Gian lận đo lường diễn ra hằng ngày

21/11/2008 22:59 GMT+7

Gian lận trong cân, đong, đo đếm là chủ đề được tập trung thảo luận tại hội nghị “Đo lường - công bằng trong bán lẻ và dịch vụ” do Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TP.HCM tổ chức vào ngày 21.11.

Cân, đong đều thiếu

TS Nguyễn Mộng Hùng (Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM) bức xúc phản ánh tình trạng gian lận đo lường đang diễn ra hằng ngày, công khai trước mắt mọi người. Đang có hàng ngàn, hàng vạn xe đẩy bán hàng rau quả, thủy hải sản lưu động trên đường, trước chợ với những chiếc cân “8 lạng bằng 1 ký”. Ông Hùng nói: “Giờ đi chợ mua 1 ký mà còn 900g là mừng lắm rồi”.

Dẫn các số liệu, tính toán của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (NTD), TS Nguyễn Mộng Hùng cho biết hằng năm NTD ở phía Nam bị thiệt hại gần 540 tỉ đồng do các cây xăng gian lận gây ra, trong đó thiệt hại do đong thiếu xăng là 198 tỉ đồng; thiệt hại do xăng bị pha để “nâng cấp” chuẩn xăng là 342 tỉ đồng, tương đương với 18 triệu lít. Ông Hùng đặt câu hỏi: Sồ tiền thiệt hại rất lớn này của NTD có được bồi thường không? Và tự trả lời: Chưa được bồi thường. Lý do là quyền lợi của NTD chưa được bảo vệ theo luật pháp. Họ đang bị thiệt đơn, thiệt kép bởi các kiểu gian lận. Ông Hùng cho rằng Nhà nước cần truy thu lại số tiền mà cây xăng vi phạm đã “móc túi” khách hàng, giao cho Sở Tài chính, Bộ Tài chính quản lý, để hỗ trợ cho công tác thanh tra và hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ NTD. 

Trong 10 tháng đầu năm 2008, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện tổng cộng 56 vụ gian lận trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố. Chiếm nhiều nhất trong số này là các trường hợp không có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, gian lận trong đo lường khi bán xăng cho khách hàng. Các cây xăng vi phạm chủ yếu ở Q.9, H.Hóc Môn, Q.12, H.Củ Chi...

Gas cũng là một mặt hàng thường xuyên bị gian lận trọng lượng. Hành vi gian lận phổ biến nhất vẫn là bơm thiếu gas so với trọng lượng trên vỏ bình. Theo lời khuyên của các công ty gas, người tiêu dùng chỉ nên mua gas ở các đại lý uy tín, có sự ủy quyền của các công ty lớn và phải kiểm tra trọng lượng bình gas khi mua để tránh thiệt hại.

Trung Bảo

Về gian lận trong kinh doanh xăng dầu, bà Võ Việt Hà - Thanh tra Sở KH-CN TP.HCM nói rõ hơn: Ngoài bán thiếu cho khách hàng, một số cửa hàng còn gian lận bằng cách pha xăng A83 với xăng A92 rồi bán với giá xăng A92; hay pha xăng A92 với xăng A95 và bán với giá xăng A95. Thanh tra Sở KH-CN đã xử lý vi phạm hành chính 13 đơn vị vi phạm về đo lường và chất lượng; có 11 trường hợp Thanh tra Sở KH-CN đã chuyển qua Công an TP.HCM để xem xét trách nhiệm hình sự.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, theo ông Nguyễn Thanh Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) tỉnh Bình Dương - từ đầu năm 2008 đến nay đã kiểm tra 265 cột đo xăng dầu của 68 doanh nghiệp (DN), kết quả có 14 DN vi phạm về đo lường, trong đó có 11 cột đo xăng dầu gắn bo mạch điện tử và chip điện tử để gian lận về đo lường.

Gian lận cước taxi

Đối với gian lận về cước taxi, theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong thời gian gần đây, nhất là trong thời điểm giá cả nhiên liệu không ổn định, cạnh tranh giữa các đơn vị taxi ngày càng gay gắt, việc bắt chẹt hành khách, gian lận đồng hồ tính cước taxi ngày càng biến tướng bằng các hình thức tinh vi hơn trước. Nếu như trước đây, việc gian lận bằng cách tự tháo gỡ niêm chì taximet để điều chỉnh giá cước, thì nay đã có nhiều trường hợp gian lận bằng chip điện tử, không thể phát hiện bằng mắt thường. Còn theo Chi cục TC-ĐL-CL TP.HCM, các hình thức gian lận trong kinh doanh taxi rất đa dạng, từ đơn giản đến kỹ thuật cao. Từ các hình thức có thể thấy được như áp biểu giá cao hơn, đến các hình thức không nhìn thấy như thay đổi chu vi bánh xe sau khi kiểm định; thay đổi tín hiệu từ bộ cảm biến đến bộ đếm của taxi và thay đổi chương trình của taximet sau khi kiểm định.

Tiếp tục kiểm tra kinh doanh xăng dầu

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 21.11, ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ KH-CN cho biết, để bảo vệ quyền lợi NTD và chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong thời gian qua Bộ KH-CN đã chỉ đạo lực lượng thanh tra địa phương tập trung kiểm tra chất lượng các mặt hàng xăng dầu, gas, mũ bảo hiểm... Đặc biệt là kiên quyết xử lý các hành vi sai phạm trong đo lường, chất lượng. Đợt tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu vẫn đang được tiếp tục trên cả nước. Theo báo cáo từ 60 tỉnh thành, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 3.396 cơ sở kinh doanh xăng dầu và phát hiện 163 cơ sở vi phạm sai số phép đo (chiếm 21,7%); có 135 cơ sở vi phạm chất lượng xăng dầu; 97 cơ sở vi phạm nhãn hàng hóa. Tổng số tiền phạt từ các vụ vi phạm lên tới hơn 3,3 tỉ đồng.

Thu Hằng

Mức phạt còn quá nhẹ

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị nên xử lý hình sự đối với các hành vi gian lận trong đo lường, thay vì xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay. Cũng có những ý kiến đề nghị nên phạt thật nặng, ở mức có thể làm cho đơn vị vi phạm “sạt nghiệp” để răn đe. Mức phạt tối đa 30 triệu đồng như hiện nay là rất nhẹ. Đại diện Tập đoàn Mai Linh đã lặp lại nhiều lần lời đề nghị xử phạt thật nặng hành vi gian lận cước taxi.

Về phía NTD, Chi cục TCĐLCL TP.HCM đề nghị: Khi nghi ngờ, phát hiện các hành vi gian lận trong đo lường, NTD có thể gọi điện thoại đến Chi cục TCĐLCL TP.HCM  (08.3.9307203), Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (08.3.9307204) hoặc Thanh tra Sở KH-CN (08.3.9326888) cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng này xử lý. TS Nguyễn Mộng Hùng thì đề nghị cơ quan chức năng cần công bố trên báo chí những DN gian lận, để NTD biết thông tin, từ đó mới có cơ sở thực hiện quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, quyền được bồi thường và một số quyền khác được ghi trong Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi NTD cũng như trong Luật Dân sự.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.