Giám khảo cũng "học" từ thí sinh

12/10/2008 22:58 GMT+7

Ngày 11.10, 20 thí sinh có bài viết xuất sắc nhất được tuyển chọn từ 200 bài dự thi đã chính thức tranh tài ở vòng bán kết cuộc thi Vương quốc Anh - Nơi tôi sẽ đến (do Thanh Niên Daily phối hợp với Hội đồng Anh tại TP.HCM tổ chức)

Những bất ngờ...

Lần đầu tiên có mặt trong cuộc thi tiếng Anh và lại là thí sinh trình bày đầu tiên, Lương Thái Hiển - sinh viên (SV) trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thừa nhận mình còn "run" dù đã hoàn tất phần thi. Hiển cho hay, khi đang học năm 3 ngành Điện kỹ thuật, bạn xác định sau này sẽ làm việc cho các công ty nước ngoài nên đã nỗ lực trau dồi ngoại ngữ. Theo Hiển, mới trải qua 2 vòng thi nhưng kỹ năng nói và viết tiếng Anh của bạn đã được cải thiện rõ rệt, nhất là cách nhấn giọng. Trước khi đi thi hùng biện, Hiển nhiều lần đứng trước gương để tự luyện tập. Nhờ vậy, Hiển đã lọt vào top 10 thí sinh vào vòng chung kết với đề tài "London - thủ đô của Vương quốc Anh".

Vòng thi hùng biện chung kết với khoảng 700 khách mời sẽ diễn ra vào đêm 24.10.2008, tại khách sạn Equatorial (242 Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM), với chủ đề: Hãy nói về ngành học bạn yêu thích và Vương quốc Anh sẽ giúp bạn khai thác tối đa ngành học đó như thế nào?. Thí sinh xuất sắc nhất sẽ nhận được suất học bổng du học toàn phần trị giá 78.000 USD tại Anh quốc.

Dù là học sinh (HS) chuyên Toán trường THPT Năng khiếu TP.HCM, Đào Trọng Nhân vẫn đăng ký tham gia cuộc thi này. Hỏi Nhân có e ngại không khi hầu hết các đối thủ khác đều là dân chuyên Anh, Nhân nói: "Phải tự tin vào bản thân chứ!". 5 phút dành cho mỗi thí sinh trôi qua, cũng là lúc Nhân kịp hoàn tất phần thuyết trình về nhà toán học người Anh Andrew John Wiles. Ban giám khảo hỏi: "Tại sao bạn thích môn Toán hơn những môn học khác?", Nhân đáp ngay: "Vì tôi thích đối mặt với những vấn đề hóc búa". Cậu học trò này cũng đã nỗ lực hết sức để vào đến chung kết.

Không chỉ gói gọn tại TP.HCM, cuộc thi còn thu hút nhiều thí sinh ở các tỉnh, thành phía Nam. Từ tối 10.10, Phạm Hoàng Mẫn - HS lớp 10A trường THPT chuyên Bến Tre, đi xe máy cùng cha vượt gần 100 km đến TP.HCM trong trời mưa tầm tã để chuẩn bị ứng thí. "Cuộc thi là cơ hội để tôi thử sức mình, và cũng để chứng tỏ một điều là học sinh tỉnh lẻ vẫn có thể tranh tài với bạn bè ở thành phố", Mẫn bày tỏ. Còn thí sinh Tạ Vũ Bảo Ngọc - lớp 11 chuyên Anh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bất ngờ "ăn điểm" ban giám khảo khi chọn thuyết trình về TP Oxford. Với câu hỏi: "Vũng Tàu và Oxford là hai TP rất khác nhau, vậy nếu đến Oxford bạn sẽ mang theo gì?", Bảo Ngọc đáp: "Tôi sẽ mang theo chiếc áo dài - chiếc áo tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam".

... và những bài học

Một trong những thí sinh thể hiện lưu loát phần thi của mình là Lê Thị Cẩm Nhung, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM). Nhung đã chọn một góc riêng thú vị trong sân chơi chung khi đề cập đến Paul McCartney - nghệ sĩ tài hoa, thành viên nhóm nhạc The Beatles. Nhung cho hay bạn thích âm nhạc từ bé: "m nhạc tuy nhẹ nhàng nhưng có ảnh hưởng sâu sắc, lay động lòng người.

10 thí sinh vào vòng thi hùng biện chung kết

Lương Thái Hiển - trường ĐH Bách khoa TP.HCM; Nguyễn Thị Kỳ Bình, Lê Nguyễn Tường Vân, Hà Quang Thịnh, Đào Trọng Nhân - trường THPT Năng khiếu TP.HCM, Lê Văn Tùng, Phạm Thị Thủy Tiên - trường ĐH Ngoại thương cơ sở II TP.HCM, Lê Thị Cẩm Nhung - trường THPT Nguyễn Thượng Hiền TP.HCM, Tạ Vũ Bảo Ngọc - trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Võ Thị Mai Khanh - trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM.

Chủ đề này cũng nhẹ nhàng, phù hợp với vốn từ vựng của một HS cấp ba như tôi". Trước câu hỏi của ban giám khảo: "Bạn cho rằng Paul McCartney là thần tượng của mình. Vậy bạn học được gì từ ông ấy?". Nhung hào hứng trả lời: "Tôi học cái cách ông ấy làm việc - nghiêm túc và đam mê. Liên hệ bản thân, tôi muốn đi du học không phải vì bằng cấp mà là để mở mang kiến thức cho mình. Tôi cũng muốn chứng minh rằng: sinh viên VN không thua kém bất cứ SV nào trên thế giới và đất nước VN rất đẹp...".

Trình bày chủ đề liên quan đến chiếc đồng hồ Big Bang, Lê Văn Tùng - SV trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, đúc kết: "Big Bang không chỉ là biểu tượng của nước Anh mà còn là biểu tượng của thời gian. Nhớ đến sự hiện diện của nó, tôi càng ý thức được giá trị của thời gian".

Ông Martin Nixon, thành viên ban giám khảo, nhận xét: "Tôi thấy rất thú vị khi có nhiều bài thuyết trình được thể hiện ở trình độ cao, từ ngữ chính xác, cấu trúc rõ ràng và đưa ra rất nhiều thông tin. Bản thân tôi cũng học được thêm nhiều điều về Vương quốc Anh - những điều giờ đây tôi mới được biết qua phần trình bày của các thí sinh!".

 Như Lịch - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.