Hơn 3 triệu trẻ em cần được trợ giúp!

28/12/2007 23:21 GMT+7

Cả nước hiện có 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 1,8 triệu trẻ em sống trong gia đình nghèo. Các em đang được hỗ trợ ra sao?

Những con số đau lòng

Trong 2 ngày 27 và 28.12, tại TP.HCM, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc đã tổ chức hội thảo "Về chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt". Tham gia có các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, đại diện UBND và các cơ quan có liên quan tới trẻ em ở phía Nam.

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Theo báo cáo của các địa phương, cả nước hiện có khoảng 3,2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em nghèo. Trong đó, số trẻ em khuyết tật khoảng 1,2 triệu, trẻ em mồ côi khoảng 147 ngàn, trẻ em lang thang khoảng 12 ngàn, trẻ em nhiễm HIV khoảng 12,5 ngàn, trẻ em lao động sớm khoảng 27 ngàn, trẻ em nghiện ma túy khoảng 5,7 ngàn, có 247 trẻ em bị xâm hại tình dục".

Chính sách hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được thay đổi nhiều lần để phù hợp với thực tế. Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu, Vụ trưởng Vụ Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: "Theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP, hầu hết trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, tàn tật nặng, bị HIV/AIDS... đều được hưởng trợ cấp từ 120 - 360 nghìn đồng. Hằng năm có trên 3 triệu học sinh được miễn giảm học phí, cấp phát sách vở, hàng chục nghìn em được cấp học bổng tổng trị giá 300 tỉ đồng, trên 1 triệu trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận với dịch vụ y tế miễn phí, hàng ngàn trẻ em lang thang được tạo việc làm, hỗ trợ hồi gia...".

Mức trợ cấp chưa theo kịp thực tế

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Hải Hữu, thì nguồn lực để thực hiện các chính sách và chương trình trợ giúp  trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn hạn chế kể cả cấp trung ương và địa phương, vì tổng nguồn lực dành cho trợ giúp xã hội của nước ta chỉ chiếm 0,2 - 0,3% chi tiêu của Chính phủ (giai đoạn 2001 - 2006), trong khi đó các nước trong khu vực đạt mức bình quân 2%, có nước đạt mức 3,5%.

Bà Lê Thị Thanh Nhã, đại diện Ủy ban  Dân số, Gia đình và Trẻ em TP.HCM bức xúc: "Mức trợ cấp tối thiểu 120.000 đồng/em/tháng là không thể xoay xở nổi trong điều kiện đắt đỏ hiện nay. Tính trung bình có vài nghìn đồng/ngày thì không thể ăn đủ no chứ đừng nói tới đủ chất ở TP.HCM". Bà Nhã đề nghị cần phải có mức trợ cấp phù hợp với từng địa phương. Cũng cùng quan điểm trên, đại diện trường Giáo dưỡng số 4 thuộc cục V26 Bộ Công an, nơi quản lý, giáo dục, dạy nghề cho trẻ em vi phạm pháp luật cho biết: "Các em học sinh ở trường đều đang tuổi ăn tuổi lớn, nhưng hiện tại chế độ ăn của 1 học sinh quy ra giá thị trường tại địa phương là 190.000đ/tháng thì chưa đáp ứng đủ".

Chính sách đã là như thế, nhưng mỗi địa phương lại áp dụng theo cách hiểu riêng. Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó vụ trưởng Vụ Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng chia sẻ về một trường hợp mà ông chứng kiến khi làm việc ở tỉnh Thái Nguyên: một bà cụ nuôi 2 cháu mồ côi do bố mẹ đều chết vì bệnh AIDS nhưng không được nhận trợ cấp vì chính quyền nói là bà có 1 triệu tiền lương hưu, chia cho 3 người là hơn 300 ngàn rồi, không phải diện nghèo.

Trẻ em khuyết tật cần được quan tâm hơn

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng khoa Giáo dục đặc biệt trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: "Hiện cơ sở vật chất của nhiều trường chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật xuống cấp, có nơi 1 lớp 20 em mà chỉ có 12m2. Nhà trường rất bức xúc, nhưng đưa ý kiến lên Sở Giáo dục thì Sở cũng chịu vì UBND TP.HCM chưa có quyết định chính sách như thế nào để xây trường, phải đợi thôi. Giáo viên dạy trẻ khuyết tật ngoài lương còn có thêm 70% trợ cấp, nhưng tổng số vẫn là rất thấp. Khi phỏng vấn trên 1.000 giáo viên đang dạy ở các trường chuyên biệt, trên 80% các thầy cô giáo nói là nếu lương còn thấp như thế này thì họ phải chuyển sang ngành khác thôi".

Cũng theo bà Kim Anh, công tác nghiên cứu về giáo dục trẻ khuyết tật cũng chưa được quan tâm từ trung ương tới địa phương: "Trước đây, Viện Nghiên cứu giáo dục phía Nam có trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật, sau đó trung tâm này giải tán, chuyển nhân sự về bộ môn giáo dục đặc biệt của trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Chúng tôi vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy, vừa tập huấn đào tạo giáo viên với kinh phí eo hẹp".

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng được đưa ra thảo luận như: chương trình học dành riêng cho trẻ em khuyết tật chưa có; tình hình trẻ em bị buôn bán và xâm hại; chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa...

                ***

Kết luận hội nghị, ông Đào Trọng Thi cho rằng chính sách mang tính tổng quát, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ dành cho tất cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng vì ngân sách chi có hạn, nên khi thực hiện cần đánh giá chính xác tình hình kinh tế của từng đối tượng để sự trợ cấp tới với người thực sự cần. Ông cũng nhấn mạnh việc cần huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của xã hội vào hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trợ cấp trực tiếp đến tay đối tượng thụ hưởng...             

Phương Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.