Cảm hứng nghệ thuật chỉ đến khi bạn bắt tay vào việc

24/10/2006 09:33 GMT+7

Tháng 11, mùa Thanksgiving (Lễ tạ ơn) ở Mỹ. Một lần nữa Nguyễn Trọng Khôi lại bày tranh trong một cuộc triển lãm cá nhân của anh tại thư viện Cary Memorial bang Massachusetts trong một tháng liền (lần mới nhất là vào tháng 4 vừa qua tại California).

Anh là một trong số rất ít hoạ sĩ được mời trưng bày tranh đều đặn ở các phòng trưng bày có uy tín tại Mỹ. Trước khi phòng tranh mở cửa, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện sau đây…

* Từ khi  định cư ở Mỹ, việc sinh nhai và sáng tác của anh thế nào? Anh có sống được bằng tranh không?


Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi

- Ðiều cấp thiết nhất của một người mới định cư nơi một vùng đất mới là ổn định đời sống; nhất là nơi định cư mới lại là vùng đất ngoài quê hương mình. Phải hội nhập được xã hội mới với những căn bản từ ngôn ngữ đến văn hóa khác biệt, sinh hoạt thường ngày… người ta phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục, làm quen với mọi thứ. Trong lúc này chưa thể đặt ra nhũng hoạt động cụ thể, nhất là trong sinh hoạt văn học nghệ thuật.

Tôi là một trường hợp như trên. Vì thế sau một thời gian dài, đến lúc có thể thực hiện được cái khả năng hội họa của mình, tôi lại gặp thêm những trở ngại khác… trước hết là quan điểm nhận thức về cái đẹp, thể hiện nó và để được chấp nhận như một thành viên trong cộng đồng chung, khi mà nền nghệ thuật Việt Nam chưa phải lớn mạnh để có chỗ đứng trên thế giới và chưa được đánh giá đúng đắn; nói chung là chưa đáng quan tâm… Chính vì thế mà 90% hoạ sĩ Việt Nam sống tại nước ngoài đều bỏ nghề. Hiện nay chưa có hoạ sĩ (theo tỷ lệ trên) nào sống tại nước ngoài dám nói mình hiện chỉ sống bằng chính nghề nghiệp của mình mà chỉ có thể nói hiện nay mình vẫn sinh hoạt hội hoạ thường xuyên. Như thế cũng đã là tốt lắm rồi.

* Gần đây thỉnh thoảng anh có về lại TP.HCM và gặp gỡ những họa sĩ, bạn  bè cũ trong giới văn nghệ. Những dịp như vậy có tác động gì đến sáng tác? Chẳng hạn như tạo ra những xung động, những cảm hứng mới?

- Về thăm VN và gặp gỡ bạn bè, gia đình đó là niềm vui khôn cùng của một người bình thường. Những sinh hoạt hội hoạ rầm rộ tạo cho tôi cảm giác như người tham dự vào các lễ hội. Những cảnh trí, con người  gợi cho tôi những đề tài có thể có trong tác phẩm tương lai. Ðối với tôi, hoạ sĩ luôn là người sáng tạo một không gian của cái đẹp. Nó là một không gian trừu tượng không nhất thiết phải lồng vào đó một khái niệm nào cả; vì thế nó vượt ra ngoài mọi biên cương mà con người tự hình thành và áp đặt cho nó. Cảm hứng nghệ thuật theo tôi không từ ngoại cảnh mà nó xuất phát từ quá trình làm việc của họa sĩ. Không bắt tay làm việc bạn sẽ không bao giờ có cảm hứng.

* Tại sao chủ đề lần triển lãm này lại có tên là Quà tặng của Thượng đế? Ý của tác giả là gì với chủ đề này? Tôi thấy anh có nhiều tranh tĩnh vật màu sắc trong suốt vẽ những cái rất bình thường, thậm chí không ai để ý. Đó cũng là quà tặng của Thượng đế sao?

- Thực ra đây chỉ là cuộc triển lãm bình thường như mọi cuộc triển lãm, chỉ khác là nó xảy ra đúng mùa Thanksgiving (Lễ tạ ơn). Lâu nay tôi hay tìm tòi những nét đẹp từ những gì sứt mẻ, rỉ sét, cũ kỹ, thô mộc… Một số tranh tĩnh vật vẽ về lương thực như những củ dền, củ hành, củ cải, những trái cây và những chai rượu .v.v... những thứ mà con người có diễm phúc được Thượng đế ban cho sẽ trưng bày trong dịp này nên lấy chủ đề cho vui mùa vậy thôi. Suy cho cùng mọi vật thể, mọi sự sống trên cõi đời này đều do Thượng đế, hay nói theo kiểu người Việt mình là của Trời cho.


Một tác phẩm của họa sĩ Khôi

* Sau Thượng đế chắc sẽ là trẻ thơ chăng? Hồi xưa tôi rất thích những bức vẽ  về tuổi thơ đầy chất huyền thoại của anh. Tôi có xin anh mấy bức làm phụ bản cho một tập thơ. Anh còn đeo đuổi đề tài này chứ?

- Vâng, đúng vậy.Theo chương trình đã được hoạch định thì triển lãm kế tiếp của tôi sẽ được tổ chức tại thư viện Newton vào tháng 6 năm tới (2007). Trong dịp này tôi sẽ trưng bày giới thiệu một số tác phẩm trừu tượng lấy chủ đề: Trẻ thơ và huyền thoại. Tuổi thơ luôn là một phần không thể thiếu của bất cứ ai. Nó đẹp một cách thánh thiện. Đẹp và buồn, nên khó phai. Tôi nghĩ vậy.

* Rồi sau đó? Nghe nói anh định về sinh sống và sáng tác ở Việt Nam như một số bạn bè trong giới?

- Việc về ở hẳn VN sinh sống và làm việc là điều ai cũng mơ ước, nhất là khi tuổi đã bắt đầu đứng bóng. Người ta thường tìm những niềm vui, an ủi quen thuộc chỉ có quê nhà là có mà thôi. Tôi cũng không phải là người ngoại lệ…

* Cuối cùng, sau hai thập niên chung đụng với nghệ thuật phương Tây ngay trên sân của họ, anh rút ra được kinh nghiệm gì và từ đó nghĩ gì về sinh hoạt mỹ thuật hiện nay trong nước đang rất rầm rộ?

- Không có khẳng định nào có thể xác quyết được dạng thức nghệ thuật. Chính vì vậy cuộc hành trình đi tìm cái đẹp là cuộc hành trình liên tục và không bao giờ chấm dứt. Hết thế hệ này qua thế hệ khác nối tiếp nhau để luôn tìm sự thật của Cái Ðẹp: Thể nghiệm, khám phá và thực hiện nó. Càng tiếp xúc, càng gần gũi với những trào lưu nghệ thuật thế giới, chúng ta càng thấy những đóng góp dù nhỏ nhoi vẫn là những đóng góp quý giá.

T.Đ.T

Nghệ thuật Việt Nam đã có phần khởi sắc hơn trong sự nhìn nhận những quan điểm mới lạ. Các họa sĩ có cơ hội thi thố tài năng. Sự tưng bừng, náo nhiệt của ngành hội họa trong một thập niên vừa qua đã nói lên điều ấy. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ nhận thấy những vồ vập cuống quýt, song song đó là những tự mãn rất lỗi thời đã khiến cho không ít tác phẩm trở thành cẩu thả. Theo tôi, khi nào họa sĩ thực sự biết mình là ai có lẽ chúng ta sẽ không phải bàn về việc này nữa. Dầu vậy, sự mở cửa và đón nhận những thay đổi vẫn là những điều đáng lạc quan. Hy vọng rằng khi mà nghệ thuật cũng được phát triển và được quan tâm theo những suy nghĩ cùng quan điểm thời đại, chúng ta sẽ hãnh diện về nền Mỹ Thuật của Việt Nam trong cộng đồng thế giới.

                                                                              Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi

 

 


 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.