TP.HCM không nằm trong vùng có thể xảy ra động đất mạnh

25/10/2005 15:29 GMT+7

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Thành phố Hồ Chí Minh không nằm trong vùng có thể xảy ra động đất mạnh trên cấp 6 - cấp đủ mạnh để gây nên tình trạng đổ sập nhà cửa và cây cối.

Giải thích về một loạt rung chấn nhẹ xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 17/10 vừa qua, ông Thủy cho biết đó là do hai trận động đất với mức độ nhẹ trên Biển Đông. Với những dư chấn nhẹ như vậy, không có gì đang lo ngại với những công trình xây dựng kiên cố. Tuy nhiên, ông Thủy lưu ý rằng nếu chất lượng công trình xây dựng kém, nhất là công trình cao tầng thì cũng không thể hoàn toàn yên tâm. Các khu vực ven bờ sông có nền đất yếu (như ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) càng phải chú trọng đề phòng hơn.

Theo ông Thủy, ở Việt Nam, khu vực thường xảy ra động đất mạnh nhất là phía Bắc và Tây Bắc. Trong lịch sử, Hà Nội đã từng xảy ra 2 trận động đất có độ rung chấn cấp 7, cấp 8 vào năm 1277 và 1285. Năm 2001, tại Điện Biên đã xảy ra một trận động đất với độ rung chấn cấp 7 - cấp động đất có thể gây sập nhà cửa, công trình kiên cố.

Ông Thủy cho biết việc các trạm quan trắc được bố trí ít và thưa đã làm ảnh hưởng đến công tác thu thập, cập nhật thông tin. Viện Vật lý Địa cầu hiện có 26 trạm quan trắc địa chấn, được trang bị phần lớn là máy chu kỳ ngắn nên không thể xác định chính xác độ lớn của một trận động đất. Mặt khác, các máy này lại phân bố chủ yếu ở khu vực phía Bắc và Tây Bắc. Tại khu vực phía Nam chỉ có 3 trạm đặt tại Huế, Nha Trang và Đà Lạt.

Viện Vật lý địa cầu đã xây dựng dự án tăng cường mạng lưới quan trắc địa chấn gần và xa để phục vụ dự án cảnh báo động đất và sóng thần vùng biển Đông. Viện ước tính cần khoảng 30.000 USD để đầu tư cho mỗi trạm và cả nước cần ít nhất khoảng 5 trạm nữa.

Tuy nhiên, ông Thủy khẳng định dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất hay sóng thần là việc rất khó mà ngay những nước tiên tiến nhất trên thế giới cũng chưa làm được. Điều Việt Nam có thể làm là theo dõi để xác định khu vực có nguy cơ cao nhất cũng như khoảng thời gian có thể xảy ra những hiện tượng thiên tai này để có giải pháp đề phòng từ trước.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.