Báo động nguồn nước mặt

22/05/2014 10:38 GMT+7

Sông, suối trơ đáy cộng với thủy điện ở thượng nguồn chặn đổi dòng đã khiến nguồn nước mặt ở vùng hạ lưu, trong đó có Đà Nẵng bị thiếu hụt trầm trọng.

Sông, suối trơ đáy cộng với thủy điện ở thượng nguồn chặn đổi dòng đã khiến nguồn nước mặt ở vùng hạ lưu, trong đó có Đà Nẵng bị thiếu hụt trầm trọng.

 Khô hạn
Thủy điện ĐắkMi 4 chặn dòng khiến nhiều dòng sông đưa nước về Đà Nẵng cạn đáy - Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng sáng qua (21.5) đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề bức xúc này: “Thời gian qua nắng nóng diễn ra trên diện rộng, lượng mưa gỉam so với trung bình nhiều năm cộng với tình trạng các thủy điện ở thượng nguồn chặn dòng tích nước, chuyển nước từ sông Vu Gia sang Thu Bồn làm suy giảm dòng chảy từ thượng nguồn về hạ lưu, đã gây ra ô nhiễm, nhiễm mặn cục bộ trên các sông ở Quảng Nam và Đà Nẵng”. Đây không phải là lần đầu tiên, lãnh đạo TP.Đà Nẵng phàn nàn về chuyện thiếu hụt nguồn nước mặt khiến người dân Quảng Nam (chủ yếu ở H.Đại Lộc, Điện Bàn) và TP.Đà Nẵng phải kêu than do thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt.

“Tại Đà Nẵng, những năm gần đây độ mặn ở các sông tăng lên, thành phố tốn rất nhiều kinh phí để đưa nước thô từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước cầu Đỏ xử lý”, ông Nguyễn Điểu nói tại hội thảo “Đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu biến đổi khí hậu đối với nguồn tài nguyên nước mặt TP.Đà Nẵng”. Theo TS Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện khoa học thủy lợi miền Trung - Tây nguyên: “Theo quy hoạch được phê duyệt thì thủy điện Sông Bung 4 sẽ được xây dựng trước thủy điện ĐắkMi 4 và nếu vậy thì TP.Đà Nẵng sẽ không thiếu nước. Tuy nhiên, trên thực tế thủy điện ĐắkMi 4 lại được xây dựng trước đã chuyển nước từ sông Vu Gia đổ sang Thu Bồn dẫn đến làm giảm dòng chảy mùa kiệt gây thiếu nước cho khu vực hạ lưu”.

Ngoài ra, cũng theo TS Hoàng Ngọc Tuấn, các công trình thủy điện trên thượng nguồn chỉ mới xây dựng quy trình vận hành riêng lẻ mà chưa có quy trình liên hồ chứa, do đó việc tích nước và xả nước còn nhiều vấn đề thiếu hợp lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở hạ lưu...

Để giải quyết rốt ráo xung đột về lợi ích trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các chủ đầu tư, các địa phương trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Viện trưởng Viện khoa học thủy lợi miền Trung - Tây nguyên đề nghị Chính phủ, Bộ TN-MT sớm thành lập Ban lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để điều phối chung các hoạt động về quản lý, khai thác tài nguyên nước trong lưu vực.

Hữu Trà

>> Khốn khổ vì tắt nguồn nước
>> Miền Trung tiếp tục khô hạn gay gắt
>> Khô hạn tiếp tục gây thiệt hại
>> Khô hạn có thể trầm trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.