Toàn cảnh chứng khoán thế giới 2010

31/12/2010 00:17 GMT+7

(TNO) Năm 2010 được nhìn nhận là thời gian đầu phục hồi của kinh tế toàn cầu. Nhìn lại một năm qua, kinh tế thế giới đã có những bước tiến đáng ghi nhận.

Dưới đây là những thăng trầm của chứng khoán thế giới 2010:

Thâm hụt ngân sách 12,7% GDP

Ngày 4.2.2010, lần lượt chính phủ các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha công bố đang có mức thâm hụt ngân sách năm 2009 cao kỷ lục: chiếm 12,7% đối với Hy Lạp, 11,4% và 9,3% GDP đối với hai quốc gia còn lại.

Thông tin này khiến chỉ số thị trường S&P 500 (Mỹ) giảm mạnh 3,1% ngay trong phiên 4.2; Dow Jones Industrial lùi sát về mốc 10.000 điểm. Chứng khoán châu u ghi nhận chỉ số STXE 600 giảm mạnh 2,69%.

Tuy diễn biến chứng khoán phiên này chưa xấu đến mức để trở thành “ngày đen tối”, nhưng ngày này đã đánh dấu cho sự xuất hiện của “bóng ma nợ nần” trên toàn châu u.

Từ đây cho tới hết năm 2010, “bóng ma” này còn nhiều lần trở lại đe dọa, thậm chí nhấn chìm thị trường chứng khoán thế giới.

S&P 500 vượt “đáy” 69%

Phiên giao dịch 9.3.2009 được giới chuyên gia phân tích ghi nhận là ngày Phố Wall (Mỹ) chạm “đáy” khủng hoảng, khi mà chỉ số S&P 500 chốt phiên chỉ với 676,53 điểm - mức chốt phiên thấp nhất trong vòng 12 năm qua.

Đúng một năm sau, chốt phiên 9.3.2010, chỉ số này đã giành lại 463,92 điểm, tương đương mức tăng 69%.

Các chuyên gia nhận định đây là tín hiệu tốt cho kinh tế Mỹ nói riêng, kinh tế thế giới nói chung khi bước vào thời kỳ hồi phục sau cuộc đại khủng hoảng.

1.000 điểm trừ cho Dow Jones trong “Ngày thứ năm đen tối”

Phiên 6.5.2010, chỉ trong 30 phút giao dịch, chỉ số Dow Jones Industrial đã bất ngờ để mất tới gần 1.000 điểm (khoảng 9,2% tổng số điểm), giá trị toàn thị trường giảm hơn 1.000 tỉ USD. Đây là phiên mà Dow Jones có biến động mạnh nhất kể từ năm 1987 tới nay.

Trước sự "lao dốc" không phanh này, các nhà môi giới lẫn giới đầu tư chứng khoán như "hóa đá" mà không biện pháp hữu hiệu nào cũng như một lý do thích đáng nào được đưa ra.

Lúc đầu, người ta cho rằng khủng hoảng nợ châu u gây nên tâm lý bi quan và dẫn tới đợt “xả hàng” không định trước này. Về sau, lỗi được cho là thuộc về hệ thống đặt lệnh bán đã có sự nhầm lẫn giữa giá bán và số lượng bán một mã cổ phiếu nào đó.

Cơn lốc giảm điểm này khiến chỉ số S&P 500 bị đẩy lùi về sát mốc 1.000 điểm. Tác động của sự kiện này được sánh ngang vụ khủng bố 11.9.2001 làm chấn động cả nước Mỹ.

Đồng thời, cú sốc này đã khiến Ủy ban Chứng khoán Mỹ phải tính tới trường hợp loại bỏ giao dịch của một số cổ phiếu có biến động giá quá mạnh.

1.000 tỉ USD nhằm đánh tan “bão công nợ” châu u

Ba tháng sau khi cơn bão nợ công le lói bùng phát tại châu u và hơn một tháng sau khi Hy Lạp phát tín hiệu cấp cứu, Liên minh châu u (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tìm được tiếng nói đồng thuận trong việc cứu trợ các quốc gia khu vực này.

Ngày 8.5, EU và IMF đồng thuận chi tới 750 tỉ euro (tương đương hơn 1.000 tỉ USD) nhằm nhanh chóng ngăn chặn nguy cơ lan rộng của khủng hoảng nợ công, bảo vệ giá trị đồng euro.

Gói trợ giúp này bao gồm 440 tỉ euro do các thành viên EU đóng góp, 60 tỉ euro từ quỹ sẵn có của EU và 250 tỉ euro từ IMF.

Thông tin này ngay lập tức cho thấy tác dụng đối với thị trường chứng khoán thế giới: Phố Wall tăng mạnh trên 4% trong phiên gần nhất (10.5); trong khi đó châu u tăng mạnh tới 7,2%, cao nhất kể từ tháng 11.2008.

110 tỉ euro cứu Hy Lạp

Cùng với việc thông qua gói trợ giúp 750 tỉ euro, EU và IMF tiếp tục thống nhất chi một gói trợ giúp khác trị giá 110 tỉ euro (tương đương 150 tỉ USD) dành riêng để cứu Hy Lạp thoát khỏi tình trạng vỡ nợ quốc gia và tái thiết nền kinh tế.


Người dân Hy Lạp biểu tình chống cắt giảm chi tiêu - Ảnh: AFP

Gói trợ giúp này gồm 80 tỉ euro từ EU, phần còn lại thuộc trách nhiệm của IMF, được giải ngân cho Hy Lạp trong vòng 3 năm.

Như vậy, tín hiệu cấp cứu của Hy Lạp đã được đáp lại. Tuy nhiên, chính phủ và người dân nước này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải cắt giảm tới 30 tỉ euro chi tiêu trong vòng 3 năm tới, nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% GDP.

Tháng 5.2010 được ghi nhận là tháng thị trường chứng khoán thế giới có biến động mạnh nhất trong năm nay. Tính trong cả tháng 5, Dow Jones giảm gần 872 điểm, tương đương 7,9%; S&P 500 giảm 8,2% - tháng giao dịch tệ hại nhất của cả hai chỉ số kể từ tháng 2.2009.

5.000 tỉ yen kích cầu của Chính phủ Nhật Bản

Tuy không phải là điểm khởi đầu cho “trào lưu” bơm tiền để thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng ngày 5.10.2010, Chính phủ Nhật Bản cũng “học tập” Mỹ công bố gói trợ giúp trị giá 5.000 tỉ yen nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.

Kế hoạch chi chi tiết của gói trợ giúp này cho tới cuối tháng 10 mới được hé lộ. Theo đó, sẽ có 1.500 tỉ yen dùng để mua trái phiếu chính phủ dài hạn, 2.000 tỉ yen để mua các khoản chứng khoán ngắn hạn.

Thêm 600 tỉ USD “kích cầu” kinh tế Mỹ

Trước tình trạng thất nghiệp tại Mỹ tăng cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) một mặt kiên quyết giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục, đồng thời “hạ quyết tâm” bơm thêm 600 tỉ USD hỗ trợ cho nền kinh tế đang trên đà phục hồi sau khủng hoảng.

Cũng giống như những gói kích cầu trước đây, mục tiêu của gói kích cầu lần này vẫn là tập trung kích thích tiêu dùng trong nước và củng cố sức mạnh và độ ổn định cho hệ thống tài chính.


Chính quyền Obama mạnh tay chi tiền kích cầu - Ảnh: AFP

Như vậy, tính từ cuối năm 2008 tới nay, nước Mỹ đã chi tới gần 2.000 tỉ USD để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn. Nếu tính cả các khoản đầu tư chứng khoán, trái phiếu chính phủ và các tài sản khác thì tổng tiền mà Fed đầu tư ra thị trường Mỹ còn lớn hơn nhiều.

Tác dụng của những gói kích cầu này đối với sự phục hồi kinh tế Mỹ có thể chưa được kiểm chứng, nhưng nếu con số này được tổng kết và công bố thì chắc chắn sẽ khiến nhiều người “sửng sốt”.

85 tỉ euro cứu “phép lạ kinh tế” Ireland

Cho tới những ngày cuối năm, “bóng ma nợ nần” vẫn đeo bám dai dẳng các quốc gia châu u. Lần này, tới lượt đất nước được mệnh danh là “phép lạ kinh tế” - Ireland - rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách kỷ lục, chiếm tới 32% GDP.

Một lần nữa, EU và IMF lại phải ra tay - lần này là gói trợ giúp 85 tỉ euro để cứu ngân hàng Ireland khỏi phá sản.


Ireland công bố thâm hụt ngân sách cao gấp 10 lần mức cho phép của EU - Ảnh: AFP

Cũng giống như Hy Lạp, liều thuốc quốc tế này buộc Ireland phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 4 năm tới để giảm mức thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% GDP.

Duy Trần
(Tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.