Ngán ngẩm thư viện trường - Kỳ 3: Xây dựng thư viện thân thiện

11/11/2009 07:43 GMT+7

Để thư viện không chỉ tồn tại dưới hình thức như một “kho chứa sách”, ngành GD-ĐT đang rục rịch thay đổi hình thức hoạt động để thư viện gần gũi và thân thiện hơn với học sinh.

Ngay tại Hà Nội, tình trạng thư viện chỉ là kho chứa sách vẫn rất phổ biến, thiếu đồ dùng vật chất cơ bản như bàn, ghế, giá sách và đặc biệt là đầu sách nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc của học sinh. Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đề ra nhiệm vụ cho công tác thư viện trường học (TVTH) năm học 2009-2010 với các mục tiêu: 35% TVTH đạt chuẩn, trong đó có 7% đạt loại tiên tiến xuất sắc. Đồng thời, ngành phát động phong trào "Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay" trong giáo viên, học sinh để xây dựng ngăn sách tham khảo, tủ sách dùng chung. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ cho thư viện chỉ giải quyết được một phần; điều quan trọng vẫn là cách thức tổ chức hoạt động của thư viện thế nào để có thể “hút” được học sinh, sinh viên.

Bộ GD-ĐT cho biết đang nghiên cứu và xây dựng "mô hình thư viện trường học giai đoạn mới" theo xu hướng mở, với nguyên tắc, bất cứ lúc nào học sinh vào thư viện cũng có thể kiếm được sách, không bị gò vào khuôn mẫu như trước đây.

Thư viện trường học thân thiện được hiểu với nghĩa mở về các hình thức tổ chức phong phú và đa dạng để đáp ứng các hoàn cảnh, đáp ứng yếu tố vùng miền, điều kiện cơ sở vật chất khác nhau. Thư viện thân thiện là nơi mang lại cho trẻ nhiều lợi ích ngoài mục đích đọc sách. Thư viện cần tạo cơ hội thuận lợi nhất cho trẻ em phát triển các tiềm năng của mình một cách toàn diện. Đó là không gian học tập đa chức năng với các góc hoạt động khác nhau như: góc đọc, góc nghiên cứu, góc sáng tạo, góc vẽ, góc nghệ thuật, góc nghe, góc trò chơi giáo dục...

Có nhiều hình thức để tổ chức thư viện mở, ví dụ: thư viện góc lớp: chỉ đơn giản là một giá sách, tủ sách nhỏ, thậm chí chỉ là các thùng đựng sách nhằm đảm bảo tất cả các lớp ở các khối đều có góc thư viện tại lớp của mình. Hoặc là mô hình thư viện ngoài trời, không gian đọc sách là những chòi lá cọ hoặc dưới những tán cây xanh, thậm chí là cả ở hành lang lớp học, gầm cầu thang (nếu đủ rộng).

Trường tiểu học Hoàng Diệu là một trong những trường đầu tiên ở Hà Nội tổ chức hình thức thư viện mở, học sinh có thể mượn sách trong thư viện và mang ra ngoài sân trường để đọc. Bà Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng trường này, cho biết: "Thời khóa biểu của trường đều bố trí ít nhất mỗi tuần học sinh được tới đọc sách và tự học ở thư viện một lần. Ngoài ra, thư viện thường xuyên mở cửa để giờ giải lao học sinh có thể vào mượn sách".

Theo bà Hòa, nhờ có mô hình này cộng với phong trào “Góp một cuốn sách để được đọc nhiều cuốn sách”, mỗi năm phụ huynh và các tổ chức xã hội đã đóng góp cho thư viện nhà trường khoảng 3-4 ngàn đầu sách. Vì vậy, số lượng sách, truyện của thư viện nhà trường hiện nay rất phong phú, phù hợp với sở thích của học sinh nên các em rất thích vào thư viện.

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay: "Để thu hút học sinh vào thư viện, sở đã yêu cầu các trường có lịch mở cửa và phương thức quản lý, phục vụ phù hợp nhằm nâng cao chất lượng việc đọc sách của giáo viên và học sinh. Đối với học sinh học 2 buổi/ngày, cần bố trí lịch đọc và làm việc với sách tại thư viện theo thời khóa biểu tối thiểu 1 tiết/tuần/học sinh".

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.