợp đồng chuyển nhượng. Mỗi bà giữ 2 bản photocopy có đóng dấu xác nhận. Bản gốc, có chữ ký bằng mực của bà Hà và bà Cành do phòng địa chính huyện giữ. Ông Khánh cho biết, mới đây ông đã nộp cho công an TP Hải Phòng khi cơ quan này vào điều tra vụ việc. 

Tuy nhiên, theo nguồn tin của chúng tôi, bản hợp đồng chuyển nhượng  mà ông Khánh nộp cho công an cũng chỉ là bản photocopy có xác nhận của UBND huyện. "Các bên chưa xuất trình được bản hợp đồng gốc có chữ ký tươi của bà Cành và bà Hà. Chỉ có bản photocopy có xác nhận của huyện. Theo tôi biết, chữ ký của bà Cành trong hợp đồng chuyển nhượng là chữ ký giả mạo", một cán bộ có trách nhiệm theo dõi mảng nội chính tại Hải Phòng cho biết. 

Câu hỏi đặt ra là: bản gốc của hợp đồng đang ở đâu? Chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng có phải do chính bà Cành ký, hay đó là chữ ký giả?  Nếu đó là chữ ký giả thì sẽ không có chuyện bà Cành và bà Hà ký hợp đồng chuyển nhượng trước mặt ông trưởng phòng địa chính Nguyễn Hữu Khánh, hiện nay là Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải. Nghi vấn này rất cần được công an TP Hải Phòng sớm giải đáp và xử lý vụ việc nghiêm minh theo đúng pháp luật. 

Hải Sâm - Káp Long 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.