Đón giao thừa giữa New York

30/12/2009 11:40 GMT+7

Thử một lần du lịch bụi đến New York, hòa cùng người Mỹ đón giao thừa tại một trong những địa danh nổi tiếng nhất thế giới: Quảng trường Thời Đại (Times Square).

Đi xe đò bình dân

Từ Philadelphia đến New York cách hơn hai tiếng đi xe hơi. Tìm trên mạng, chúng tôi thấy có một hãng xe giá khá hời: Chỉ 20 USD cho cả chuyến đi New York bao gồm khứ hồi. Thời giá cách nay 1 năm. Giờ có thể rẻ hơn nữa.

Đến bến xe tại trung tâm TP Philadelphia tôi mới biết đây là loại xe đò bình dân của người Hoa, mang tên New Century Travel (vận tải thế kỷ mới).

Xe đã khá cũ, ghế ngồi nhỏ  lại không có bến đỗ nên mỗi lần thả khách, rước khách cả xe lại ồn ào, xô bồ không khác mấy chiếc xe đò  ở VN. Tuy thế khách đi xe khá đông.

Hành khách trên xe đa số là người châu Á, người da đen và cả vài thanh niên khá trẻ tay xách máy ảnh và laptop cùng balô đầy sách.

Giờ chạy ghi là 11 giờ nhưng xe cứ nấn ná thêm hơn 10 phút vì hy vọng có thêm khách. Không khăn lạnh, không có cả nước uống như bên ta. Xe cứ chờ mãi cho đến khi hành khách bắt đầu phàn nàn thì chàng tài xế thản nhiên đóng cửa xe, bình thản bò xe ra xa lộ.

Ngày cuối năm người ta đi lại nhiều hơn nên xa lộ khá đông xe. Vậy mà chàng tài xế một tay lái xe, một tay cầm điện thoại hết nhắn tin lại alô dông dài với ai đó.

Xe cứ lao vun vút trên đường với tốc độ lên cả trăm cây số. Một vài vị khách lớn tuổi đưa tay làm dấu thánh.

Càng gần tới New york, trời càng mù dần. Vội gọi điện thoại nhờ người quen xem giùm thời tiết thì mới biết ngày cuối năm, New York sẽ có rất nhiều tuyết rơi.

Ngang qua dòng sông Hudson và đường hầm Holland Tunnel nổi tiếng, tôi đã có mặt ở Trung tâm New York, bắt đầu cho chuyến làm ta ba-lô.

Thả bộ ở New York

Xe thả khách xuống đường Allen ngay gần khu phố người Hoa. Trời khá lạnh nhưng đường phố New York vẫn đông người đi bộ. Trong những bộ đồ lạnh trùm kín mít, tuyết rơi vương trên vai áo trắng xóa khiến mọi người trông như những công nhân lò vôi.

Hòa mình trong dòng người đó, tôi lang thang hết con phố này đến con phố khác để nhìn ngắm, để xem những thứ mà trước đến nay chỉ được xem trên tivi.

Những con phố của người Hoa với lối kiến trúc khá giống với khu Chợ Lớn ở Sài Gòn. Cũng những gian nhà chất đầy hàng hóa, những dòng chữ bằng tiếng Hoa chi chít và cả màu đỏ đặc trưng, dường như phố người Hoa nơi đâu cũng gần giống nhau.

Trong những gian hàng người Hoa, tôi thấy cả vài cửa hàng có đề chữ Phở khá rõ bằng tiếng Việt. Háo hức tưởng gặp đồng hương, tôi mở cửa đi vào hỏi thăm chủ quán bằng tiếng Việt. Nào ngờ ông chủ quán phở lắc đầu lia lịa. Hóa ra ông là người Hoa, kinh doanh món phở thì phải nhờ người viết tiếng Việt cho hợp lý.

Tại một tiệm nail, tôi cũng hỏi cô chủ quán là có biết tiếng Việt không. Cô này thì đúng là người Việt, nhưng sinh ra trên đất Mỹ và cũng ít gặp người Việt nên tiếng Việt của cô chỉ lõm bõm.

Dọc theo đường Broadway, tôi đến được khu thương mại thế giới năm xưa, giờ bị quây kín để xây dựng trung tâm mới.

Cùng với dòng người đông nghịt, tôi chỉ biết đi vòng quanh hàng rào, ghé mắt qua những chỗ thủng vào bên trong, nhìn những máy móc đang xây dựng tấp nập bất kể ngày cuối năm.

Trời xế chiều, dọc các cửa hàng thời trang sáng đèn rực rỡ, những món hàng được trưng ra ngoài cửa kính với những bảng đại hạ giá to tướng. T

ôi tò mò bước chân vào một tiệm thời trang quần áo nữ khá lớn: Chỉ 30 USD cho một bộ áo đầm nữ, 25 USD cho chiếc váy xếp nhiều tầng.

Không hiểu biết nhiều về thời trang nữ nhưng, nhìn bảng đại hạ giá từ 50- 70% như thế, tôi chỉ biết tặc lưỡi than rẻ vì ở TPHCM, những tiệm thời trang sang trọng thế này cũng chẳng có hàng rẻ hơn ở New York.

Bước ra phố, những quầy hàng nho nhỏ trên vỉa hè bán những món đồ lưu niệm, chẳng khác đồ lưu niệm bày nhan nhản ở các khu du lịch khắp Việt Nam.

Xem chán các loại hàng rồi chọn một ổ bánh mỳ kiểu Mỹ thay cho bữa tối, tôi bước xuống ga tàu điện ngầm để tránh cái lạnh. Và dưới đường hầm, tôi cũng gặp nhiều người ngồi vạ vật trên các băng ghế, cũng trốn lạnh như tôi.

Gặp một người Việt

Chín giờ tối, hầm tàu điện ngầm trở nên chật chội. Chuyến nào cũng đông nghẹt người đủ màu da, đủ lứa tuổi. Ga tàu ngột ngạt và ồn ào nên tôi đành từ bỏ chỗ ngồi, cùng len giữa đám đông trở lại hè đường.

Tại đây, đường chật kín những người. Những chiếc xe ô tô không may mắn kiếm được chỗ đậu thì chạy vòng vòng. Tràn ngập đèn quảng cáo, tràn ngập ánh sáng đủ sắc màu cùng những màn hình rực rỡ.

Chẳng cần tìm hiểu, tôi cũng biết dòng người đang đi đến Quảng trường Thời Đại nên đi theo, vừa đi vừa ngó nghiêng hy vọng sẽ kiếm được đồng hương nào đó.

Thật may mắn cho tôi, sau cả tiếng đồng hồ chen chúc giữa biển người, tôi đã nghe một giọng tiếng Việt oang oang: “Mày không tin được đâu, tao đang đứng ở Quảng trường Thời Đại nè. Đông người lắm. Lát nữa quả cầu sẽ rơi, vui lắm. Tao sẽ kể mày nghe sau. Bai nghe!”.

Đó là một anh chàng còn khá trẻ, chừng 20 tuổi. Anh chàng tên là Huy - dân Sài Gòn và hiện là du học sinh tại Úc. Huy nghỉ Noel, nhờ có bà con ở Chicago- Mỹ mời qua chơi.

Từ Chicago tới New York cũng khá xa nhưng vì nghe tiếng Quảng trường Thời Đại khá lâu nên Huy đón mấy chặng xe lửa để đến. Một mình lang thang giữa New York hai ngày nay, Huy quyết tâm phải nhìn tận mắt quả cầu pha lê rơi xuống rồi mới chịu về.

Huy háo hức kể về chiến tích hai ngày lang thang giữa New York. Huy đã đi hầu hết các địa danh nổi tiếng tại đây chỉ bằng cuốc bộ, nhảy xe buýt và ngủ dưới ga tàu điện ngầm.  

Đón giao thừa kiểu Mỹ

Tỏ vẻ sành sỏi, Huy kéo tôi đi chen vào giữa biển người, cố lách để tiến về hướng trung tâm quảng trường. Lượng người quá đông, nên lách mãi, chúng tôi mới chỉ đi được lòng vòng quanh đám đông và đành chọn một vị trí có đặt chiếc màn hình tivi lớn để xem.

Trên màn hình, những tiết mục ca nhạc sôi động nối tiếp nhau khiến cho đám đông chung quanh chúng tôi nhảy múa hò hét bằng đủ thứ ngôn ngữ.

Cùng với Huy, tôi cũng hét, cũng reo, và cảm thấy sự phấn chấn của mọi người lây sang cả mình. Đêm đón chào năm mới thực sự là đêm vũ hội khổng lồ giữa trung tâm thành phố khổng lồ.

Bất chợt tiếng nhạc và sự ồn ào ngưng hẳn rồi mọi người cùng đồng thanh đếm ngược: 9, 8… 3, 2, 1 và 0  rồi tất cả òa lên, reo hò theo hình ảnh quả cầu sáng rực rơi xuống từ nóc tòa nhà One Times Square.

Huy hét lên với tôi: “Vợ chồng cựu tổng thống Bill Clinton tham gia thả quả cầu kìa”.  Tiếng Huy át đi bởi những tiếng reo hò chung quanh. Thời khắc năm mới đã bắt đầu. Mọi người chung quanh chúng tôi dù quen dù lạ đều bắt tay nhau, chúc nhau.

Nhiều cặp nam nữ hôn đắm say. Trên bầu trời, màn trình diễn pháo hoa và bong bóng bắt đầu. Những quả bong bóng khổng lồ bay lên chầm chậm, mang theo những dòng chữ cầu chúc năm mới.

Rồi nhạc lại nổi lên, mọi người mê đi trong những điệu nhảy, lời hát. Vũ hội dường như không có kết thúc.

Ba giờ sáng, tôi chia tay Huy để ra bến xe chờ chuyến xe đầu tiên trở về Philadelphia. Đường xá New York vẫn đông nghịt.

Theo Trọng Thịnh (Tiền Phong)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.