Mất mạng vì nhậu nhộng ve sầu

09/05/2014 08:55 GMT+7

Chỉ 2 tiếng sau khi ăn món nhộng ve sầu đào được dưới gốc cây điều, 3 người đàn ông bắt đầu có triệu chứng rối loạn thần kinh, run tay chân, co giật…

Mất mạng vì nhậu nhộng ve sầu
Ông Điểu Mỏn khi còn cấp cứu tại bệnh viện - Ảnh: Phước Hiệp

5 con nhộng đổi 1 mạng người

Sau hơn 3 ngày tích cực điều trị, đến chiều ngày 7.5, bệnh nhân Điểu Mỏn (59 tuổi, ngụ ấp Cây Me, xã Thanh Lương, TX.Bình Long, Bình Phước) đã tử vong vì ăn phải nhộng ve sầu nhiễm nấm độc ký sinh.

Theo bà Thị Hai (57 tuổi, vợ ông Điểu Mỏn), trước đó vào khoảng 14 giờ ngày 4.5, ông Điểu Mỏn, Điểu Ba (41 tuổi) và Điểu Khâm (29 tuổi, cùng ngụ ấp Cây Me) rủ nhau đi đào nhộng ve sầu về làm mồi nhậu. Cả 3 người xách cuốc và dao đi ra vườn điều cách nhà Điểu Ba khoảng 3km đào được 1 ổ nhộng ve sầu non khoảng 30 con. Số nhộng ve sầu này được chế biến thành món xào.

Khi ăn được đến con thứ 3 thì thấy nhộng ve xào có vị quá đắng nên Điểu Khâm không ăn nữa, còn Điểu Mỏn ăn hết 5 con, Điểu Ba ăn 4 con. Sau đó, cả ba người đem món nhộng ve sầu đổ bỏ và gọt trái xoài tiếp tục làm mồi nhậu.

Uống được hết 2 xị rượu thì Điểu Khâm đi về nhà nằm nghỉ. Đến 16 giờ, Điểu Khâm bắt đầu có triệu chứng nôn ói, co giật.  Khoảng 30 phút sau, người dân đi đường phát hiện Điểu Mỏn và Điểu Ba cũng đang đang nằm bất tỉnh trong vườn điều, gần chỗ nhậu. Cả 3 lập tức được người chuyển vào Khoa điều trị tích cực và chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước).

Sau khi hội chẩn, bệnh viện đã tiến hành hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân trên. Tuy nhiên, do bị ngộ độc quá nặng, bệnh nhân Điểu Mỏn đã không qua khỏi. Riêng Điểu Ba đã qua cơn nguy kịch và được đưa xuống khoa ngoại để tiếp tục theo dõi, còn Điểu Khâm đã xuất viện về nhà.

Mất mạng vì nhậu nhộng ve sầu
Người nhà các bệnh nhân lo lắng vì có người thân ngộ độc ve sầu - Ảnh: Phước Hiệp

Đừng chết vì thiếu hiểu biết

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Bình Phước, thời gian qua đã có hàng chục trường hợp bị ngộ độc nặng phải nhập viện sau khi ăn ấu trùng ve sầu. Tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện nôn ói, chân tay co giật, run, mắt dãn đồng tử. Chị Thị Thắm (27 tuổi, con gái ông Điểu Mỏn) kể: “Khi ba em nằm viện được một ngày, gia đình tìm đến nơi đào nhộng ve sầu để kiểm tra vì sao ăn nhộng ve mà phải nhập viện. Đào dưới đất lên, thấy nhộng ve ở đó không trắng  như thường ngày, trên đầu có thêm 2 nhánh chĩa ra ngoài giống sừng nai”.

Theo bác sĩ Trần Đại Bảo, Trưởng khoa điều trị tích cực và chống độc BVĐK Bình Phước, các ấu trùng này có hình dáng khác thường, trên đầu nhộng ve sầu có 1-5 cọng (thân) và phần cuối hơi phình ra (quả). ́u trùng khác thường này chính là cấu trúc của một loại nấm độc. Thức ăn được chế biến từ nguyên liệu này sẽ gây ngộ độc sau khi ăn khoảng 2 - 3 giờ tùy thuộc lượng ăn vào (có trường hợp chỉ ăn có 1 con nhộng vẫn bị nhiễm độc). Người bị ngộ độc có các biểu hiện nôn ói, chân tay co giật và dẫn đến hôn mê sâu. Đặc biệt, bệnh nhân sẽ nặng hơn nếu có uống rượu kèm theo.

Vì thế, bác sĩ Bảo khuyến cáo, hiện nay đang là mùa ve, nhiều người thường đi lùng bắt để làm thức ăn. Tuy nhiên, khi các loài côn trùng này sống trong môi trường đất dễ có nguy cơ bị nấm ký sinh. Khi ăn vào rất dễ bị ngộ độc cấp tính nặng dù đã qua chế biến. “Khi bị ngộ độc phải xử lý ngay tại chỗ bằng cách cho bệnh nhân uống nhiều nước hoặc móc họng để gây nôn. Sau đó cho bệnh nhân uống than hoạt tính để đẩy các chất độc ra khỏi hệ tiêu hóa rồi chuyển vào bệnh viện”, bác sĩ Bảo nói.

Phước Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.