Trên những "điểm nóng" Trung Đông

28/12/2006 00:09 GMT+7

Bài 2: Dải Gaza dưới cánh quạt trực thăng 7 giờ 30 phút sáng 20.12, chiếc xe đặc chủng Ford E 350 của Bộ Ngoại giao Israel tiếp tục đưa chúng tôi rời khách sạn Yamit Plaza trên đường Hayarkon nằm cạnh Đại sứ quán Mỹ và quán rượu Mike's Place - địa điểm nổi tiếng với vụ đánh bom tự sát của một phần tử Hồi giáo cực đoan người Anh năm 2003 khiến 3 người chết và 60 người bị thương - đến sân bay Herzila ngoại ô Tel Aviv để lên một chiếc trực thăng đến thị sát Dải Gaza nóng bỏng.

Trên đường đi, chúng tôi được thông báo vắn tắt: tối qua 7 quả rốc-két hiệu Kassam đã được hai phe vũ trang Hamas và Jihad từ Dải Gaza bắn sang thành phố biên giới Sderot mà chúng tôi sắp đến. Ngay lập tức sáng hôm đó Thủ tướng Israel, Ehud Olmert đã triệu tập khẩn cấp một cuộc họp với các quan chức an ninh cao cấp của Israel để bàn biện pháp đối phó với hành động trên. Không khí trong xe có vẻ căng thẳng, cánh nhà báo Việt Nam chúng tôi đều nhìn nhau nhưng không ai nói với ai một câu nào. Khi xe đến sân bay Herzila, ở đó đã có một toán an ninh Israel chờ sẵn. Một cuộc sát hạch về an ninh bắt đầu, với phần kiểm tra là phần hỏi đáp riêng từng người một với các nhà báo Việt Nam. Mặc dù là khách mời của Bộ Ngoại giao Israel, chúng tôi vẫn phải trình hộ chiếu và phải trả lời các câu đại loại như: mục đích chính của anh chị đến Israel là gì, có quen ai ở Trung Đông không, có biết sử dụng loại vũ khí nào không? Sau khoảng 20 phút, chúng tôi được đưa vào bên trong sân bay, vào một phòng đợi nhỏ, ở đó viên phi công lái chiếc trực thăng chở chúng tôi đã chờ sẵn và thông báo với chúng tôi một số nguyên tắc khi ở trên trực thăng. Ông đề nghị trong bất kỳ trường hợp nào xảy ra cũng phải tuân theo mệnh lệnh của ông, khi máy bay cất cánh, hạ cánh, không ai được tự ý làm bất kỳ điều gì, nói tóm lại khi lên máy bay là phải gần như ngồi bất động. Sau đó, một nhân viên an ninh sân bay đưa cho 5 người chúng tôi mỗi người một bản cam kết bằng tiếng Anh yêu cầu chúng tôi ký, trong đó ghi rõ chúng tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu không may có chuyện gì xảy ra. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi lên một chiếc trực thăng đi vào một trong những tâm điểm nóng nhất của Trung Đông và thế giới, trong bối cảnh nơi chúng tôi sắp đến đang có tin tức không được tốt lành. Có những lúc tôi đã nghĩ đến những tình huống xấu nhất, nếu không may trực thăng chúng tôi có thể ăn trọn một quả tên lửa "nho nhỏ" từ dưới mặt đất. Và khoảnh khắc đó, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là mẩu tin hôm qua tôi gửi về tòa soạn có thể là mẩu tin cuối cùng trong đời làm báo của mình...


Thành phố Sderot nhìn từ trên cao

Đến biên giới Dải Gaza

Theo hành trình chúng tôi bắt đầu dọc xuống phía Nam, bay men theo biên giới Bờ Tây, vòng xuống Jerusalem, rồi từ đó tiếp tục bay sâu xuống phía Nam, đến Dải Gaza. Trực thăng sẽ hạ cánh xuống thành phố Sderot, thành phố "tử thần" nằm cạnh ngay biên giới Dải Gaza.

Chiếc trực thăng 7 chỗ bao gồm cả một phi công, một hướng dẫn viên và 5 nhà báo Việt Nam cất cánh lúc 9 giờ 30, lấy độ cao rồi đâm thẳng sang khu Bờ Tây. Phi công yêu cầu tất cả chúng tôi đeo bộ đàm vào để dễ liên lạc, ông thông báo thời tiết không được tốt, có rất nhiều sương mù ở phía nam. Tôi phải thú thật rằng cảm giác lúc đó không lấy gì làm thích thú, dường như là một cảm giác bất lực. Tôi cố gắng không nghĩ về những tình huống xấu khi máy bay thỉnh thoảng trở nên chao đảo khi gặp những cơn gió mạnh và sương mù bắt đầu dày đặc.

Từ trên cao, chúng tôi bắt đầu rời xa Tel Aviv, bay qua một làng dân cư Do Thái có tên là làng Sharon, làng mang tên cựu Thủ tướng Israel và cũng là nơi ông này sinh ra, rồi bay vào vùng núi hẻo lánh. Toàn cảnh Bờ Tây bắt đầu hiện ra với các hàng rào biên giới bằng thép cao quá đầu người khoảng 3 - 4m, phần dưới khoảng 1m được xây bằng bê tông cốt thép. Nằm bên phía Bờ Tây là thêm một chiến hào được đào sâu, bên Israel là một con đường chạy xung quanh hàng rào thép đó. Cả bên phía Israel và Palestine đều đặt thêm các hàng rào thép gai nhỏ nữa, riêng phía Israel có thêm một hệ thống quan sát bằng radar, cứ vài trăm mét thì có một trạm quan sát như vậy. Tuy nhiên, một người dân Israel chỉ cần đứng ở mái nhà của họ bên này có thể nhìn sang toàn bộ cảnh sinh hoạt của nhà người Palestine bên kia. Và cứ bên này một làng của người Israel thì bên kia là một làng của người Palestine.

Từ trên cao Bờ Tây là một vùng lãnh thổ nằm kín trong lục địa tại Trung Đông. 40% vùng này (gồm cả đa số dân cư của nó) đang nằm dưới quyền tài phán hạn chế của chính quyền Palestine, trong khi Israel vẫn giữ quyền kiểm soát chính (gồm các vùng định cư Israel, các vùng nông thôn, và các vùng biên giới). Dân số của Bờ Tây đa phần là người Palestine (84%) với một thiểu số người định cư Israel. Những trao đổi giữa hai xã hội đó nói chung đã giảm sút nhiều trong những năm gần đây vì lý do an ninh. Quân đội Israel kiểm soát tương đối chặt chẽ sự đi lại của người Palestine cũng vì lý do này.

Cũng phải phân biệt rằng, lãnh thổ của người Palestine gồm hai phần, phần lớn hơn là khu Bờ Tây, phần nhỏ hơn là Dải Gaza, hai phần này hoàn toàn tách rời nhau bằng một vùng đất thuộc quyền kiểm soát của Israel. Dải Gaza hoàn toàn do người Palestine kiểm soát, trong khi ở Khu Bờ Tây tình thế "cài răng lược" vẫn diễn ra. Bờ Tây được chia làm ba khu vực, khu A do chính quyền Palestine kiểm soát hoàn toàn, khu B là khu vực tranh chấp, còn khu C là do người Israel kiểm soát. Tuy nhiên mỗi khu như vậy đôi khi vẫn có khu người Do Thái và Ả Rập sống lẫn lộn. Người dân Palestine muốn đi lại trên mảnh đất của họ lại phải xin phép chính quyền Israel. Chính quyền Palestine đóng ở Dải Gaza, trong khi các cơ sở giáo dục y tế, văn hóa xã hội là đóng ở Bờ Tây. Các quan chức chính quyền Palestine khi đi ra nước ngoài phải qua cửa khẩu Rafah, biên giới với Ai Cập.

Máy bay tăng độ cao bay qua thành phố Jerusalem rồi bắt đầu đi xuống phía nam, nhiệt độ trong khoang bắt đầu lạnh đi, máy bay đi vào vùng biên giới giữa Dải Gaza và Israel. Tôi nhớ lại thông tin đọc được trong cuốn hướng dẫn ở sân bay rằng rốc-két Kassam là một loại tên lửa vác vai có tầm bắn 16 km, trong khi đó máy bay chúng tôi bay ở độ cao khoảng 2.000m cạnh biên giới Dải Gaza. 30 phút sau, máy bay bắt đầu hạ độ cao để xuống thành phố Sderot, hạ cánh xuống một bãi đất trống, không nhà cửa, cây cối, và nhìn sang bên kia không xa là biên giới Dải Gaza. Tại đó, một chiếc xe đặc chủng khác, trông rất "hầm hố" đang chờ chúng tôi, một chiếc xe bán tải khác chở một số thiết bị và đi dẫn đường. Chúng tôi bắt đầu đi vào thành phố Sderot, người hướng dẫn viên chỉ: cách đó khoảng 500 mét về phía nam là biên giới với Dải Gaza.

Nhưng trước hết, chúng tôi được đưa về Sở Cảnh sát thành phố để nghe thông báo về vụ bắn rốc-két Kassam hôm qua vào thành phố. Trên đường đi, người hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi những chỗ mà rốc-két Kassam đã bắn vào. Những vết đạn cày lỗ chỗ trên đường xe chúng tôi bắt đầu chạy qua. Anh trấn an chúng tôi rằng, sau khi nghe còi báo động 3 - 4 phút, những quả rốc-két Kassam mới tới được đích. Có lẽ anh nghĩ rằng với thời gian đó cánh nhà báo chưa hề ra chiến trường như chúng tôi sẽ đủ thời gian để chui vào một nơi trú ẩn nào đó chăng ? (Còn tiếp)

X.D (Sderot 12.2006)

Kỳ 1: Đến thánh địa Jerusalem

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.