Xử lý nghiêm thủy điện xả lũ sai

23/11/2010 01:01 GMT+7

Tập trung vào ba vấn đề nóng là điện, nhập siêu và khai thác bauxite, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được 42 phiếu chất vấn của 35 ĐBQH và 30 lượt ĐB đăng ký chất vấn với 19 lượt ý kiến trao đổi trực tiếp.

Quan tâm đến vấn đề xả lũ của hồ thủy điện, ĐB Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) hỏi: “Cử tri rất bức xúc cho rằng xả lũ của các hồ thủy điện vừa qua làm tăng lũ lớn đến người dân miền Trung. Tại văn bản số 11782 ngày 20.11.2010, Bộ trưởng đã trả lời với ĐBQH nhưng giải trình rất chung chung, cho xả lũ trong đợt vừa qua là vô can, không làm tăng lũ. Tôi rất ngạc nhiên vì Bộ trưởng không dùng số liệu cụ thể để chứng minh. Mong muốn của người dân và chính quyền địa phương là có sự hỗ trợ của các chủ đầu tư thủy điện”.

Nhiều nhà máy nhiệt điện do công ty Trung Quốc làm tổng thầu EPC sử dụng công nghệ lạc hậu?
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội)
Chưa có thông tin chính thức nào về việc các nhà thầu này mang công nghệ lạc hậu vào VN

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng cho biết: “Tôi chưa hề có câu trả lời nào khẳng định sự không liên quan của thủy điện nhỏ với lũ lụt vừa qua”. Theo ông Hoàng, quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ cả nước, có 230 dự án với tổng công suất 1.520 MW,  nhưng mới đã và đang triển khai 90 dự án, tổng công suất 500 MW. Miền Trung và Tây Nguyên do sông có độ dốc lớn, chiều dài ngắn, mùa khô cạn kiệt, mùa mưa nước về nhanh, phần lớn thủy điện nhỏ (dưới 30 MW) không có chức năng điều tiết nước lũ. Tuy nhiên, đã rà soát và bổ sung một phần nhiệm vụ điều tiết lũ cho các dự án như A Vương, Ba Hạ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt hai quy trình vận hành liên hồ chứa tại khu vực sông Vu Gia  - Thu Bồn và sông Ba Hạ.

“Nhưng một số dự án thủy điện đã làm không đúng, như Thủy điện sông Ba Hạ, Ban quản lý nhà máy chưa báo cáo với UBND tỉnh, đây là sai sót của nhà máy, Bộ đã yêu cầu EVN kiểm tra, xác định nguyên nhân trách nhiệm, tùy theo mức độ sai phạm có xử lý nghiêm theo quy định hiện hành”, Bộ trưởng Hoàng khẳng định.

Năm 2011, tách nhiều nhà máy điện khỏi EVN
Báo cáo thêm với QH theo đề nghị của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Về vấn đề thiếu điện, tôi với tư cách là thành viên chính phủ và trưởng ban chỉ đạo nhà nước về quy hoạch điện 6, xin nhận trách nhiệm về tình hình thiếu điện với QH, với cử tri”. Sau khi phân tích một số nguyên nhân, Phó thủ tướng cho biết, trong tháng 12 sẽ ban hành cơ chế giá điện gió (sản xuất điện gió ở Bình Thuận 12,5 cent/kWh, trong khi giá bán điện trung bình hiện nay là 5,2 cent/kWh). Chính phủ sẽ trình phương án hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho sự chênh lệch này, nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Cuối năm 2010 sẽ ban hành giải pháp tái cơ cấu ngành điện. Sang năm 2011, sẽ thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, tách các nhà máy điện ra khỏi EVN, chỉ để lại một số nhà máy điện chiến lược, hai khâu truyền tải, phân phối vẫn do EVN đảm nhiệm.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, “sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện nói chung, trong đó có thủy điện nhỏ, các dự án ít hiệu quả kinh tế nhưng tác động môi trường lớn hơn, sẽ dừng và thu hồi triển khai. Vừa qua đã thu hồi 38 dự án thủy điện nhỏ ở 9 tỉnh miền Trung”, Bộ trưởng Hoàng cho biết.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, do Bộ trưởng không khẳng định cũng không phủ nhận tác hại của thủy điện, nên cần lập hội đồng kiểm định độc lập, song song đó cần dừng các dự án thủy điện cho đến khi xác định rõ lợi hại, đưa ra cơ chế bồi thường thiệt hại cho người dân.

 Về tình trạng cung cấp điện không công bằng và không minh bạch làm người dân bức xúc, theo chất vấn của ĐB Nguyễn Đình Xuân, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp thu: Điều mà người dân băn khoăn và bức xúc chính là câu chuyện đại biểu đã nêu, việc tiết giảm điện, việc cắt điện cũng có thời điểm, có nơi, có lúc chưa thực sự công bằng, thậm chí chưa rõ ràng, chưa minh bạch, chính điều này người dân thắc mắc, hiện tượng đại biểu nêu là đúng. Vừa qua Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đã kiểm tra, chỉ đạo và yêu cầu những đơn vị cung ứng điện để xảy ra tình trạng này, trước hết là phải kịp thời chấn chỉnh và thứ hai là phải có lời xin lỗi đối với người dân ở khu vực đó. Tuy nhiên không chỉ dừng ở xin lỗi mà trên thực tế chúng ta phải khắc phục tình trạng này. Trong thời gian vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam trong việc xây dựng phương án cung cấp điện năm 2011 cũng như các năm sau, đặc biệt trong giai đoạn có thể khó khăn, tức là mùa khô thì phải chủ động các phương án ứng phó và đặc biệt là chấm dứt không để tiếp tục tái diễn tình trạng cắt điện triền miên ở một khu vực hoặc kéo dài ở một địa bàn gây nên sự mất công bằng trong xã hội.  

Năng lực của chủ đầu tư trong chọn thầu làm nhiệt điện

Qua kiểm tra của chúng tôi đối với một số nhiệt điện chẳng hạn Nhiệt điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Nhiệt điện Cao Ngạn, Cẩm Phả và Nhiệt điện Sơn Động thì đều có vấn đề kỹ thuật khi đưa vào thực hành thì đều bị trục trặc và chậm tiến độ rất nhiều. Chính chậm tiến độ ở đây là năng lực nhà thầu, năng lực nhà thầu có những vấn đề chúng tôi cho rằng trong việc chọn nhà thầu của chúng ta chưa hợp lý. Vấn đề này chúng tôi vẫn nhấn mạnh là năng lực của chủ đầu tư trong vần đề chọn nhà thầu chứ đừng nói là theo luật, luật của chúng ta hiện nay được Quốc hội sửa đổi 2 lần rồi, đến bây giờ mặc dù cũng có một số điểm phải khắc phục nữa, nhưng Luật đấu thầu khá hiện đại và khá tiếp cận được với thông lệ quốc tế để lựa chọn các nhà thầu đầy đủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.