Kích cầu cho lúa gạo và cá tra

30/12/2008 12:05 GMT+7

Một năm nhìn lại, hạt lúa và con cá tra vẫn là vấn đề "nóng" nhất của ngành nông nghiệp nước ta. Không chỉ cá tra, cá ba sa gặp khó khăn về tiêu thụ, mà lúa gạo cũng đang lâm vào tình cảnh tồn kho những tháng cuối năm.

Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp tổng kết ngành năm 2008, được tổ chức ngày 29.12 tại HN dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tăng trưởng cao, nhưng chưa bền vững

Bộ NNPTNT nhận định, sản lượng lương thực năm 2008 đạt cao nhất từ trước tới nay, với hơn 38,6 triệu tấn (tăng 3 triệu tấn so với năm ngoái). XK gạo đạt kim ngạch kỷ lục trong sáu mặt hàng XK trên 1 tỉ USD, với gần 2,9 tỉ USD.

Số liệu mới nhất của Hiệp hội Lương thực VN (HHLTVN) cho thấy, hiện nước ta đã xuất khẩu hơn 4,7 triệu tấn gạo; dự kiến đến cuối năm sẽ xuất khoảng 5,1 triệu tấn. Thủy sản cũng vượt chỉ tiêu XK với 4,3 tỉ USD, riêng cá tra, cá ba sa đạt hơn 1,5 tỉ USD (tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái).

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP), mức tăng giá trị và kim ngạch XK thủy sản - đặc biệt là cá tra năm 2008 khó có thể duy trì bền vững. Tổng Thư ký VASEP - ông Nguyễn Hữu Dũng - lo ngại: "Trong năm tới, cá tra dự báo thiếu sản lượng, bởi khủng hoảng tài chính một mặt nào đó tạo cơ hội cho cá tra tiêu thụ mạnh do giá hợp lý. Tuy vậy, chúng ta không chủ động do nhà NK liên tục gia hạn tín dụng, hợp đồng XK theo đó không ổn định, nông dân mất quyền định đoạt sản lượng do khó tiếp nhận hợp đồng chính xác".

Đó cũng là tình cảnh chung của hạt gạo, khi vấn đề dự báo thị trường vẫn mập mờ, nguồn hàng chưa huy động kịp  để xuất đi. "Điệp khúc "được mùa - rớt giá" vẫn diễn ra hàng năm, một số giống lúa thơm cao sản tại ĐBSCL được dự báo là dư thừa và có nguy cơ mất giá. Giá cá tăng - giảm đột biến, nguồn hàng cũng thừa - thiếu tùy thời điểm, nên định mức trên 5 triệu tấn gạo XK mỗi năm vẫn là con số cần bàn" - Chủ tịch HHLTVN - ông Trương Thanh Phong, nhận định.

Trích "gói kích cầu" xây kho lúa gạo

Dự báo thiếu sản lượng cá tra do nhu cầu tiêu thụ thế giới tăng trong 2009, VASEP cho rằng, cần có biện pháp thỏa đáng thúc đẩy nông dân sản xuất. Theo ông Dũng, trọng tâm vẫn là nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm. "Cần có cơ chế đưa hợp đồng vào tận ao, hồ nông dân, bao tiêu đầu ra. Ngân sách không chỉ đầu tư cho tập đoàn lớn, mà phải hướng đến từng DN như cho vay lãi suất ưu đãi, dãn nợ... DN sẽ tự tìm đến nhau để liên kết cạnh tranh theo hợp đồng" - ông Dũng khẳng định.

Phía Hiệp hội LTVN đề xuất Chính phủ lưu tâm đến vấn đề xây kho dự trữ lương thực. Ông Phong nhấn mạnh: "Hiện khả năng dự trữ lúa tại ĐBSCL chỉ đạt 800.000 tấn. Mục tiêu đặt ra là 4 - 5 triệu tấn. Nguồn hàng sẵn có trong kho sẽ hạn chế nhà NK ép giá, chưa kể sẽ có thêm gần 2 triệu tấn lúa hao hụt do không thể bảo quản".

Cái khó nhất là tập trung quỹ đất, giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư xây kho. Nhiều ý kiến đồng tình trích "gói kích cầu" 6 tỉ USD để đầu tư vào việc xây kho lương thực, điều chỉnh tỉ giá và tạo điều kiện vay vốn cho DN.

Về tăng cường dự báo thị trường, hiệp hội kiến nghị Chính phủ thống nhất chung giá thành sản xuất lúa (1.600 - 1.700đ/kg), cân đối đầu mối lương thực theo vùng miền thay vì từng địa phương, mở rộng hệ thống bán lẻ hàng nông sản nhằm phát huy vai trò HTX...

Phát biểu tại chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ NNPTNT, năm 2009 tập trung giải quyết vấn đề xây kho chứa lúa với trữ lượng khoảng 4 triệu tấn/năm, theo đó thu mua hết lúa cho bà con - đặc biệt sau vụ chủ lực đông xuân.

"Ngoài xây kho lương thực, cần tập trung kho đông lạnh cho thủy sản. Vấn đề về xử lý môi trường trong nuôi trồng cá tra, cá ba sa cũng phải lưu tâm, bởi phía NK sẽ có phản ứng và có nguy cơ dừng NK nếu phát hiện về vấn đề xử lý môi trường chưa đạt yêu cầu" - Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Dương Hà/Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.