Vụ sập núi đá tại mỏ đá Rú Mốc, Hà Tĩnh: Tang tóc nơi xóm nghèo

29/12/2007 00:28 GMT+7

Thi thể 7 người bị nạn đã được đưa ra khỏi mỏ đá đêm hôm trước. Hôm qua, không khí tang thương bao trùm lên xóm nghèo vùng biển Thạch Bàn...

Mỏ đá Rú Mốc dựng đứng như bức tường thành, cao chừng vài trăm mét, mặt cắt nham nhở. Một khối vỉa đá chừng 1.000 mét khối sập xuống còn nguyên vẹn vết tích. Kết luận sơ bộ về nguyên nhân gây nên tai họa này của chính quyền địa phương là "do đá tự lở" nhưng người bình thường nhìn hiện trường này cũng hiểu đâu là nguyên nhân gây ra thảm cảnh. Đó là hậu quả của kiểu khai thác "ăn nhanh", khoét hàm ếch, không theo quy trình. Kết cấu của lớp đá ở đây rời theo vỉa, trong khi khai thác không đảm bảo độ an toàn, nên đá sập là điều khó tránh khỏi.

Hôm qua, Công an huyện Thạch Hà đã bắt đầu tiến hành công việc điều tra tìm nguyên nhân gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng này. Sáng qua, công an đã triệu tập ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ nhiệm HTX Sơn Long, đơn vị nhận khai thác đá, đến để tường trình và cung cấp toàn bộ hồ sơ, giấy phép và quy trình khai thác để điều tra làm rõ trách nhiệm của đơn vị chủ quản tại mỏ đá này. Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Bàn Phạm Xuân Châu cho rằng UBND xã chỉ quản lý HTX về mặt hành chính, còn việc quản lý khai thác, an toàn lao động là do Sở LĐ-TB-XH, Sở Tài nguyên-Môi trường và Công an tỉnh.  

Sáng sớm hôm qua, mỏ đá Rú Mốc đã yên bình trở lại. Ngoài lực lượng công an đang làm nhiệm vụ đo đạc hiện trường, chỉ còn một số người dân kéo đến xem nơi đã xảy ra thảm nạn. Cách mỏ đá không xa là xóm làng, 7 cái tang đang trùm lên 7 nóc nhà của xóm nghèo vùng biển.

Chị Vũ Thị Kim, xóm 7, ra đi khi tròn 46 tuổi. Ngoài người chồng, chỉ có Vinh, con út, dự tang mẹ. 3 đứa con lớn của chị đang đi làm thuê tận Bình Dương chưa về kịp. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Mạo, ngồi ủ rũ bên quan tài vợ. Anh Mạo làm nghề thợ xây, chị Kim hằng ngày cùng nhiều chị em khác trong xóm đi bốc đá thuê kiểu dân cửu vạn, bình quân mỗi ngày được hai chục nghìn đồng. "Ngày hôm qua, trước khi đá sập, chị Kim làm được có 2 nghìn đồng thôi chú ạ, vì đông người mà mới chỉ bốc được có 1 xe công nông đá. Chị Kim làm với tui, tui có việc về trước, rứa là sống", chị Lam, người cùng xóm 7 kể lại với tôi.

Cách một đoạn mương, qua lối mòn hai bên với những vạt vườn toàn cát là nhà của chị Lê Thị Long. Chị Long mất ở bệnh viện khi mới được đưa đến cấp cứu vì những vết thương quá nặng do đá va đập. 3 đứa con nhỏ, đứa lớn mới 9 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi, đứng ngơ ngác bên bàn thờ mẹ. Bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ chồng chị Long, khóc vật vã bên quan tài đựng xác con dâu. Cách đó chỉ ba cái ngõ, lại là nhà của chị Nguyễn Thị Tương (24 tuổi). Chị Tương cũng là con dâu của bà Cháu. Trong căn nhà thấp lè tè, anh Võ Ngọc Cường, ôm đứa con nhỏ 3 tuổi ngồi bên xác vợ, khóc không còn thành tiếng. Ngoài thềm, đứa con thứ của vợ chồng anh mới 10 tháng tuổi, khóc ngặt nghẽo trên tay người bác vì đói sữa.

3 đứa con thơ của chị Lê Thị Long từ nay không còn mẹ

Cách đó một quãng, căn nhà tuềnh toàng nằm bên bờ ruộng nước bỏ hoang cũng đầy những tiếng khóc thương. Chị Lê Thị Nguyệt (41 tuổi) ra đi khi chồng và đứa con thứ đang đi làm thuê ở tận trên Tây Nguyên. Đứa lớn đang học lớp 11, khóc vật vã vì thương mẹ. "Mẹ nó chết rồi không biết lấy chi mà nuôi mấy đứa. Nó mà phải bỏ học thì tội lắm", một người hàng xóm thở dài. Ở xóm 5, người đàn ông duy nhất bị nạn trong vụ đá sập này là ông Nguyễn Văn Khương (53 tuổi). Nhà nghèo, suốt đời làm diêm dân, nhưng rồi ruộng muối phải bỏ hoang vì làm không hiệu quả, ông tranh thủ đi làm cửu vạn kiếm sống. Nhưng ông cũng không là người may mắn để trở về.

Hơn 46% hộ dân của xã còn là hộ nghèo (báo cáo của UBND xã), người dân vùng này nhiều đời nay sống dựa vào hạt muối. Nhưng mấy năm nay không ai mặn mà với nghề này vì làm muối khó nhọc mà thu nhập lại quá ít. Thanh niên và đàn ông phần lớn bỏ quê đi làm thuê tận trong Nam. Số còn lại là phụ nữ làm cửu vạn trên mỏ đá, ai thuê thì bốc. Vật vã với nhọc nhằn và nguy hiểm, nhưng mỗi ngày công cũng chỉ vài ba chục ngàn đồng. Của vài đồng công khó nhọc, trong nhóm cửu vạn 13 người chiều hôm đó, chỉ có 5 người trở về, trong đó chị Lê Thị Luyến đang nằm ở bệnh viện, nhưng đã phải cắt mất một chân...

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục tai nạn

Ngày 28.12.2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện khẩn số 2021/CĐ-TTg chỉ đạo khắc phục vụ tai nạn nghiêm trọng tại mỏ đá Rú Mốc, xã Thạch Lĩnh, huyện Thạch Bàn, tỉnh Hà Tĩnh làm chết và bị thương nhiều người.

Thủ tướng yêu cầu: Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp chỉ đạo, khẩn trương cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, chia buồn và phối hợp cùng gia đình những người tử nạn để tổ chức mai táng chu đáo. Trong quá trình xử lý, khắc phục sự cố, hết sức lưu ý không để sự số xảy ra tiếp theo, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định rõ nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công thương, Tài nguyên - Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đối với việc khai thác các mỏ đá, trong đó có công tác đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2008.

TTXVN

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.