Chương trình cắt giảm tàu sân bay của Mỹ

08/08/2013 19:30 GMT+7

(TNO) Lầu Năm Góc có khả năng buộc phải cắt giảm số lượng tàu sân bay từ 11 chiếc xuống còn 8 hoặc 9 chiếc, và giảm quân số của Thủy quân lục chiến từ 182.000 xuống còn 150.000 - 175.000 binh sĩ.

(TNO) Lầu Năm Góc có khả năng buộc phải cắt giảm số lượng tàu sân bay từ 11 chiếc xuống còn 8 hoặc 9 chiếc, và giảm quân số của thủy quân lục chiến từ 182.000 xuống còn 150.000-175.000 binh sĩ.

Thông tin gây sốc mà Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đưa ra hôm 31.7 được ví như lời cảnh báo mạnh mẽ gửi đến Quốc hội Mỹ, sau những thông báo liên tiếp từ Lầu Năm Góc về việc cắt giảm quân số và vũ khí trang bị do những khó khăn về ngân sách trong những tuần vừa qua.   

Trang Defense News dẫn nguồn tin từ các quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quyết định cuối cùng vẫn chưa được thông qua, nhưng xét về mặt bản chất, nếu Quốc hội Mỹ không hành động kịp thời để ngăn chặn việc cắt giảm 52 tỉ USD ngân sách thì lời cảnh báo nói trên rất có khả năng sẽ trở thành hiện thực.  

Mặc dù kế hoạch cắt giảm cụ thể vẫn chưa được công bố, nhưng trong thời gian vừa qua đã có những cuộc thảo luận trong nội bộ Lầu Năm Góc cũng như suy đoán của giới quan sát về tác động trực tiếp và sâu rộng của việc cắt giảm bắt buộc nói trên. Thậm chí một số người còn cho rằng điều này sẽ đẩy nước Mỹ vào tình thế nguy hiểm nếu xảy ra tình huống bất ngờ.

Vì bên cạnh việc cắt giảm tàu sân bay và quân số thủy quân lục chiến, Lầu Năm Góc còn có kế hoạch giảm biên chế các lực lượng khác bao gồm 7 phi đoàn chiến đấu cơ, một tuần dương hạm, từ 3 đến 4 khu trục hạm, và gần 10.000 binh sĩ hải quân phục vụ trên các tàu sân bay, theo Defense News.

Kế hoạch cắt giảm tàu sân bay

Đứng đầu danh sách ưu tiên cắt giảm trong số 11 chiếc tàu sân bay hiện đang hoạt động là 3 chiếc USS George Washington, USS John C. Stennis, và USS Harry S. Truman. 

Mặc dù đều chưa phải là những chiếc cũ nhất thuộc lớp Nimitz, nhưng 3 chiếc tàu sân bay nói trên vẫn bị cho vào “danh sách đen” vì đã lâu chưa được đại tu và tiếp nhiên liệu hạt nhân. Riêng chiếc USS George Washington dự kiến đến năm 2015 sẽ cạn nhiên liệu. 

Những chiếc cũ hơn thuộc lớp Nimitz như USS Nimitz, Dwight D. Eisenhower, Carl Vinson và Theodore Roosevelt sẽ được giữ lại vì đã hoàn thành tiếp nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân. Còn chiếc USS Abraham Lincoln vừa mới bắt đầu đại tu và tiếp nhiên liệu tại nhà máy đóng tàu Huntington Ingalls Industries, bang Virginia nên có thể nằm trong vòng an toàn.  

Chương trình cắt giảm tàu sân bay của Mỹ
 Tàu sân bay USS John C. Stennis (trái) và USS Abraham Linhcon trong một lần "đổi ca" ở Trung Đông - Ảnh: Reuters

Kế hoạch cắt giảm tàu sân bay không hề đơn giản và có khả năng dẫn đến nhiều hệ lụy. Các căn cứ hậu cần tàu sân bay phải tạm ngưng hoạt động, và các nhà máy đại tu và tiếp nhiên liệu sẽ phải đóng cửa, dẫn đến tình trạng hàng ngàn công nhân phải nghỉ việc, theo Defense News.  

Ngoài ra, chi phí xử lý các tàu sân bay cũng rất tốn kém và kéo dài. Như chiếc USS Enterprise 8 lò phản ứng đến bây giờ mới ở trong giai đoạn đầu của quá trình xử lý kéo dài nhiều năm tiêu tốn hơn 1.1 tỷ USD. Các tàu sân bay lớp Nimitz chỉ có hai lò phản ứng nhưng chi phí xử lý và khử xạ cũng vẫn rất tốn kém.

Còn giải pháp cho các tàu sân bay “tạm nghỉ việc” tại các cơ sở an toàn như căn cứ hải quân cũng được tính đến nhưng rất phức tạp và khó khăn, vì Hải quân hiện phải xử lý đến 7 tàu sân bay cũ đã ngưng hoạt động. Các lò phản ứng hạt nhân một khi ngưng hoạt động trong một thời gian dài sẽ khó có thể được khởi động lại.

Theo Defense News, việc giảm biên chế các phi đoàn của tàu sân bay sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí và hỗ trợ công cuộc hiện đại hóa lực lượng. Cụ thể là sau khi phi đoàn F/A-18 Hornet lớp C được giải nhiệm thì quân đội Mỹ sẽ sở hữu toàn các chiến đấu cơ Super Hornet lớp E và F hiện đại hơn nhiều. Ngoài ra, các trực thăng săn tàu ngầm SH-60 cũng sẽ sớm về vườn.

Số phận của tàu chiến

Bên cạnh việc cắt giảm tàu sân bay, hải quân Mỹ còn có kế hoạch giải nhiệm 7 chiếc tuần dương hạm lớp Ticonderoga trang bị hệ thống tác chiến Aegis trong số 22 chiếc đang ở giai đoạn sau của quá trình phục vụ 30 - 35 năm theo dự kiến.

Với loại khu trục hạm lớp Arleigh Burke, Hải quân vẫn tiếp tục đóng mới sau khi chiếc đầu tiên được đóng vào năm 1991. Theo kế hoạch, sẽ cắt giảm một số chiếc có thâm niên phục vụ lâu nhất, nhưng rất khó ra quyết định vì hầu hết đều đã được trang bị hệ thống tác chiến chống tên lửa đạn đạo (BMD).

Bên cạnh đó, chương trình phát triển radar phòng thủ tên lửa (AMDR) thế hệ mới dự kiến trang bị cho biến thể Arleigh Burke Flight III trong năm 2016 cũng đang có nguy cơ bị trì hoãn, bất chấp nhu cầu cấp bách cho loại hình nhiệm vụ này.

Về phần tàu tác chiến duyên hải (LCS), hiện nay Hải quân đã ký hợp đồng đóng chiếc thứ 24 trong số 52 chiếc theo kế hoạch. Quân chủng này đang xem xét khả năng sẽ loại bỏ một trong hai biến thể LCS hoặc dừng lại ở con số 24 chiếc. 

Việc giảm biên chế Thủy quân lục chiến cũng dẫn đến việc cắt giảm số lượng tàu đổ bộ. Theo đó, lực lượng tàu tấn công đổ bộ Peleliu sẽ được thay thế toàn bộ bằng lớp tàu America. Còn tàu lớp Wasp do chi phí bảo dưỡng quá tốn kém, đến 110 triệu USD mỗi chiếc nên cũng sẽ phải ngừng hoạt động.

Riêng tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio hiện đang đóng chiếc thứ 11 tại nhà máy đóng tàu Huntington Ingalls Industries nên khó bị cắt giảm, vả lại loại tàu này hoạt động hiệu quả không kém các tàu chiến loại lớn hơn.

Tàu ngầm cũng bị ảnh hưởng

Lầu Năm Góc đặc biệt ưu ái lực lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân của mình nên loại tàu này khó có khả năng bị cắt giảm. Nhưng chương trình phát triển hệ thống bổ trợ VPM với 4 ống phóng lớn mà Hải quân mong muốn trang bị cho các tàu ngầm lớp Virginia Block V thì đang có nguy cơ bị trì hoãn vì mỗi VPM tiêu tốn đến 350 triệu USD.

Chương trình phát triển loại tàu ngầm thay thế cho tàu lớp Ohio cũng đang gặp khó khăn vì chi phí phát triển quá lớn. Hiện nay vẫn chưa có kế hoạch đóng chiếc đầu tiên trước năm 2021.

Như vậy, sau khi bị cắt giảm, hải quân Mỹ chỉ còn sở hữu từ 230 hoặc 250 tàu. Điều này đồng nghĩa nhu cầu sử dụng căn cứ hoặc cơ sở hậu cần cũng ít hơn.

Theo chiến lược xoay trục sang châu Á, 60% hạm đội sẽ được đặt tại khu vực Thái Bình Dương, vì thế một số cơ sở có thể phải đóng cửa. Mục tiêu tiềm năng sẽ là nhà máy đóng tàu hải quân Portsmouth ở Kittery, bang Maine, và căn cứ hải quân Mayport ở Florida, và một số cơ sở nhỏ hơn.

Ngoài ra, ngành công nghiệp đóng tàu cũng bị ảnh hưởng không kém. Điển hình là sự hợp nhất của hai công ty đóng tàu lớn nhất là Huntington Ingalls Industries và General Dynamics, dẫn đến việc phải đóng cửa một hoặc hai trong số năm cơ xưởng lớn của hai công ty này. Như vậy, các hợp đồng trong tương lai của Hải quân Mỹ sẽ ít có tính cạnh tranh, là điều mà quân chủng này không hề mong muốn, theo Defense News.

Nguyên Giang

>> Nhật trình làng tàu sân bay trực thăng 'khủng
>> Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ hai?
>> Ấn Độ sắp hạ thủy tàu sân bay nội địa
>> UAV “khủng” lần đầu tiên đáp xuống tàu sân bay Mỹ
>> Trung Quốc khởi công căn cứ tàu sân bay ở Hải Nam
>> Mỹ “sẽ thay tàu sân bay đóng tại Nhật”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.