Nelson Mandela chiến thắng hận thù

08/12/2013 09:00 GMT+7

Lúc bước qua cánh cổng để đến với tự do, tôi hiểu rằng nếu không để nỗi đắng cay và thù hận lại phía sau thì tôi vẫn sẽ còn tiếp tục bị giam hãm', Mandela.

“Lúc bước qua cánh cổng để đến với tự do, tôi hiểu rằng nếu không để nỗi đắng cay và thù hận lại phía sau thì tôi vẫn sẽ còn tiếp tục bị giam hãm”, Mandela.

 
Hình ảnh Nelson Mandela trong Bảo tàng Hertor Pieterson ở Soweto - Ảnh: Đỗ Hùng

Giữa chốn nghèo khó có một con người vĩ đại

Một ngày tháng 6 của bốn năm về trước, bác tài xế William Nkoto dẫn tôi đi dọc phố Vilakazi ở khu Soweto. “Giữa chốn nghèo khó này có một con người vĩ đại”, người đàn ông Xhosa nói. Chúng tôi dừng chân trước số nhà 8115. Ngôi nhà gạch cùng khu vườn nhỏ bé đón rất đông du khách thập phương, chỉ bởi, đây từng là nơi cư ngụ của một tâm hồn lớn: Nelson Mandela, hay như cách mà người Nam Phi thường trìu mến, Madiba.

“Dưới chế độ Apartheid, tôi là một người lau dọn ở nhà hàng của dân da trắng. Cuộc sống cùng cực. Và rồi Madiba ra tù, đổi thay đã ùa đến”, William tâm sự, khi dẫn tôi đi qua khoảnh sân bên hông nhà, nơi có những em bé thơ đang nghe cô giáo kể về Madiba. “Bây giờ tôi vẫn là một gã lái xe nghèo. Nhưng tôi là người tự do. Tôi làm chủ bản thân mình. Madiba mang lại cho tôi không phải là sự đổi đời về mặt tiền bạc. Ông ấy mang đến cho tôi phẩm giá của con người. Ông ấy ươm vào hồn chúng tôi sự thứ tha sau những đắng cay, thù hận".

William kể câu chuyện về bản thân, cũng là của cả đất nước Nam Phi trong hành trình từ đêm trường Apartheid tới những ngày tự do tươi sáng.

Ngôi nhà này, ở số 8115 Vilakazi, là nơi Nelson Mandela từng sống trong những năm tháng đấu tranh chống phân biệt chủng tộc cho tới năm 1962. Giờ đây, vẫn nhỏ bé như ngày xưa cũ, nhưng ngôi nhà dường như trở nên vĩ đại, mênh mông bởi tầm vóc của cựu chủ nhân.

“Nếu cần, tôi có thể chết vì lý tưởng”

Nelson Mandela sinh ngày 18.7.1918 trong một gia đình thuộc tộc người Xhosa sống tại làng Mvezo thuộc vùng Umtatu, miền đông nam Nam Phi. Ông bắt đầu hoạt động chính trị vào thập niên 1940, cũng là giai đoạn mà chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc Apartheid bước vào thời kỳ thống trị. Là một luật sư, ông mở văn phòng luật để bảo vệ quyền lợi cho những người bị áp bức. Khi đảng Dân tộc (National Party) lên cầm quyền vào năm 1948 và theo đuổi chính sách phân biệt chủng tộc hà khắc đối với dân da đen, Apartheid từ một hệ tư tưởng đã trở thành một thảm họa của toàn đất nước và những con người bảo vệ kẻ yếu như Nelson Mandela bị biến thành kẻ thù của chế độ. Ông và các đồng chí của mình là mục tiêu lùng bắt của lực lượng an ninh, dù thời kỳ đầu đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của ông chủ trương đấu tranh bất bạo động, một đường lối mang ảnh hưởng của Mahatma Gandhi. Đến giai đoạn chính quyền Apartheid áp dụng chính sách khủng bố đẫm máu đối với người chống đối, ANC chuyển qua đường lối đấu tranh bạo lực.

 

Ông đã bỏ lại thù hận phía sau, để trở thành một người tự do thực thụ; đất nước và người dân Nam Phi của ông, nhờ thế, được hưởng thụ một nền tự do đúng nghĩa

Trong phiên tòa năm 1964 xét xử ông và các đồng chí về tội “lên kế hoạch phá hoại nhà nước”, Nelson Mandela đã giải thích đường lối của mình: “Tôi không phủ nhận rằng tôi đã lên kế hoạch phá hoại. Tôi làm điều đó không phải vì sự khinh suất hay vì sở thích bạo lực. Tôi đã lên kế hoạch này theo sau những đánh giá nghiêm túc và bình tĩnh về tình hình chính trị nảy sinh sau nhiều năm nhân dân chúng tôi bị người da trắng bóc lột, áp bức dưới chế độ chuyên quyền”.

Cũng trong phiên tòa ấy, ông đã chọn cách đứng lên hùng biện, thay vì bào chữa: “Trong suốt đời mình, tôi luôn tận sức cho cuộc đấu tranh của nhân dân châu Phi. Tôi đấu tranh chống lại sự thống trị của người da trắng; tôi đấu tranh chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi nuôi dưỡng lý tưởng về một xã hội tự do và dân chủ, trong đó tất cả mọi người sống với nhau hài hòa và bình đẳng về cơ hội. Đây là một lý tưởng mà tôi muốn sống để đạt được. Nhưng nếu cần, tôi có thể chết vì lý tưởng đó”.

Và rồi, chế độ Apartheid đã cầm tù Mandela suốt 27 năm, những muốn hủy diệt ý chí đấu tranh của ông, cũng là của tất cả những con người bị áp bức tại đất nước này. Trong suốt thời gian đó, hình ảnh ông bị cấm phổ biến, sách viết về ông cũng bị thiêu hủy, ngoại trừ sách lên án “tội ác” của ông. Ông bị biệt giam trong tù, trong đó có thời gian dài ở trên đảo Robben, cách không xa thành phố Cape Town.

Nhưng tù đày hà khắc đã không triệt tiêu được ý chí đấu tranh của Mandela, trái lại, nó nung nấu trong ông một quyết tâm mãnh liệt. Và rồi, ngày 11.2.1990, sau những áp lực của quốc tế và trong nước, chính quyền Apartheid của Tổng thống da trắng Frederik de Klerk đã trả tự do cho ông. Hàng chục ngàn người đã đến trước cổng nhà tù Victor Verster ở miền tây nam Nam Phi để chào đón Mandela. Đêm hôm ấy, ông cùng đám đông tiến về Cape Town, và trước biển người ủng hộ, ông hô vang: “Chính quyền thuộc về chúng ta”.

Con đường của thứ tha, hòa giải

Câu khẩu hiệu “Chính quyền thuộc về chúng ta” cùng với những năm tháng tù đày, có lẽ đã trầm tích trong con người Nelson Mandela những hận thù phải trả, khiến nhiều người mường tượng tới cảnh máu chảy đầu rơi, cầm súng cướp chính quyền trong những ngày tới. Viễn cảnh ấy càng hiện rõ hơn, khi trong buổi tối hôm đó ở Cape Town, Mandela hùng hồn: “Cuộc đấu tranh của chúng ta đã bước vào thời khắc quyết định. Hành trình đến với tự do của chúng ta là không thể đảo ngược. Đây là lúc cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên tất cả các mặt trận. Cho phép mình ngơi nghỉ lúc này là một sai lầm mà các thế hệ tương lai sẽ không thể nào tha thứ cho chúng ta”. “Cuộc đấu tranh” ở đây được nhiều người diễn dịch là cách mạng vũ trang.

Nhưng không, vượt qua những lo sợ và e ngại của nhiều người, cũng như nằm ngoài mong muốn của những người quá sôi nổi cách mạng, Mandela ở tuổi 73 sau 27 năm ngồi tù đã dẫn dắt cuộc đấu tranh đi theo một con đường không ngờ tới: con đường của thứ tha, hòa giải. Không hề có trả thù đẫm máu, không hề có một cuộc vùng lên cướp chính quyền. Cách mạng đã diễn tiến bằng những nỗ lực chính trị, với việc đảng Đại hội Dân tộc Phi chuẩn bị “giành chính quyền” theo hình thức văn minh nhất: bầu cử dân chủ.

Năm 1994, chủ nghĩa Apartheid chính thức bị khai tử khi nhân dân Nam Phi được quyền tự quyết, ghi tên Nelson Mandela lên lá phiếu bầu. “Kẻ nổi loạn”, tù nhân của nhà nước rốt cuộc đã trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Và khác với những người thắng cuộc khác, ông đã không tìm mọi cách để duy trì quyền lực dài lâu. Ông chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ, sau đó rời chính trường để cho guồng máy dân chủ tiếp tục vận động đúng quy luật.

Nelson Mandela vĩ đại vì ông luôn bênh vực kẻ yếu, không bao giờ khuất phục trong cuộc đấu tranh vì quyền con người. Ông còn vĩ đại bởi, sau khi cách mạng thành công, đã xây dựng cho đất nước một thiết chế dân chủ lành mạnh, và ông là người thực hiện nghiêm túc nhất quy luật của nền dân chủ đó. Nhưng trên tất cả, là nguyên nhân dẫn đến một tầm vóc Nelson Mandela như hôm nay, đó là ông đã chiến thắng được hận thù, ích kỷ, để không thực hiện những cuộc trả thù thường thấy ở những kẻ mới vừa chiến thắng.

Sau những năm tháng lao tù đằng đẵng, ông vẫn vị tha, bởi như lời ông chia sẻ: “Lúc bước qua cánh cổng (nhà tù) để đến với tự do, tôi hiểu rằng nếu không bỏ nỗi đắng cay và lòng thù hận lại phía sau thì tôi vẫn sẽ còn bị giam hãm”.

Ông đã bỏ lại thù hận phía sau, để trở thành một người tự do thực thụ; đất nước và người dân Nam Phi của ông, nhờ thế, được hưởng thụ một nền tự do đúng nghĩa.

Ông bay vào cõi vĩnh hằng vào một ngày mùa hè, gần hai mươi năm sau khi nền dân chủ được khai sinh trên miền đất cực nam châu Phi. Vẫn còn non trẻ, nhưng với nền móng vững chắc mà Madiba đã khai lập, thiết chế dân chủ ấy sẽ trường tồn.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma thông báo lễ viếng ông Mandela sẽ diễn ra tại sân vận động ở Soweto vào ngày 10.12. Thi hài của ông sau đó sẽ được quàn ở Pretoria trong 3 ngày trước khi được tiến hành an táng tại quê nhà ở làng Qunu thuộc tỉnh Eastern Cape vào ngày 15.12.

 Danh Toại

Đỗ Hùng

>> Ba đời Tổng thống Mỹ đến Nam Phi tưởng niệm Nelson Mandela
>> Discovery công chiếu phim tài liệu mới về Nelson Mandela
>> Vĩnh biệt huyền thoại Nelson Mandela
>> Truyền thông thế giới đồng loạt tiễn đưa ông Nelson Mandela
>> 7 bộ phim về Nelson Mandela
>> Nelson Mandela, chiến sĩ chống AIDS ở Nam Phi
>> Người tù thế kỷ Nelson Mandela - Niềm hy vọng bất diệt (Kỳ 2)
>> Nhà Trắng treo cờ rũ tưởng niệm Nelson Mandela

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.