Phố thời trang Nguyễn Trãi

11/11/2005 11:03 GMT+7

Một con đường không dài, nối liền giữa quận 1 và 5 (TP.HCM), nhưng lại có mật độ tiệm quần áo thời trang khá dày với nhiều đoạn tiệm sát tiệm, manơcanh sát manơcanh. Chúng tôi đã thử đếm, cả con đường dài chừng 3,5km này có tới 294 tiệm, cứ cách khoảng 11m lại có một điểm bán quần áo.

Phân chia đẳng cấp

Khuê tẩn mẩn lật từng lớp ren trên thân chiếc áo màu nâu sẫm. Xong, cô lại lộn trái, lộn phải ngắm nghía phần mạc, nút đính kèm, đường may. Săm soi kỹ như vậy vì cô sắp bỏ ra 1,4 triệu đồng để mua chiếc áo “bé xíu” này: “Tôi không tiếc tiền mua nếu như nó là hàng đúng hiệu, đúng xuất xứ như lời chủ tiệm giới thiệu”, Khuê nói, rồi tiếp: “... Nhưng “tiền tươi thóc thật” mà, nên tôi phải phòng hờ ngộ nhỡ mua phải hàng nhái, điêu thì ức lắm”.

Khuê là người ít đi mua sắm, nhưng đã xài thì cho đáng, đổi lại cô mua hàng rất kỹ. Có nhiều lần, cô bỏ cả 2 ngày nghỉ cuối tuần để đi rảo hết mấy tiệm xem giá, xem kiểu trước khi quyết định mua một món nào đó. Khu vực mà cô thường lui tới nhất là phố thời trang Nguyễn Trãi, và khác với các khách sộp chỉ đến những tiệm quen, Khuê rất siêng đi rảo từ tiệm bình dân đến nơi chuyên bán hàng hiệu.

Theo Khuê, dù đã tạo thành một phố thời trang nhưng mỗi đoạn phố của Nguyễn Trãi có khách riêng. Đoạn phường 15, quận 5 được chia cho nhóm khách tuổi từ 15-20. Hàng ở đây đa chủng loại, đa xuất xứ: hàng chợ có, Thái có, Trung Quốc và hàng xuất khẩu còn dư cũng có. Đặc điểm ở đây là giá mềm, trung bình từ 70.000-300.000 đồng/món.

Đoạn từ ngã ba Nguyễn Trãi - Lê Hồng Phong đến ngã tư Nguyễn Trãi - Tôn Thất Tùng tập trung được một số nhãn hiệu Việt Nam có uy tín cho người trẻ, thời trang công sở như Việt Thy, Việt Tiến, may Tây Đô, Sanding... Tuy nhiên, nhóm sản phẩm ở đây cũng không đồng đều: khu hàng chợ, hàng Thái lọt  vào khu hàng sản xuất trong nước có nhãn hiệu, khu hàng cao cấp như tiệm Hồng Khoa lại đứng chen chân chung với hàng  từ các nhà may... Có đẳng cấp hơn cả là một số cửa hàng nằm ở khu vực Nguyễn Trãi, quận 1. Đoạn phố này chỉ chừng 200m nhưng có khá nhiều cửa hàng bán hàng cao cấp với giá trị mỗi sản phẩm từ 500.000 - 700.000 đồng đến vài triệu đồng.

N., chủ cửa hàng Le Samedi nói rằng cách đây 3 năm khi tính toán mở cửa hàng bán quần áo thời trang, địa điểm đầu tiên chị nghĩ đến là đường Nguyễn Trãi và nhất định chỉ mở phía đầu đường gần vòng xoay Phù Đổng Thiên Vương. “Vì dù là một phố thời trang nhưng đẳng cấp ở đây hầu như đã được phân chia rồi”, N. nói. “Tôi bán các sản phẩm nhập từ châu u và có giá khá cao, cho nên tiệm nhất định phải nằm trên đoạn đó chứ không thể ở đoạn dưới được!”, chị khẳng định.

Giữ tiếng thơm bằng chiều khách

“Aubade là nhãn hiệu đồ lót cao cấp, mỗi sản phẩm của họ giá vài triệu đồng. Họ mới khai trương cách đây không lâu một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi. Theo tôi, sự có mặt của Aubade một lần nữa lại khẳng định đẳng cấp của phố thời trang này”, Kim Châu, chủ hệ thống 3 cửa hàng quần áo thời trang trên đường Nguyễn Trãi nói. “Mặt khác, việc các nhãn hiệu thời trang trong nước như B-Blue, Nino Maxx, Việt Thy sẵn sàng bỏ nhiều chi phí hơn, thậm chí là không lời nhưng hầu hết vẫn đều muốn thiết lập được cửa hàng tại đây, chủ yếu để làm thương hiệu chứ không phải bán hàng, chứng tỏ con đường Nguyễn Trãi vẫn còn sức hút”. Nhưng Châu cũng thẳng thắng thừa nhận: “Sòng phẳng mà nói, phố thời trang Nguyễn Trãi so với thời điểm cách đây 5 năm, khi tôi mở cửa hàng đầu tiên ở đây, đã đổi thay nhiều”. Theo Châu, sự thay đổi đó được thể hiện trong việc có quá nhiều cửa hàng kinh doanh với chất lượng, giá cả không đồng đều. Khách bị lừa, bị mất lòng tin và tẩy chay cửa hàng, tẩy chay luôn phố thời trang. “Cách mà chúng tôi đang làm là tự thân vận động để giữ được tiếng thơm của chính cửa hàng và phố thời trang Nguyễn Trãi”, Kim Châu nói.

Cách phổ biến mà các cửa tiệm ở đây chọn là kích thích mua sắm bằng khuyến mãi, giảm giá. Hầu như ngày nào trên con đường này cũng có ít nhất 3 tiệm trưng bảng đang khuyến mãi, giảm giá với mức giảm có khi lên đến 80%. Vào dịp cuối năm, từ tháng 12 trở đi, dù không được quy hoạch như một phố hàng sale-off (giảm giá) nhưng dọc theo các cửa hàng từ 17h trở đi lại mọc lên những chiếc bàn, thùng quần áo chỉ chuyên bán xôn, giảm giá đủ loại từ hàng trong nước sản xuất đến hàng xuất khẩu, xách tay... Cách thứ hai là bán hàng bằng... mắt. Chủ các cửa hàng trên con đường này khá năng động trong cách thiết kế, trưng bày, làm đẹp không gian mua sắm theo mùa mua, theo thời tiết và thậm chí theo cả những dịp lễ kỷ niệm, sự kiện thể thao, văn hóa trong năm. Nhưng, một trong những biện pháp giữ khách khá hiệu quả và “khéo” mà chủ tiệm thường huấn luyện nhân viên là tạo không khí mua sắm thân thiện. Tôi từng chứng kiến cảnh một người quản lý một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi đã than phiền nhân viên chỉ vì cái “tội” không chịu đứng đợi khách thử quần áo. Cô nhân viên cho rằng: “Khách đã lựa được bộ quần áo nào thì họ tự thử và quyết định có mua hay không. Nếu mình cứ đứng kè kè sợ họ ngại hoặc nghĩ là mình cứ thúc ép họ phải mua”. Nhưng người quản lý lại khẳng định chắc nịch: “Em cứ nhẹ nhàng, từ tốn đợi khách thử quần áo xong, ra ngắm nghía cùng họ xem coi có chỗ nào chưa đẹp, cần sửa thì cứ mạnh dạn đề nghị, đưa ra giải pháp. Đó là trách nhiệm của một người bán hàng để đem đến cho họ một sản phẩm đẹp và hợp với họ nhất. Đó là cách mình chăm sóc khách hàng chứ không phải là trông coi. Và, không được quên hai tiếng cám ơn kể cả khi khách không mua. Người Việt mình trọng hai tiếng cám ơn lắm!”... Tôi lại chợt nhớ tới câu chuyện ở một trung tâm thương mại lớn, cứ mỗi sáng ngay giờ mở cửa, nhân viên bán hàng đứng thành hàng dài cúi đầu chào khách. Trong một không gian mua bán hiện đại, cách chăm sóc khách hàng kiểu truyền thống xem ra cũng còn hiệu quả lắm!

Theo Sài Gòn Tiếp thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.